Chuyên gia đánh giá tích cực thành tựu song phương Việt Nam-Australia

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải kết luận rằng nếu thực hiện tốt 4 trụ cộ, hai nước sẽ không chỉ đạt được những hiệu quả hợp tác cụ thể mà còn duy trì và gắn kết bền vững quan hệ đối tác chiến lược.
Chuyên gia đánh giá tích cực thành tựu song phương Việt Nam-Australia ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Australia Anthony Albanese chiều 30/11/2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quan hệ song phương Việt Nam-Australia đã phát triển vượt bậc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.

Đặc biệt, ngày 15/3/2018, tại thủ đô Canberra của Australia, lãnh đạo hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, thể hiện sự chín muồi, lớn mạnh và đa dạng trong quan hệ song phương, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hợp tác như chính trị, thương mại-đầu tư, giáo dục, an ninh-quốc phòng, cảnh sát, di cư, chống tội phạm xuyên quốc gia…

Thêm vào đó, trong dòng chảy hợp tác sâu rộng giữa hai nước, Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023 giữa Việt Nam và Australia đã tích cực được triển khai và đạt nhiều kết quả cụ thể.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải - nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Australia), cho biết Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023 giữa hai nước tập trung vào 3 trụ cột là tăng cường gắn kết kinh tế-thương mại; làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược quốc phòng-an ninh; xây dựng quan hệ đối tác tri thức và đổi mới.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Hành động, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng trong 3 năm qua, trong lĩnh vực kinh tế, hai bên đã đạt được những kết quả khả quan.

Mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương trong các năm 2020, 2021 và đặc biệt là năm 2022 vẫn duy trì đà tăng trưởng rất cao.

Cụ thể, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,4 tỷ USD, năm 2022 tăng lên xấp xỉ 16 tỷ USD. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia, trong khi Australia tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.

Ngoài ra, hai nước đã ký kết Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế trong năm 2021, góp phần thúc đẩy và tăng cường sự gắn kết hơn nữa giữa hai nền kinh tế.

Về hợp tác quốc phòng và an ninh, Chương trình Hành động tiếp tục triển khai thỏa thuận “Tuyên bố tầm nhìn chung về đẩy mạnh hợp tác quốc phòng năm 2018” giữa hai nước.

Hai bên đã thiết lập và duy trì nhiều cơ chế như cuộc họp bộ trưởng quốc phòng hằng năm, đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng, tham vấn hợp tác quân sự thường niên, đối thoại chiến lược về ngoại giao và quốc phòng cấp thứ trưởng... Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước vẫn duy trì các cuộc họp và đối thoại.

Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, Australia tiếp tục hỗ trợ không vận lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tới các phái bộ ở nước ngoài như ở Nam Sudan.

Chính phủ Australia tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tri thức và đổi mới sáng tạo thông qua chương trình Aus4Innovation (2018-2022), chương trình hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận Quan hệ hợp tác đổi mới sáng tạo Australia-Việt Nam.

Tổng số ngân sách tài trợ của Chính phủ Australia thông qua chương trình Aus4Innovation cho đến nay là 13,45 triệu AUD và sẽ tiếp tục được sử dụng để mở rộng các hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế hậu COVID-19, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của chương trình đến năm 2025.

Đánh giá về kết quả triển khai thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, hai nước vẫn đạt được những mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, có những lĩnh vực hợp tác song phương chưa thực sự tương xứng với tầm vóc hợp tác chiến lược.

[GS Carl Thayer: Quan hệ Việt Nam-Australia có sự hội tụ địa chiến lược]

Trong hợp tác quốc phòng và an ninh, cho đến nay Việt Nam và Australia tập trung vào nội dung đào tạo quân nhân, quân y, an ninh biển, gìn giữ hòa bình và các chuyến thăm xã giao của các tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia. Hiện tại, hai bên đang tìm hiểu khả năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh mạng.

Chuyên gia đánh giá tích cực thành tựu song phương Việt Nam-Australia ảnh 2Hoa quả Việt Nam bày bán tại hội chợ xúc tiến thương mại hàng nông sản ở Australia. (Ảnh: Diệu Linh/Vietnam+)

Về các cơ chế hợp tác quốc phòng và an ninh hiện nay như cuộc họp thường niên cấp bộ trưởng về quốc phòng và đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng về quốc phòng và ngoại giao, cuộc họp thường niên của Bộ trưởng Ngoại giao, theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, trong thời gian tới, Việt Nam và Australia nên cân nhắc kết hợp và nâng cấp các cơ chế này thành đối thoại chiến lược 2+2, nghĩa là đối thoại chiến lược thường niên gồm Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước.

Cơ chế này sẽ đảm bảo tính thông suốt về chính sách và thống nhất về quan điểm, tạo thuận lợi trong hợp tác chiến lược ngoại giao và quốc phòng song phương. Đây cũng là xu thế hợp tác chung của các đối tác chiến lược trên thế giới.

Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng hai bên còn thiếu cơ chế để giải quyết những vấn đề “thắt cổ chai” và những thách thức về môi trường, thể chế và văn hóa kinh doanh ở cả hai nước. Việc không hiểu rõ vấn đề sẽ làm chậm, tạo tâm lý e ngại, dẫn đến hạn chế các hoạt động kinh doanh.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải gợi ý hai bên cần tổ chức đối thoại chiến lược thường niên cấp bộ trưởng về kinh tế phù hợp với Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế đã ký năm 2021 để kịp thời thúc đẩy, hoặc đề xuất các lĩnh vực hợp tác mới và xử lý các vấn đề "còn nghẽn" trong thương mại và đầu tư.

Nhận định về dư địa hợp tác song phương trong tương lai, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng trong tình hình hiện nay, ngoài 3 trụ cột nêu trên, Việt Nam và Australia còn nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, chống biến đổi khí hậu... Theo ông, Việt Nam và Australia là hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau, một bên có tiềm năng về đất đai, công nghệ, một bên có nguồn nhân lực.

Liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hai nước đều cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời chuyển đổi sang kinh tế xanh và năng lượng sạch. Những điều đó là ưu tiên trong triển khai nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Ngoài ra, hai bên còn có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực du lịch, giáo dục-đào tạo...

Đánh giá triển vọng nâng cấp quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải bày tỏ lạc quan và cho rằng việc nâng cấp đó sẽ dựa trên nền tảng quan hệ đối tác toàn diện đã ký năm 2009 và khuôn khổ đối tác chiến lược năm 2018.

Khi nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2018, Việt Nam và Australia đã đề cập đến kinh tế xanh, chuyển đổi số và đây sẽ là những lĩnh vực mới được tập trung ưu tiên tới đây. Ngoài ra, còn một lĩnh vực cũng nên được coi là chiến lược, đó là ngoại giao văn hóa do cộng đồng người Việt ở Australia rất lớn.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải kết luận rằng nếu thực hiện tốt 4 trụ cột, gồm an ninh-quốc phòng, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo và văn hóa (nằm trong tổng thể là giao lưu nhân dân), hai nước sẽ không chỉ đạt được những hiệu quả hợp tác cụ thể mà còn duy trì và gắn kết bền vững quan hệ đối tác chiến lược, qua đó góp phần nâng tầm vị thế của mỗi nước trong khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục