Chương mới trong quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đánh dấu một chương mới trong quan hệ Mỹ-Ấn.
Thế giới đang được chứng kiến sự nồng ấm mới trong quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ, đặc biệt sau chuyến thăm Mỹ vừa kết thúc của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Đây cũng là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia của Ấn Độ tới Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua.

Và không phải vô cớ khi Washington dành cho nhà lãnh đạo Ấn Độ những nghi lễ trọng thể nhất, đề cao vai trò của cường quốc hạt nhân ở Nam Á này.

Là một trong những nền kinh tế phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và là nền dân chủ lớn nhất thế giới, Ấn Độ có vị thế một đối tác quan trọng tại khu vực Nam Á mà Mỹ không thể bỏ qua.

Ra đời từ thời cựu Tổng thống George W.Bush, cụm từ "đối tác chiến lược" gắn liền với quan hệ song phương Mỹ-Ấn Độ và nó đã được Tổng thống Obama cùng Thủ tướng Singh nhắc lại không dưới một lần trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington.

Nhớ lại, trong 8 năm dưới thời Bush (2001-2008), quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ đã ghi nhận những bước tiến lớn, mà điểm nhấn là thỏa thuận hạt nhân dân sự được lãnh đạo hai nước ký năm 2006.

Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng theo cấp số nhân trong hai thập kỷ gần đây, từ mức 5 tỷ USD năm 1990 lên 14 tỷ USD vào năm 2000 và đạt kỷ lục 46 tỷ USD hồi năm ngoái.

Ấn Độ còn là một trong những thị trường đầy tiềm năng đối với các tập đoàn quốc phòng của Mỹ.

Nếu trước đây Ấn Độ chủ yếu mua các trang thiết bị, khí tài quân sự của Nga và các tập đoàn quân sự châu Âu, thì nay, nước này đã chuyển hướng sang Mỹ với tổng giá trị hợp đồng lên tới 3,5 tỷ USD cho năm 2008.

Chưa hết, nếu xét tổng thể các lĩnh vực hợp tác, nhiều chính trị gia Mỹ phải thừa nhận rằng họ không có lý do gì để không siết chặt tay hơn với Ấn Độ, bởi đây là quốc gia có vai trò quan trọng không thể thay thế trong chiến lược của Mỹ ở Nam Á.

Tổng thống Obama và nội các sức mạnh của ông đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán Afghanistan. Sau hơn 8 năm phát động cuộc chiến tại quốc gia Nam Á này (năm 2001), lật đổ chính quyền Taliban, Mỹ và liên quân vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu xây dựng một nhà nước Afghanistan "dân chủ và ổn định".

Mục tiêu này dường như càng xa vời khi lực lượng Taliban cùng các chân rết của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda không ngừng lớn mạnh, gia tăng các hoạt động chống phá chính quyền sở tại. Bạo lực tại Afghanistan đã lan sang Pakistan, nước láng giềng của Ấn Độ và có nguy cơ đẩy Nam Á lún sâu vào tình trạng bất ổn.

Để triển khai hiệu quả các chiến lược tại Afghanistan, ngoài việc cân nhắc tăng quân, Washington cần tới New Delhi trên phương diện kinh tế, thúc đẩy các dự án tái thiết đất nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ấn Độ đang tích cực tham gia các chương trình tái thiết tại Afghanistan trị giá 1,2 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại nước này.

Thắt chặt quan hệ cũng là một động thái nhằm xoa dịu những quan ngại của Ấn Độ rằng Mỹ đang củng cố quan hệ với Pakistan, nước láng giềng và cũng là đối thủ của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua.

Thời gian gần đây, để đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, Mỹ cần tới sự hỗ trợ không thể thiếu của Pakistan và Washington đã cấp cho Islamabad khoản viện trợ hơn 7,5 tỷ USD. Tuy vậy, thông qua chuyến đi trên của Thủ tướng Singh, Washington đã thêm một lần nhắc lại rằng bất chấp việc gia tăng quan hệ với Pakistan, Mỹ vẫn không quên "đối tác truyền thống" tại Nam Á với số dân lớn thứ hai thế giới này.

Trong các cuộc hội đàm song phương, Tổng thống Obama đã ca ngợi quan hệ Mỹ-Ấn Độ là một trong những mối quan hệ đối tác định hình thế kỷ 21. Hai nước đã ký một loạt thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, năng lượng sạch, thương mại, đầu tư, đấu tranh chống khủng bố... Đã có những viên gạch đầu tiên hướng tới thành lập cơ chế đối thoại kinh tế chiến lược cấp chính phủ thường niên giữa hai nước, tương tự cơ chế Mỹ-Trung Quốc.

Hai bên cũng tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, lên án mạnh mẽ các hoạt động khủng bố tại Pakistan, coi đây là nguy cơ đe dọa an ninh, ổn định và hòa bình tại khu vực Nam Á.

Hai nhà lãnh đạo cũng thông báo Sáng kiến hợp tác chống khủng bố, mở rộng các lĩnh vực hợp tác an ninh, chia sẻ thông tin, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và tình báo của mỗi nước nhằm ngăn chặn các vụ khủng bố tương tự vụ Mumbai hồi tháng 11 năm ngoái tại Ấn Độ, khiến 166 người thiệt mạng.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của Thủ tướng Singh đã đánh dấu một chương mới trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, góp phần củng cố hòa bình và an ninh không chỉ ở Nam Á mà trên phạm vi toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục