Chuyển đổi Số: Hệ sinh thái du lịch thông minh là lựa chọn sống còn

Cần chiến lược, giải pháp và cách tiếp cận riêng đồng thời tạo ra sự khác biệt từ hệ sinh thái du lịch thông minh chính là “chìa khóa” để ngành kinh tế xanh thành công trên hành trình Chuyển đổi Số.
Những điểm đến được số hóa nhờ chuyển đổi số mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Những điểm đến được số hóa nhờ chuyển đổi số mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

“Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số. Vì thế, hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần tranh thủ các thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.”

Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch,” trong khuôn khổ Hội chợ ITE HCMC 2023 vừa diễn ra sáng nay (7/9).

Đặc biệt, theo ông Hùng, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch Việt Nam cần có giải pháp ứng phó linh hoạt với những khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Nhiều rào cản trong Chuyển đổi Số du lịch

Du lịch được đánh giá là một trong những lĩnh vực tiên phong tham gia và thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động kinh doanh ở quy mô toàn cầu, nhất là các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, dịch vụ giữ chỗ, bán trực tuyến phòng khách sạn và đặt các dịch vụ du lịch trực tuyến.

Đáng chú ý, Báo cáo Năng lực cạnh tranh Du lịch toàn cầu nhấn mạnh việc ngành du lịch thế giới đang đứng trước yêu cầu phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra những cơ hội mới, tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, đặc biệt là sau hệ lụy từ đại dịch COVID-19.

Chuyển đổi Số: Hệ sinh thái du lịch thông minh là lựa chọn sống còn ảnh 1Mục đích cuối cùng của Chuyển đổi Số là để mang đến những trải nghiệm tiện ích và cảm xúc khó quên cho mỗi hành trình khám phá của du khách. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá du lịch là ngành có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới sáng tạo nhưng để có thể phát triển nhanh hơn và mang tính bứt phá, bền vững hơn, toàn ngành cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả hơn.

Theo Phó Thủ tướng, Chuyển đổi Số là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này khi tạo ra không gian số, hạ tầng số (xây dựng nhanh, ít tốn kém hơn so với hạ tầng vật chất), dữ liệu và các xu thế mang lại hiệu quả, năng lực cạnh tranh tốt hơn (phi trung gian hóa, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa).

[Du lịch thông minh thời công nghệ số: Khách hàng sẽ được hưởng lợi gì?]

Là “nhạc trưởng” của ngành kinh tế xanh Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế. Đó là sự manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc trong quá trình triển khai dẫn đến khó hình thành một hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành; sự chênh lệch về công nghệ số tại nhiều địa phương do trình độ phát triển; sự thiếu hụt nguồn lực về công nghệ hiện đại, tài chính và nhân lực số có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phù hợp.

Theo ông Hùng, các giải pháp và nền tảng, hạ tầng công nghệ số của du lịch Việt còn chưa đầy đủ; dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ từ nhiều nguồn khác nhau...

Do đó, quá trình Chuyển đổi Số du lịch đòi hỏi cần phải quyết liệt, đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động toàn ngành, từ vai trò của cơ quan quản lý, cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương.

Chuyển đổi Số: Hệ sinh thái du lịch thông minh là lựa chọn sống còn ảnh 2Smartphone khi cài ứng dụng Quản trị và Kinh doanh Du lịch thuộc hệ sinh thái du lịch thông minh sẽ biến thành một máy POS thanh toán di động - giải pháp thanh toán hiện đại thời công nghệ số. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Lựa chọn sống còn

Một thế giới siêu kết nối sẽ xóa nhòa mọi khoảng cách về địa lý và kết nối thiên nhiên vào cuộc sống của con người, từ đó tạo ra tài nguyên mới và phương thức quản trị hiệu quả trong phát triển du lịch.

Chính vì vậy, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng Chuyển đổi Số là một lựa chọn sống còn cho ngành du lịch sau khi thế giới trải qua những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

“Rõ ràng ngành du lịch cần có giải pháp ứng phó linh hoạt và bền vững hơn trong tương lai. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng đã lựa chọn chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 là Du lịch và Đầu tư xanh (Tourism and Green Investments). Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi Số trong việc thúc đẩy sự thịnh vượn,” Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nói.

Ông Khánh cho biết với vai trò là cơ quan quản lý ở Trung ương, trong thời gian đại dịch bùng phát, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (khi đó là Tổng cục Du lịch Việt Nam) đã xây dựng Bản đồ Số du lịch an toàn, ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn, hệ thống đăng ký an toàn COVID-19 và nhiều giải pháp công nghệ khác nhằm giúp ngành du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh…

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã chủ động hợp tác với các đối tác ở trong nước và quốc tế để triển khai các hoạt động Chuyển đổi Số, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá. Năm 2021, Cục đã phối hợp với Google ra mắt dự án Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam. Đây giống là bảo tàng số lưu giữ và quảng bá các giá trị tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, du lịch trên toàn cầu.

Chuyển đổi Số: Hệ sinh thái du lịch thông minh là lựa chọn sống còn ảnh 3Thông tin du lịch trên mạng là dữ liệu khổng lồ cho du khách tham khảo trước mỗi chuyến đi chính thức. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Cùng với đó là nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Viber...

Tuy nhiên, nhằm tạo thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết toàn ngành sẽ phải tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch.

Theo đó, nền kinh tế xanh Việt Nam sẽ vận hành bám sát phương châm “doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực.”

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng để Chuyển đổi Số du lịch thành công, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra chiến lược, giải pháp, cách tiếp cận riêng và tạo ra sự khác biệt. Muốn thực hiện Chuyển đổi Số trong du lịch hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi toàn ngành phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành du lịch.

“Du lịch thông minh, du lịch số phải là một trong những động lực chính của nền kinh tế số Việt Nam. Chính phủ mong muốn và hy vọng rằng du lịch sẽ thuộc nhóm ngành đi đầu về Chuyển đổi Số Quốc gia, tạo sự phát triển mới cho ngành và mang lại cảm hứng cho cả đất nước về Chuyển đổi Số,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Ngành du lịch Việt hiện đã đạt được kết quả chuyển đổi số bước đầu trên một số phương diện: Hoàn thành số hóa toàn bộ dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; Hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch.

Bên cạnh đó, du lịch đã phát triển một số ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ, phục vụ du khách tra cứu các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để phục vụ khách du lịch, ứng dụng “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam” phục vụ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý…

Ngành kinh tế xanh nước nhà cũng đã thúc đẩy quảng bá, xúc tiến du lịch ứng dụng công nghệ số, số hóa di sản, triển khai mô hình bảo tàng số; Kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục