Chuỗi bách hóa bán lẻ lớn nhất nước Anh 'vật lộn' tìm hướng đi

Các chủ nợ của Debenhams, chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ lớn nhất nước Anh, đã nắm quyền kiểm soát Debenhams sau khi doanh nghiệp này từ chối đề nghị rót vốn 200 triệu bảng Anh từ Sports Direct.
Chuỗi bách hóa bán lẻ lớn nhất nước Anh 'vật lộn' tìm hướng đi ảnh 1Chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ lớn nhất nước Anh Debenhams. (Nguồn: PA)

Các chủ nợ của Debenhams, chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ lớn nhất nước Anh, ngày 9/4 đã nắm quyền kiểm soát Debenhams sau khi doanh nghiệp này từ chối đề nghị rót vốn 200 triệu bảng Anh từ Sports Direct.

Các quản trị viên tại công ty tư vấn tài chính FTI Consulting đã được chỉ định nắm quyền quản trị, sau khi nỗ lực của ông chủ Sports Direct Mike Ashley (cổ đông lớn nhất với 29,9%) nhằm cứu vãn Debenhams bất thành.

Ông Ashley đã chi khoảng 150 triệu bảng để thu mua cổ phẩn của Debenhams kể từ năm 2014.

Debenhams được phép tiếp cận khoản tài trợ mới trị giá 200 triệu bảng từ những chủ nợ của họ.

[Hoạt động kinh tế của Anh trầm lắng trước thời điểm Brexit]

Chủ tịch Debenhams, ông Terry Duddy, lên tiếng bày tỏ "rất lấy làm thất vọng" về việc các cổ đông bị gạt ra lề và cho biết doanh nghiệp hiện vẫn đang tập trung bảo vệ và giữ nhiều việc làm nhất có thể, tránh nguy cơ các cửa hàng bị đóng cửa.

Thỏa thuận ngày 9/4 sẽ cho phép 165 cửa hàng và 25.000 nhân viên tại Anh quốc của Debenhams duy trì hoạt động trong thời gian trước mắt.

Tuy nhiên, các chủ sở hữu hiện thời của Debenhams, trong đó có ngân hàng Barclays, ngân hàng Ireland và quỹ đầu tư phòng hộ Silver Point và Golden Tree, muốn đóng khoảng 50 cửa hàng để cắt giảm chi phí. Việc tái cấu trúc này có thể đe dọa khoảng 4.000 việc làm tại đây.

Tại thời điểm suy sụp, nợ của Debenhams đã lên tới 720 triệu bảng (tương đương 940 triệu USD) và giá trị thị trường chỉ vào khoảng 22 triệu bảng. Trong năm 2018, chuỗi bán lẻ này có 19 triệu khách hàng và doanh số bán đạt 2,9 tỷ bảng.

Theo các nhà phân tích, vụ phá sản của Debenhams là do nhiều yếu tố, như việc đưa ra những quyết định yếu kém, những khoản nợ khổng lồ đã khiến doanh nghiệp không thể theo kịp xu hướng bán hàng mới (như bán hàng trên mạng) kết hợp với bán lẻ theo phương thức truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục