GS Carl Thayer: Quan hệ Việt Nam-Australia có sự hội tụ địa chiến lược

Bình luận về tương lai và triển vọng của mối quan hệ Việt Nam-Australia, Giáo sư Carl Thayer chỉ ra rằng những gì mà hai nước đã đạt được là rất ấn tượng, song vẫn còn dư địa cho phát triển hơn nữa.
GS Carl Thayer: Quan hệ Việt Nam-Australia có sự hội tụ địa chiến lược ảnh 1Giáo sư Carl Thayer trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney Australia. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia, Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, hiện đang làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia (Đại học New South Wales) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia về sự kiện quan trọng này.

Giáo sư Carl Thayer khẳng định trong suốt 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Australia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thiết thực trên mọi lĩnh vực, gặt hái được những thành công lớn, đó là nhờ hai nước đã xây dựng lòng tin chiến lược dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung. 

Bên cạnh đó, thương mại và đầu tư cũng là một động lực thúc đẩy Việt Nam-Australia từng bước tăng cường và nâng cấp quan hệ song phương.

Việt Nam và Australia cùng tham gia rất nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này đang bổ trợ mạnh mẽ cho quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Ngoài ra, Việt Nam và Australia là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do, điển hình là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Giáo sư Carl Thayer đánh giá quan hệ Việt Nam-Australia có “sự hội tụ địa chiến lược.” Australia nhận ra Việt Nam quan tâm đến việc mở cửa và đa dạng hóa các mối quan hệ nên đã thúc đẩy quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này, thông qua các kênh viện trợ và tăng cường đầu tư, thương mại.

Kết quả là, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia và ngược lại Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam.

[Triển vọng nâng quan hệ Việt Nam-Australia lên tầm cao mới]

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer, quan hệ giữa hai nước dựa trên nhiều trụ cột khác nhau, song thương mại và đầu tư vẫn luôn thuộc nhóm những ưu tiên hàng đầu.

Theo ông Carl Thayer, Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và có những mục tiêu phát triển đầy tham vọng.

Cả Việt Nam và Australia đều đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và hiện giờ các cơ hội phát triển đang mở ra với những lợi ích kinh tế lớn.

Ông tin rằng hai nước có thể hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề nảy sinh thời kỳ hậu COVID-19 cũng như các vấn đề mà cả thế giới quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

GS Carl Thayer: Quan hệ Việt Nam-Australia có sự hội tụ địa chiến lược ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Australia Anthony Albanese chiều 30/11/2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng một thế giới đa cực là điều phù hợp với cả Australia và Việt Nam.

Bình luận về tương lai và triển vọng của mối quan hệ Việt Nam-Australia, Giáo sư Carl Thayer chỉ ra rằng những gì mà hai nước đã đạt được là rất ấn tượng, song vẫn còn dư địa cho phát triển hơn nữa.

Việt Nam và Australia cần cải thiện và tăng cường mối quan hệ giao lưu nhân dân, tập trung thúc đẩy quan hệ trong rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, du lịch, thể thao, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Trong bối cảnh năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia, Giáo sư Carl Thayer lạc quan tin rằng lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy và nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Để làm được như vậy, ông cho rằng lãnh đạo hai nước cần tập trung thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác mà hai bên đã xác định, chẳng hạn như nền kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, phi carbon hóa, giáo dục đào tạo, y tế công...

Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã đến thăm Việt Nam và các chuyến thăm cấp cao được thực hiện nhiều hơn cho thấy triển vọng quan hệ giữa hai nước rất sáng lạn.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng hai bên sẽ đặt ra những vấn đề ưu tiên hợp tác mới và củng cố một số ưu tiên hiện có, đặc biệt có thể thảo luận các cơ chế hợp tác và hội đàm cấp cao nhằm tạo thuận lợi cho các chương trình hợp tác song phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục