Chứng khoán tuần tới gặp khó nếu thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt

Thực tế, thị trường chứng khoán trong nước đang thiếu các thông tin tích cực hỗ trợ, trong khi các thông tin vĩ mô thế giới đang diễn biến khó lường và nghiêng về chiều hướng tiêu cực.
Chứng khoán tuần tới gặp khó nếu thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến giằng co và rung lắc mạnh. Dù kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tăng nhẹ nhưng thanh khoản sụt giảm và khối ngoại vẫn bán ròng mạnh. Đây sẽ là yếu tố tiêu cực tác động lên thị trường trong tuần tới.

Bên cạnh đó, tuần tới khi chỉ số VN-Index bước vào vùng 985-1.000 điểm, thị trường có thể gặp rủi ro điều chỉnh.

Kết tuần giao dịch từ 12-16/8, VN-Index tăng nhẹ 4,76 điểm lên 980 điểm; HNX-Index giảm 0,44 điểm xuống 102,35 điểm.

Thanh khoản trung bình mỗi phiên trong tuần qua giảm mạnh so với tuần trước đó, đạt khoảng 4.375 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Thanh khoản giảm cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư. Đây là yếu tố tiêu cực kìm hãm đà hồi phục của thị trường.

Việc khối ngoại bán ròng mạnh là một phần nguyên nhân khiến giới đầu tư trong nước thận trọng trong giao dịch. Tính trên toàn thị trường, tuần qua khối ngoại bán ròng 28,8 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 837 tỷ đồng.

Diễn biến nội tại của các nhóm cổ phiếu cho thấy không có sự tăng trưởng chắc chắn thành xu hướng tại những mã cổ phiếu, nhóm cổ phiếu.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup tuần qua có diễn biến theo các xu hướng khác nhau, theo đó, VIC tăng 1,4%, trong khi VHM giảm 0,6%, còn VRE đi ngang.

[Tháng 7: Giao dịch chứng quyền có bảo đảm chiếm 1,26% trên HoSE]

Trong khi đó, VNM và MSN là điểm sáng trong nhóm cổ phiếu thực phẩm-đồ uống. Cụ thể, VNM tăng 2,6%, MSN tăng 1,3%. Đây là những cổ phiếu tạo lực nâng đỡ lớn cho thị trường. Mã cổ phiếu vốn hóa lớn ngành bia là SAB cũng có các phiên tăng giảm đan xen. Tính cả tuần, cổ phiếu này chỉ tăng nhẹ 0,1%.

Về ngành thép, cổ phiếu đầu ngành HPG tăng mạnh tới 2,2% vào phiên đầu tuần, nhưng các phiên sau đó đều giảm giá. Tổng kết cả tuần, cổ phiếu này giảm nhẹ 0,2%. Cổ phiếu vốn hóa lớn ngành hàng không là VJC cũng giảm 0,9%.

Như vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến không mấy tích cực khi ở chiều tăng giá, các mã có mức tăng không lớn và xu thế tăng cũng không chắc chắn. Trong khi đó, vẫn còn những mã có xu hướng đi ngang hoặc giảm giá.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu TCB tăng tới 8,2%, BID tăng 3,8%, MBB tăng 4,4%, VPB tăng 2,4%, HDB tăng 0,4%. Ở chiều giảm giá, VCB giảm 0,7%, EIB giảm 1,3%, STB giảm 0,4%...

Như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực nhất thị trường với mức tăng lớn ở những mã trụ cột. Tuy nhiên, việc nhóm cổ phiếu này có duy trì được đà tăng trong tuần tới hay không là điều chưa chắc chắn khi mà VN-Index bước vào vùng 985-1.000 điểm, thị trường có thể gặp áp lực bán mạnh của giới đầu tư.

Một nhóm cổ phiếu quan trọng có ảnh hưởng lớn đến thị trường là nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuần qua, nhóm cổ phiếu này diễn biến tiêu cực với GAS giảm 0,4%, PLX dù tăng nhẹ 0,4% nhưng thanh khoản ở mức rất thấp. Trong khi POW giảm 4,1%, PVB (-1,7%), PVS (-1,9%), PVC (-1,3%), BSR (-4%), OIL (-1,6%).

Với diễn biến hiện tại của thị trường chung, cùng việc hồi phục của giá dầu thế giới đang diễn ra khó khăn, nhóm cổ phiếu dầu khí có lẽ khó có cơ hội đảo chiều tăng giá trong tuần tới.

Giá dầu châu Á tăng hơn 1% trong phiên cuối tuần qua (16/8) sau khi đã giảm khá sâu các phiên trước đó. Đà tăng này có được nhờ số liệu bán lẻ khá tích cực của Mỹ đã "xoa dịu" nỗi lo về khả năng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá dầu Brent Biển Bắc phiên cuối tuần qua tăng 68 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên 58,91 USD/thùng vào lúc 13 giờ 50 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi đã giảm lần lượt 3% và 2,1% trong phiên 14 và 15/8.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 63 xu Mỹ (1,2%) lên 55,1 USD/thùng. Loại dầu này trong phiên 14 và 15/8 trước đó đã giảm lần lượt là 3,3% và 1,4%.

Dù giá dầu thế giới tăng trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng theo giới chuyên gia, đà tăng này là không chắc chắn.

Thực tế, thị trường chứng khoán trong nước đang thiếu các thông tin tích cực hỗ trợ, trong khi các thông tin vĩ mô thế giới đang diễn biến khó lường và nghiêng về chiều hướng tiêu cực.

Từ nhiều tháng qua, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng căng thẳng thương mại sẽ làm nhà đầu tư cảm thấy bất an bên cạnh nỗi lo về tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và tác động của Brexit tới nước Anh và châu Âu. Căng thẳng này đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu. Số liệu trong tuần này cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp của 17 năm.

Trong khi đó, phát biểu với giới phóng viên ngày 15/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay kế hoạch đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tháng Chín vẫn diễn ra như dự định và hai bên sẽ tiếp tục đàm phán qua điện thoại. Ông Trump đưa ra tuyên bố trên sau chưa đầy một tuần để ngỏ khả năng vòng đàm phán tiếp theo tại Washington này sẽ bị hoãn.

Theo giới chuyên gia, hiện các nhà đầu tư đang ngóng chờ các tín hiệu mới từ hội nghị chuyên đề thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Họ nhận thấy chỉ có khoảng 30% cơ hội cho Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng Chín.

Các nhà đầu tư vẫn quan ngại về vấn đề này và đã tìm đến những tài sản an toàn hơn như trái phiếu và vàng.

Nguồn vốn tìm đến các tài sản an toàn, mang tính trú ẩn có thể khiến các thị trường chứng khoán gặp khó khăn, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại thị trường chứng khoán Mỹ, kết thúc tuần giao dịch tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 1,5% và S&P 500 cũng giảm 1%.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định thận trọng cho diễn biến tuần giao dịch tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank cảnh báo nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng với giai đoạn biến động mạnh hiện tại. Dòng tiền chốt lời mạnh tại các cổ phiếu đã tăng giá vững vàng trong thời gian qua, vốn là các cổ phiếu trọng tâm của thị trường. Khi các cổ phiếu này đồng loạt tạo đỉnh, thị trường có thể gặp khó nếu không có dòng cổ phiếu khác luân phiên.

Trong khi đó, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS dự báo kịch bản nhiều khả năng xảy ra là thị trường sẽ hình thành vùng dao động ở vùng 980 điểm, trong lúc áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn và tình hình bên ngoài vẫn khó dự đoán.

Cũng có cái nhìn thận trọng, nhóm nghiên cứu tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng áp lực bán vẫn còn hiện hữu, nhất là ở nhóm các cổ phiếu lớn. Thị trường tiếp tục phân hóa và dòng tiền có hiện tượng tìm đến những cổ phiếu chưa tăng trong thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục