Chuyến công du châu Âu đầy thách thức của Obama

Mùa hè năm ngoái, châu Âu đã nồng nhiệt chào đón ông Barack Obama khi ông tới thăm với tư cách là ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Nhưng lần này, châu Âu sẽ dành cho ông sự đón tiếp ra sao khi ông lần đầu tiên tới thăm trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Mùa hè năm ngoái, châu Âu đã nồng nhiệt chào đón ông Barack Obama khi ông tới thăm với tư cách là ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Nhưng lần này, châu Âu sẽ dành cho ông sự đón tiếp ra sao khi ông lần đầu tiên tới thăm trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Ông Obama rời Washington ngày 31/3 trong chuyến công du châu Âu 8 ngày. Theo bình luận của mạng Miami Herald (Mỹ), ông sẽ phải đối mặt với những chỉ trích và thách thức ở châu Âu. Ông vẫn là một người rất được lòng dân châu Âu và sẽ có những đám đông chào đón còn nhiều hơn mùa hè năm ngoái.

Trong chuyến đi đầu tiên tới châu Âu với tư cách Tổng thống Mỹ này, ông Obama cũng có các mục tiêu lớn, tìm cách đưa ra một sự đối phó phối hợp toàn cầu cho cuộc suy thoái kinh tế, hy vọng châu Âu sẽ đưa thêm quân để hỗ trợ cuộc chiến tranh đang leo thang ở Afghanistan và tìm cách khôi phục sự hợp tác quốc tế mà ông cho là đã bị tổn thương trong những năm cầm quyền của người tiền nhiệm George W. Bush.

Đây sẽ là công việc khó khăn. Về mặt công khai, châu Âu và các nhà lãnh đạo thế giới sẽ chấp nhận ông Obama; nhưng về mặt riêng tư, họ có thể sẽ nói không với các đề nghị của ông, nhất là việc đưa quân chiến đấu tới Afghanistan, hoặc đơn giản tránh chủ đề này.

Chặng dừng chân đầu tiên của ông sẽ là Hội nghị thượng đỉnh G-20 (Nhóm các nước phát triển và mới nổi), tại London.

Các nhà bình luận thời sự Mỹ và châu Âu cho rằng mặc dù nhiều nhà lãnh đạo thế giới hoan nghênh cách tiếp cận cơ bản nhất trong chính sách đối ngoại của ông Obama là chấm dứt chính sách đơn phương của người tiền nhiệm và hàn gắn quan hệ với các nước đồng minh, bạn bè của Mỹ nhưng khi tới dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 trong tuần này, ông Obama sẽ phải đối mặt với những nhà lãnh đạo của cả châu Á lẫn châu Âu đang chống lại một số kiến nghị quan trọng của ông, trong đó có lời kêu gọi tăng chi tiêu cho các chương trình kích thích kinh tế.

"Thời báo Los Angeles" ngày 30/3 nhận xét bất chấp cử chỉ ngoại giao tự coi mình như nhà hòa giải, ông Obama sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức tại hội nghị này. Ông đã thúc giục các nước châu Âu dành nhiều chi phí của chính phủ hơn để kích thích nền kinh tế toàn cầu như ông đã làm ở trong nước. Tuy nhiên, các nước châu Âu đang nhấn mạnh tới quy tắc nghiêm ngặt hơn về hệ thống tài chính.

Ông Obama tiếp đó sẽ tham dự cuộc họp với các thành viên NATO tại Strabourg (Pháp) và Baden-Baden (Đức).

Tại Praha, ông sẽ tham dự cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU). Ở đó, ông sẽ đưa ra cái mà các trợ lý gọi là bài diễn văn quan trọng về phổ biến vũ khí, không chỉ mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân mà còn các mối đe dọa về điều khiển học và an ninh năng lượng.

Báo Pháp "Le Figaro" cho rằng chuyến công du trên mang nhiều kỳ vọng không chỉ đối với Tổng thống Obama mà với cả châu lục này, sau một thời gian dài nước Mỹ quay lưng lại với thế giới trong kỷ nguyên của Bush. Ngoài ra, nó được coi là bước mở đầu quan trọng quyết định việc khôi phục hình ảnh và uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

Xét dưới nhiều khía cạnh, ông Obama là tổng thống mà nhiều nhà lãnh đạo thế giới nói họ muốn thấy. Ông đã đảo ngược các chính sách gây nhiều tranh cãi của cựu Tổng thống Bush, như quyết định đóng cửa nhà tù Guantanamo, chấm dứt các biện pháp thẩm vấn hà khắc với các nghi can khủng bố.

Kết quả các cuộc điều tra dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Obama trên khắp lãnh thổ châu Âu rất cao, thậm chí cao hơn cả tỷ lệ ủng hộ ông ở trong nước. Tuy nhiên, cả tỷ lệ ủng hộ cao lẫn cách tiếp cận hòa giải đều không giúp ông Obama tránh được phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới về kế hoạch phục hồi kinh tế thế giới của ông.

Nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Reginald Dale cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không nhượng bộ ông Obama trong những vấn đề cơ bản trên. Sự khác biệt giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu không chỉ trong vấn đề lợi ích, mà cả thái độ của người dân lẫn kinh nghiệm trong lịch sử.

Tại Hội nghị cấp cao NATO, diễn ra chỉ vài ngày sau Hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với một sự khác biệt khác. Ông muốn các đồng minh tăng cam kết quân sự ở Afghanistan, nhưng các nhà lãnh đạo NATO tỏ ra chưa sẵn sàng tăng mạnh số quân đóng góp cho chiến trường này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục