Năm 2023 là năm đánh giá giữa kỳ của kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm, do đó các kết quả đạt được của năm này sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam nối tiếp chặng đường phấn đấu thực hiện các mục trung hạn đề ra. Tuy nhiên, các đánh giá trong nước và quốc tế cho thấy năm tới dự kiến sẽ rất khó khăn và nhiều thách thức.
Từ nhận định trên, tại Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng,” ngày 17/11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh các doanh nghiệp cần nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của khu vực kinh tế tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa tại các ngành, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Ba yếu tố rủi ro
Nhận định về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Quang Phòng chỉ ra dù mặc dù rất đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực của cộng đồng doanh nghiệp lại chưa mạnh, vì vậy sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn rất hạn chế.
Do đó, ông Phòng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước thách thức về yêu cầu giải được “bài toán” phát triển bền vững trong một môi trường đầy biến động và khó định đoán.
[Đề xuất 4 ưu tiên quốc gia về cải cách kinh tế và phát triển bền vững]
Trên cơ sở đó, tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đã chỉ ra 3 yếu tố rủi ro cần phải lưu ý để xây dựng các biện pháp phòng ngừa.
Cụ thể, ông Việt cho biết rủi ro có thể đến từ sự can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất phi thị trường.
“Đây là những yếu tố rủi ro mà cả doanh nghiệp và Chính phủ cần lưu ý chặt chẽ trong bối cảnh hiện tại. Để vượt qua những rủi ro này, không có gì khác hơn là phải dựa vào các thông lệ quốc tế, những hiệp định thương mại, hiệp định đầu tư Việt Nam đã ký kết,” ông Việt nhấn mạnh.
Cùng với đó là các rủi ro liên quan đến chi phí, ông Việt chỉ ra bên cạnh việc cần chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí, doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan trung ương để nghiên cứu cơ chế nhằm giảm các loại chi phí không chính thức.
"Bản thân doanh nghiệp cần duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước 'sóng gió.' Các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý dựa trên cơ chế thị trường để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp," ông Việt nói.
Trong bối cảnh khó khăn, yếu tố con người cũng là một rủi ro mà doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm hơn nữa. Trong trường hợp lạm phát gia tăng cùng những bất ổn kéo dài sang năm 2023, ông Việt cho rằng bên cạnh các gói hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần phối hợp với các bên để có những gói an sinh xã hội cho người lao động.
Ông Việt tư vấn để vượt qua những thách thức trên, các thông tin của doanh nghiệp và chính sách cần kịp thời, minh bạch và rõ ràng để các cơ quan nghiên cứu có những số liệu thật về tình hình của doanh nghiệp, từ đó có những phản ánh đến các cơ quan bộ, ngành trung ương để có những dự báo phù hợp với thực tiễn.
Dẫn chứng, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam chỉ ra sau hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) có xu thế đảo chiều.
Năm 2010 - khu vực kinh tế Nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP và khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để có 1 đồng GDP, điều này cho thấy khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn. Sang đến giai đoạn dịch bệnh xảy ra, khu vực Nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn/1 đồng GDP song khu vực tư nhân lại cần 23 đồng/1 đồng GDP.
Điểm cần lưu ý, tốc độ tăng năng suất lao động liên tục giảm trong 2 năm vừa qua. Vì vậy, ông Bình nhấn mạnh đây là những điều cần phải đảo ngược và thay đổi để giúp doanh nghiệp “vượt sóng.”
Ưu tiên chuyển đổi số
Trên thực tiễn, dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc song cộng đồng lại đang phải đối mặt với vô số thách thức (từ lạm phát, suy thoái, khủng hoảng năng lượng...).
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải tăng năng suất lao động và tính toán cắt giảm chi phí, mà trong đó chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới và sớm vượt qua khủng hoảng.
“Kinh nghiệm cho thấy, những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số, khi gặp khủng hoảng - họ cũng suy yếu nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn. Sau khủng hoảng, các doanh nghiệp này cũng lấy lại tốc độ tăng trưởng với tỷ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu lớn hơn,” ông Đường cho biết.
Mặt khác, ông Đường nhấn mạnh những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng chuyển đổi số, khi gặp khủng hoảng sẽ bị rơi vào “tầng” rất sâu và khó bật trở lại.
“Như vậy, cắt giảm chi phí là cần thiết nhưng không phải cắt tất cả, chúng ta cần phải chi tiêu cho chuyển đổi số,” ông Đường nhấn mạnh.
Cụ thể, doanh nghiệp cần phải sống sót trong đại dịch, dựa trên căn cứ thực tiễn để đưa ra những sản phẩm dịch vụ đặt hàng cho các đơn vị và có giải pháp về chuyển đổi số trong giai đoạn sinh tồn; sau đó là giai đoạn phục hồi (từ 6-12 tháng), khi đã khẳng định được mình sống sót và giai đoạn phát triển (từ 1-3 năm) sau đó.
Về nguồn vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dự báo ngành ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Hiện mặt bằng lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng tăng cao, ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Ông Hùng nhấn mạnh sự liên kết giữa các chính sách và các bộ, ban, ngành trong việc phối hợp hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được tổng thể nguồn lực của các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần việc thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp là điều cần thiết, trong đó đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới./.