Chuyển đổi số, ASEAN sẽ là trung tâm phát triển khởi nghiệp sáng tạo

Các nước thành viên ASEAN hiện có lợi thế khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi, “hứa hẹn” tiềm năng khởi nghiệp mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chuyển đổi số, ASEAN sẽ là trung tâm phát triển khởi nghiệp sáng tạo ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trên thế giới, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vẫn diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu; đặc biệt, tại các nước ASEAN, chính sách phát triển quốc gia đều coi trọng vai trò của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Các nước ASEAN hiện có lợi thế khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi, “hứa hẹn” tiềm năng khởi nghiệp mạnh mẽ trong thời gian tới.

Năm 2020 - Năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với Bộ trưởng Kinh tế và Lãnh đạo cấp cao ASEAN và dự án Mạng lưới khởi nghiệp Công nghệ số nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đối với sự phát triển của kinh tế số trong ASEAN.

ASEAN - Trung tâm phát triển khởi nghiệp sáng tạo

Các nước ASEAN hiện có lợi thế khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi, “hứa hẹn” tiềm năng khởi nghiệp mạnh mẽ. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã “sáng kiến” tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN nhằm thảo luận chính sách và cơ chế thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp giữa các nước ASEAN, định hướng đưa ASEAN trở thành trung tâm phát triển khởi nghiệp sáng tạo và bền vững.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, đang từng ngày thay đổi cuộc sống, việc chuyển đổi số đã trở nên cấp thiết đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong sự cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số vào các khía cạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp, không phân biệt quy mô hay ngành nghề để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới cho doanh nghiệp.

Với chủ đề “ASEAN số vì sự phát triển bền vững” hiện đang được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với vai trò là Chủ tịch của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) tích cực triển khai, hợp tác cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhằm tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong ASEAN và đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trong khu vực.

[Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020: Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia]

Được khởi động từ tháng Chín năm nay dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và trong khuôn khổ hợp tác giữa VCCI, ASEAN BAC, VNPT, Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN đã công bố danh bạ trực tuyến các giải pháp Chuyển đổi số Việt Nam - Digital STARS Showcase 2020, đến nay danh bạ các giải pháp chuyển đổi số có hơn 100 giải pháp của các công ty lớn đến các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng.

Ông Phạm Đình Đoàn, Thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Chủ tịch Dự án Di sản của ASEAN BAC cho biết: Danh bạ Digital STARS Showcase 2020 là tập hợp những giải pháp chuyển đổi số có tính ứng dụng và sáng tạo cao nhằm giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam nâng cấp mô hình kinh doanh, tích cực tham gia vào nền kinh tế số.

Đồng thời, thông qua mạng lưới doanh nghiệp của VCCI, ASEAN BAC và đối tác cũng như các hoạt động nổi bật trong khu vực và bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, những năm tiếp theo, danh bạ sẽ được nhận rộng ra các nước ASEAN khác để cùng chung tay xây dựng cơ sở dữ liệu chung về chuyển đổi số của khu vực.

Danh bạ trực tuyến mở đăng ký tại địa chỉ https://digital-stars.vn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số có thể tham gia, quảng bá sản phẩm tới khách hàng tiềm năng tại Việt Nam và trong khu vực.

Các doanh nghiệp, chuyên gia trong khu vực ASEAN về chuyển đổi số chia sẻ về vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đối với sự phát triển của kinh tế số trong ASEAN với mục tiêu phát triển bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ở khu vực ASEAN. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng đóng vai trò là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong khu vực, mở ra cơ hội mới cho mọi doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chuyển đổi số, ASEAN sẽ là trung tâm phát triển khởi nghiệp sáng tạo ảnh 2Ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT).

Ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) cho biết Tập đoàn VNPT và VCCI đã ký kết thỏa thuận hợp tác từ năm 2019 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi số, góp phần thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030."

Theo đó, VNPT đã hợp tác với VCCI và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN triển khai dự án di sản Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN công nghệ số - Digital STARS, nhằm tạo dựng một mạng lưới kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong ASEAN, tạo cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm, mở rộng quan hệ đối tác, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực.

Hiện nay, các mô hình chuyển đổi số đang tạo ra những dịch vụ tiện ích cho người dân và xã hội. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi nó biến đổi căn bản trong mô hình kinh doanh truyền thống.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn đặt ra cho doanh nghiệp khởi nghiệp những thách thức mới. Để tồn tại, duy trì và phát triển trong thời đại công nghệ thay đổi không ngừng, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải thay đổi về nhận thức và tư duy bởi “chậm chân” trong cuộc đua chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể nhanh chóng bị đào thải, nhường chỗ cho những cá thể linh hoạt và nhạy bén hơn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh ứng dụng chuyển đổi số các doanh nghiệp khởi nghiệp cần biết lựa chọn một số dự án nhỏ, dễ làm để thực hiện, tránh tốn kém về công sức, tiền bạc và thiệt hại cũng nhẹ nhàng. Qua đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp trải nghiệm thực tế trong việc vận hành công nghệ cũng như tạo được niềm tin cho các nhà quản lý trong doanh nghiệp để có thể triển khai rộng lớn hơn.

Ngoài ra, trọng tâm của chuyển đổi số không nằm ở công nghệ thông minh, mà nằm ở yếu tố chuyển đổi về con người, tư duy và về văn hóa của một doanh nghiệp khởi nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục