Chứng khoán: Xu hướng chưa rõ ràng, không nên 'lướt sóng' ngắn hạn

Các chuyên gia phân tích xu hướng thị trường chưa được xác nhận rõ ràng do đó đây không phải là thời điểm thích hợp cho các hoạt động đầu tư ‘lướt sóng’ ngắn hạn.
Chứng khoán: Xu hướng chưa rõ ràng, không nên 'lướt sóng' ngắn hạn ảnh 1Rủi ro VN-Index tiếp tục giảm sâu trong hiện tại là không cao và ngưỡng 1.300-1.320 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số. (Ảnh minh họa:Vietnam+)

Thị trường chứng khoán đã kéo dài đà điều chỉnh tuần thứ năm liên tiếp. Theo đó, VN-Index đã mất 37,54 điểm (-2,7%) trong cả tuần và xuống mức 1.329,26 điểm. Tương tự, HNX-Index “tuột tay” 22,37 điểm (-6,1%), về mức 343,46 điểm.

Giá cổ phiếu nhiều nhóm ngành điều chỉnh sâu

Tuần qua, mức thanh khoản của thị trường suy giảm mạnh so với tuần trước đó, do chỉ giao dịch trong 3 ngày. Tuy nhiên, thanh khoản trung bình của mỗi phiên cũng tiếp tục điều tiết về mức thấp. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn đạt 22.295 tỷ đồng/phiên và giảm hơn 19% so với tuần trước.

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), giá trị giao dịch trên sàn HoSE trong cả tuần đạt 46.800 tỷ đồng và xuống gần 48% so với tuần trước, tương ứng khối lượng 1.600 triệu chứng khoán (giảm 48%). Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên sàn HNX đạt 4.800 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 53% với khối lượng giao dịch 210 triệu cổ phiếu (giảm 54%).

Trên thị trường, mức vốn hóa tại các nhóm ngành hầu hết đều sụt giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có mức giảm mạnh nhất trong tuần với 5,1% giá trị vốn hóa, tiêu biểu tại các cổ phiếu thuộc ngành thép, như HPG (-3,5%), HSG (-8,1%), NKG (-7,6%)... và ngành hóa chất, như DGC (-4,1%), DPM (-5,5%), DCM (-7,4%)...

Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí và công nghệ thông tin cũng giảm 4,3% giá trị vốn hóa và đứng thứ hai trên thị trường về tốc độ điều chỉnh, các cổ phiếu như OIL (-2,2%), PVD (-5,9%), PVS (-1,6%), PVB (-4,9%), PVC (-4,5%), PLX (-4,6%)...; FPT (-4,6%), CMG (-2,5%)...

Nhóm 5 mã chứng khoán giảm mạnh nhất trong tuần trên HoSE:

Chứng khoán: Xu hướng chưa rõ ràng, không nên 'lướt sóng' ngắn hạn ảnh 2(Nguồn: SHS) - (*) Giá tham chiếu - Đơn vị: Nghìn đồng

Đáng chú ý, nhóm ngành “trụ cột” của thị trường là ngân hàng đã xuống tới 3,7% giá trị vốn hóa đồng thời tạo áp lực điều chỉnh lên VN-Index, có thể kể đến VCB (-1,9%), CTG (-2,7%), ACB (-5,2%), TCB (-5,7%), MBB (-6%), VPB (-6,9%), SHB (-4,9%)...

Các ngành còn lại cũng trong tình trạng giảm tương đối mạnh, như nhóm tài chính (-2,8%), hàng tiêu dùng (-1,6%), dược phẩm và y tế (-2,1%), dịch vụ tiêu dùng (-3,1%), công nghiệp (-3,2%).

Lội dòng nước ngược, cổ phiếu ngành tiện ích cộng đồng là nhóm duy nhất mang đến “niềm vui” cho nhà đầu tư với mức tăng 2,4% giá trị vốn hóa, nhờ sự đi lên tích cực của các mã GAS (+3,6%), POW (+3,7%)...

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết giá giao dịch các hợp đồng tương lai VN30 trên thị trường phái sinh đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 1 đến 13 điểm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể điều chỉnh trong thời gian tới.

Nhà đầu tư vẫn rất thận trọng

Phân tích diễn biến thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhấn mạnh áp lực bán gia tăng (sau đợt nghỉ Lễ) đã khiến VN-Index giảm 2/3 phiên giao dịch trong tuần.

Cụ thể, thông tin chi phối thị trường tuần qua xoay quanh việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản (mức tăng cao nhất tại một cuộc họp chính sách trong vòng 22 năm qua). Thêm vào đó, FED cũng công bố kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán kể từ đầu tháng Sáu tới. Những công bố trên đã gây ra những biến động lớn đối với thị trường tài chính toàn cầu. Riêng, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã dao động trong biên độ lên tới 3-4%/phiên với những phiên tăng giảm đan xen.

“Hơn nữa, chỉ số đo lường tâm lý thị trường (VIX) đang neo ở mức cao, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá bất ổn. Chính những điều này đã tác động lớn tới diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, mức thanh khoản thị trường sụt giảm tuần qua trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước những diễn biến gần đây,” ông Hinh nói.

Trong khi đó, ông Thắng cho biết định giá của thị trường đã về mức hấp dẫn (sau năm tuần giảm liên tiếp) với P/E của VN-Index khoảng 14,5 lần; P/E của VN30 là khoảng gần 14 lần và thấp hơn mức trung bình của 5 năm gần đây.

“Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị,” ông Thắng trao đổi.

Tuy nhiên phân tích trên góc độ kỹ thuật, ông Thẳng khuyến cáo tình hình chung đang khá tiêu cực với việc VN-Index đánh mất ngưỡng 1.350 điểm để bước vào sóng điều chỉnh với mục tiêu lý thuyết quanh ngưỡng 1.200 điểm. Nhưng, thị trường đã điều chỉnh giảm khá mạnh trong thời gian qua, vì vậy khả năng tiếp tục xuống sâu trong thời gian tới là khó xảy ra.

Ông Thắng dự báo “trong tuần giao dịch từ ngày 9-13/5, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu như ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 1.300 điểm (MA20 tháng) được giữ vững.”

Đồng tình với đánh giá này, ông Hinh cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường chưa xuất hiện nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh, VN-Index vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vùng kháng cự 1.370-1.380 điểm. Tuy nhiên, lực bán tại vùng giá thấp khả năng sẽ không còn mạnh như hai tuần trước đây, vì vậy rủi ro VN-Index tiếp tục giảm sâu trong hiện tại là không cao và ngưỡng 1.300-1.320 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số.

Ông Hinh khuyến nghị đối với những nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét giải ngân khi thị trường về hỗ trợ quanh 1.300 điểm cho mục tiêu 6-12 tháng tới trên cơ sở: Việt Nam mới trong giai đoạn đầu phục hồi kinh tế, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng tốc trong những quý tới. Mặt khác, các gói kích thích kinh tế của Chính phủ vẫn đang được triển khai, bao gồm cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Với các doanh nghiệp niêm yết, kết quả kinh doanh hầu hết được dự báo tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong giai đoạn 2022-2023. Cộng thêm, định giá thị trường đang được chiết khấu khoảng hơn 10% so với mức trung bình những năm gần đây.

“Nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân vào những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2022-2023 và định giá đã ở mức chiết khấu tốt sau giai đoạn điều chỉnh lớn vừa qua như ngành điện, dầu khí, ngân hàng,” ông Hinh nói.

Tuy nhiên với những nhà đầu tư “lướt sóng” ngắn hạn, ông Hinh thận trọng khuyến nghị hiện tại không phải thời điểm thích hợp gia tăng vị thế khi xu hướng thị trường vẫn chưa được xác nhận rõ ràng.

“Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục hơn là tìm kiếm lợi nhuận trong “T+3” đồng thời hạn chế sử dụng đòn bẩy cao tại thời điểm này,” ông Hinh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục