Chuyến công du Trung Đông của ông Blinken: Gánh nặng đường xa

Mục tiêu chính của ông Blinken trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Đông với tư cách ngoại trưởng là giúp xây dựng lại Gaza và giảm căng thẳng ở khu vực Jerusalem đang tranh chấp.
Chuyến công du Trung Đông của ông Blinken: Gánh nặng đường xa ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo chung tại Jerusalem ngày 25/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo AP/eurasiareview.com/nytimes.com/RFI, ngày 26/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đáp chuyến bay đến Ai Cập với sứ mệnh ngoại giao là củng cố lệnh ngừng bắn giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas cầm quyền ở dải Gaza. Lệnh ngừng bắn này được 2 bên ký kết sau cuộc chiến kéo dài 11 ngày.

Ông Blinken đã hạ cánh xuống Cairo 1 ngày sau các cuộc hội đàm chuyên sâu với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine.

Tại Ai Cập, ông đã gặp Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi và các quan chức hàng đầu khác. Sau đó, ông đến Jordan để gặp Quốc vương Abdullah II.

Ông Blinken đã cam kết sẽ "tập hợp sự ủng hộ của quốc tế" để xây dựng lại khu vực Gaza bị ảnh hưởng nặng nề, đồng thời hứa hẹn rằng không có khoản viện trợ nào đến tay Hamas. Thay vào đó, ông cố gắng hậu thuẫn đối thủ của Hamas - chính quyền Palestine (PA) được quốc tế công nhận.

Ông Blinken đã đặt ra những mục tiêu khiêm tốn cho sứ mệnh này - chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Trung Đông với tư cách là ngoại trưởng.

[Thế kẹt của nước Mỹ trên bàn cờ Trung Đông đầy bất trắc]

Mục tiêu chính của ông là giúp xây dựng lại Gaza và giảm căng thẳng ở khu vực Jerusalem đang tranh chấp vốn kích động chiến tranh.

Tuy nhiên, ông đã nói rõ rằng Mỹ không có kế hoạch ngay lập tức theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên và gần như không mấy hành động để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ, mặc dù ông bày tỏ hy vọng tạo ra một "môi trường tốt hơn" có thể dẫn đến các cuộc đàm phán.

Tại Cairo, Blinken ngày 26/5 đã gặp El-Sisi trong gần 2 giờ. Trong cuộc gặp gỡ với các nhân viên ngoại giao Mỹ sau đó, ông mô tả Ai Cập là một "đối tác thực sự và hiệu quả" đã giúp chấm dứt chiến tranh Gaza và đang giúp "xây dựng một điều gì đó tích cực."

El-Sisi đã đối thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước trước và sau khi lệnh ngừng bắn được công bố. Phát biểu trước khi tới Jordan, ông nói: “Tôi nghĩ rằng cả hai chúng ta đều tin tưởng mạnh mẽ rằng người Palestine và người Israel đều xứng đáng bình đẳng, được sống trong an toàn và an ninh để được hưởng các biện pháp bình đẳng về tự do, cơ hội và phẩm giá. Và chúng tôi đang cùng nhau giải quyết vấn đề đó.”

El-Sisi nói với Blinken rằng những diễn biến mới nhất giữa Israel và Palestine đã tái khẳng định sự cần thiết của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên với sự tham gia của Washington.

Tuyên bố của Tổng thống Ai Cập cho biết Washington và Cairo nhất trí tăng cường phối hợp trong việc củng cố lệnh ngừng bắn và khởi động quá trình tái thiết ở dải Gaza.

Cả Ai Cập và Jordan đều là những đồng minh quan trọng của Mỹ có thỏa thuận hòa bình với Israel và thường xuyên đóng vai trò hòa giải giữa Israel và Palestine.

Ai Cập duy trì quan hệ với Hamas, nhưng cũng thực thi phong tỏa chặt chẽ ở Gaza cùng với Israel, với mục tiêu chung là ngăn chặn nhóm Hồi giáo trang bị vũ khí.

Nguy cơ rạn nứt với Israel khi Mỹ khôi phục kết nối với Palestine

Trước đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã đến đối thoại với chính quyền Palestine hôm 25/5 với cam kết về viện trợ bổ sung, mở lại lãnh sự quán ở Jerusalem và cam kết xây dựng lại mối quan hệ đã bị cắt đứt bởi chính quyền tiền nhiệm để ủng hộ Israel.

Chính quyền Biden cho biết họ sẽ hỗ trợ tài chính cho một nỗ lực tái thiết khổng lồ ở dải Gaza, vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của Hamas, một nhóm chiến binh bị Mỹ, Israel và nhiều quốc gia khác coi là tổ chức khủng bố.

Việc Mỹ xây dựng lại quan hệ với Palestine cũng có nguy cơ chọc giận Israel, đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ ở Trung Đông. Trong lúc đó, các nhà lãnh đạo Israel cũng đang lo lắng về nỗ lực của chính quyền Biden trong việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran. Israel từ lâu đã phản đối và tìm cách phá hoại thỏa thuận.

Mặc dù thúc đẩy sự bình yên tại khu vực này, song chính quyền Biden cũng cẩn trọng để không làm rạn nứt quan hệ với Israel. Mỹ là thực thể duy nhất tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngăn chặn mọi nỗ lực đổ lỗi cho Israel trong cuộc chiến gần đây với Hamas.

Biden cũng công khai ủng hộ quyền tự vệ của Israel trong cuộc xung đột. Trên thực tế, chỉ vài giờ trước cuộc gặp với ông Abbas, Blinken đã gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel, người cũng cảm ơn chính quyền Biden vì đã hỗ trợ trong cuộc chiến chống Hamas.

Tuy nhiên, Netanyahu đã thẳng thừng nhắc nhở Blinken về sự ủng hộ của Israel đối với các chính sách mà Trump thúc đẩy: chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran và hâm nóng quan hệ ngoại giao với bốn chính phủ Arập vốn có lịch sử thù địch với Israel.

Mặc dù đồng tình rằng Tehran phải bị ngăn chặn chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng Blinken không hề bị rơi vào “bẫy” của Netanyahu mà nhẹ nhàng lưu ý rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Israel về việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Và mặc dù trọng tâm bao trùm chuyến thăm của Blinken là đảm bảo ngừng bắn lâu dài, nhưng Netanyahu nói rõ rằng Israel đã sẵn sàng đưa ra một phản ứng “rất mạnh mẽ” trước bất kỳ cuộc tấn công mới nào của Hamas.

Cùng lúc đó, theo AP, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ bổ nhiệm cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Tom Nides làm đại sứ tại Israel, theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.

Nides hiện là giám đốc điều hành và phó chủ tịch của ngân hàng Morgan Stanley. Trước đây, ông từng là thứ trưởng ngoại giao phụ trách quản lý và nguồn lực dưới thời Hillary Clinton giai đoạn 2011-2013.

Một quan chức yêu cầu giấu tên cho biết Nides đã được chính thức đề cử vị trí này. Theo dự kiến, Biden sẽ sớm công bố việc này, mặc dù thời gian chính xác vẫn chưa rõ ràng.

Việc bổ nhiệm đại sứ tại Israel đã trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ sau cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas trong tháng này khiến hơn 250 người thiệt mạng, chủ yếu là người Palestine và hàng chục nghìn người phải di dời khỏi dải Gaza.

Nhiều tuần sau lễ nhậm chức của Biden hồi tháng 1/2021, Israel phàn nàn rằng Biden đã chậm chạm trong việc chỉ định đại diện ngoại giao Mỹ cũng như liên hệ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Một số quan chức Israel lo lắng rằng sự im lặng đó của Biden báo hiệu một mối quan hệ có khả năng lạnh nhạt hơn giữa hai đồng minh thân thiết.

Vì sao Mỹ thờ ơ với hồ sơ Israel-Palestine?

Trong chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Blinken, một mặt Mỹ tái khẳng định sự hậu thuẫn không gì lay chuyển của Washington đối với Israel. Mặt khác, ông hối thúc Israel thông lối vào trên dải Gaza, bị phong toả từ 14 năm qua, cho cứu trợ khẩn cấp.

Những tuyên bố này cho thấy tham vọng hạn hẹp của Mỹ trong hồ sơ Cận Đông phức tạp. Chuyến công du Israel, Palestine, Jordan và Ai Cập của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chỉ nhằm củng cố lệnh ngừng bắn, chứ không nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình cho một giải pháp hai nhà nước.

Thời sự Palestine mỗi lúc trở nên mờ nhạt trong nhãn quan của Washington. Nhà nghiên cứu Alain Dieckhoff cho rằng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine - diễn ra từ hơn hai thập niên - đã trở thành một “cuộc xung đột ngoại vi” có tính chất khu vực, không còn mang tầm cỡ địa chính trị nữa.

Tâm điểm thời sự dần dịch chuyển sang Trung Đông, cụ thể là vùng Vịnh, từ cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, bởi 2 xu hướng cơ bản: Thứ nhất, cuộc chiến do Mỹ khởi xướng chống chế độ Saddam Hussein (2003) và chương trình làm giàu urani mà Iran che giấu hiện là mối quan tâm lớn của Mỹ, Israel và nhiều nước lân cận trong khu vực.

Thứ hai, sự trỗi dậy mạnh mẽ của những phe nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan như al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)... đe dọa an ninh của nhiều nước phương Tây cũng như nhiều quốc gia Arab.

Hồ sơ Israel-Palestine còn trở nên lu mờ hơn bao giờ hết trước cuộc nổi dậy của những phong trào "Mùa xuân Arab" chống chế độ độc tài.

Hy vọng một nền dân chủ nhanh chóng bị dập tắt, nhiều quốc gia giờ vẫn đắm chìm trong cảnh “huynh đệ tương tàn” (như Ai Cập, Libya, Yemen và nhất là Syria).

Mặc dù vậy, cộng đồng quốc tế nhìn nhận rằng cơ may duy nhất cho nền hòa bình lâu dài tại vùng Cận Đông là giải pháp hai nhà nước Israel-Palestine cùng tồn tại song song, dựa trên nền tảng thoả thuận Oslo đúc kết được năm 1993 và được hội nghị vì hòa bình Paris năm 2017 tái khẳng định.

Chỉ có điều, những điều kiện để hình thành một nhà nước Palestine mỗi lúc một xa vời do chính sách “sự đã rồi” của nhà nước Do Thái.

Trong toàn cảnh này, theo nhà địa chính trị học Frédéric Encel, giảng viên trường Đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, nếu cuộc xung đột 11 ngày gần đây giữa Israel và phe Hamas ở dải Gaza khuấy động trở lại chính trường quốc tế, “chúng ta lại đối mặt với một hồ sơ mà trong lĩnh vực địa chính trị người ta gọi là một cuộc chiến dài nhưng có cường độ thấp. Nghĩa là, thi thoảng cứ mỗi 2 năm, 5 năm, hay 10 năm một lần, người ta lại chứng kiến một đợt tấn công chấn động và nhiều đòn đáp trả, nhưng bản thân cuộc xung đột sẽ tiếp tục không được giải quyết.”

Ngoài những yếu tố trên, tờ Le Monde ngày trong một bài phân tích còn nhận định rằng sự bối rối và thái độ cứng rắn chậm trễ đối với đồng minh Israel còn cho thấy có “một chiến lược tránh né của Tổng thống Joe Biden tại Trung Đông” - một khu vực mà Mỹ đã hao tốn biết bao tiền của nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu trong nhiều thập niên qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục