Chuyện đời, chuyện nghề

Chuyện đời, chuyện nghề của thày cô lên phim

Các thầy cô giáo vùng khó đâu chỉ lo giáo án, giảng dạy mà còn chịu các áp lực từ đời sống, họ đã chống trụ với sóng gió ấy ra sao?
Thay thế bộ phim đề tài cảnh sát hình sự "Chỉ còn lại tình yêu" vừa khép lại tập cuối cùng, VTV1 Sẽ phát sóng 28 tập bộ phim "Rừng chắn cát," trong đó các thầy cô ở vùng quê nghèo miền biển tượng trưng cho những rừng cây bạch đàn ngăn chặn sự xói mòn trong lương tri con người. Lên sóng đúng vào dịp kỷ niệm ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam, "Rừng chắn cát" là một lời tri ân của những người làm phim của Trung tâm phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam với những thế hệ trồng người.
Phim giản dị mà ấm tình người
Lấy bối cảnh một trường trung học cơ sở miền biển nghèo thanh bình, cuộc sống đơn giản, "Rừng chắn cát" đề cập đến những lỗ hổng quản lý và sự suy thoái đạo đức trong trường học hiện nay, đồng thời phản ánh cuộc sống của giáo viên nghèo nông thôn với những trăn trở về nghề dạy học. Trong cái nhìn toàn cảnh, đầy đủ, bộ phim còn xây dựng đa dạng chân dung của người giáo viên trong xã hội hiện đại. Bên cạnh những gương mặt phản diện, những “hạt sạn” làm vấy bẩn môi trường giáo dục, phim còn hướng khán giả tới cái nhìn lạc quan về những con người tâm huyết, yêu nghề.


Cảnh khu tập thể giáo viên trong phim
Vượt qua muôn vàn khó khăn vật chất và sự thiếu thốn tinh thần, những người thầy vẫn tâm huyết, bám trụ đến cùng để mang đến con chữ cho các em nhỏ. Họ là những giáo viên thực sự có tâm, có tài, tượng trưng cho những loài cây cắm rễ sâu vào lòng đất làm thành rừng chắn cát, chắn sóng bảo vệ khỏi sự xói mòn của lương tri con người, bảo vệ sự tốt đẹp cho cuộc sống. Không sở hữu dàn diễn viên đẹp như đóng phim về hoa hậu, người mẫu hay "dân chơi" thành phố, bộ phim có sự tham gia của các diễn viên với diễn xuất dung dị, gần gũi như chính cuộc sống thường nhật của các thầy cô giáo ở các trường vùng sâu vùng xa, vùng quê nghèo khó. Nhưng chính điều này lại tạo nên chiều sâu cần có cho một bộ phim về đề tài giáo dục sâu sắc. Đánh giá về bộ phim này, đạo diễn Triệu Tuấn - một trong hai đạo diễn của phim cho biết: “Đây là một câu chuyện rất hay về vùng sâu, vùng xa. Bộ phim giản dị nhưng lại toát lên nhiều nội dung về tình người, khát vọng vươn lên của những giáo viên trẻ và của những người tiến bộ. Thông điệp quan trọng nhất mà bộ phim mang lại là tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì tương lai con em chúng ta.” Bên cạnh những xung đột nảy lửa giữa những gương mặt phản diện, suy thoái về đạo đức với những giáo viên tâm huyết, yêu nghề, "Rừng chắn cát" còn là những chuyện tình lãng mạn, là những tình tiết hài hước... về cuộc sống của các giáo viên ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Các nhà làm phim hy vọng, bộ phim sẽ không chỉ làm nổi bật lên tấm lòng bao dung, bác ái của các giáo viên nói riêng và cán bộ, nhân viên ngành giáo dục nói chung mà còn phản ánh phần nào những tồn tại trong một bộ phận những người làm sư phạm và hy vọng họ sẽ thức tỉnh, đến với trẻ thơ bằng đúng chữ tâm, chữ tài. Phim của đạo diễn Triệu Tuấn-Danh Dũng sẽ bắt đầu lên sóng và kể câu chuyện về nghiệp trồng người trong những ngày tháng 11 rất ý nghĩa trong truyền thống "Tôn sư trọng đạo" này. Chuyện phim "nóng" chuyện đời Chuyện phim kể về trường trung học cơ sở Hải Xuân-một ngôi trường xập xệ đóng trên một đồi cát ở một xã nghèo ven biển. Cùng với sự thiếu chú trọng đầu tư cho giáo dục của địa phương là hệ thống quản lý lỏng lẻo thiếu khoa học của những cán bộ lãnh đạo năng lực hạn chế nhưng chuyên quyền độc đoán (đứng đầu là ông Bảo - hiệu trưởng). Những kẻ ích kỷ bảo thủ và tham lam này đã lợi dụng kẽ hở của những chính sách dành cho giáo dục để vơ vét, tham ô. Sự tham ô len lỏi vào ngay cả tủ sách thư viện trường và đồi bạch đàn chắn cát xâm lấn trường. Vì thế, giáo dục ở địa phương này luôn là một điểm nóng của huyện và tỉnh về chất lượng.


Cảnh phim ở sân trường Trong số giáo viên tiêu biểu của trường về năng lực và nhân cách có Bình Nguyên, một giáo viên nam trẻ khoảng 28, 29 tuổi về trường dạy học đã ngoài 5 năm. Trong khoảng thời gian đó, anh đã có nhiều cống hiến trong cương vị vừa là giáo viên Toán dạy giỏi, đạt danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh duy nhất của trường, vừa là một bí thư đoàn năng nổ. Trong nhà trường phân chia thành nhiều bè phái. Một là những kẻ a dua chạy theo bợ đỡ ông Bảo. Một số giáo viên khác lại bất mãn hoặc đối đầu hoặc âm thầm phá phách. Số còn lại là những giáo viên tuy bất lực với sự bành trướng của thế lực xấu nhưng họ luôn đấu tranh bảo vệ học sinh và trường. Họ là những người yêu thương học sinh hơn cả, nhiệt tình trong giờ dạy quan tâm học sinh và đồng nghiệp trong đời thường. Bị sự ghen ghét của những kẻ xấu nhưng họ vẫn dũng cảm đấu tranh. Môi trường giáo dục “xập xệ,” đời sống giáo viên cả vật chất lẫn tinh thần đều thiếu thốn đã khiến nhiều người bị tha hoá nhân cách. Cuộc sống ở trường Hải Xuân còn thể hiện nhiều mặt trái khác nữa của giáo dục như: Thi nhau học tại chức để được nâng lương, nhiều chủ trương mang tính hình thức phô trương chạy theo thành tích... Tất cả vẽ nên một bức tranh đời sống trường học với gam màu tối, bế tắc. Sẽ bi quan nếu như sự vận động của cuộc sống mãi chìm nghỉm trong cái xấu xa của một bộ phận con người. Với sự quyết tâm của những con người còn lại, nhất là Nguyên, sau nhiều lần chuyển trường không thành, đổ vỡ tình yêu và đặc biệt sau cái chết của người bố, anh nhận ra sự vô nghĩa của việc chạy chọt chuyển trường. Anh đã quyết tâm cùng Hiền, Hiệp, Hồng, Tú, Xuân, cô Tam, một giáo viên  già nhiều tâm huyết... đấu tranh xây dựng lại ngôi trường. Ngôi trường ở làng quê biển nghèo mà không yên bình ấy phải đối diện với một cơn bão mạnh tràn qua. Những kẻ xu nịnh và vô trách nhiệm như Định, Thái, Điền... phải hiện nguyên hình sau vỏ bọc của mình./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục