Trong bài viết đăng trên trang tin của Viện Quan hệ Quốc tế Australia ngày 25/8, Tiến sỹ Jeffrey Wilson, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, nhận định, khi Australia bắt đầu lên kế hoạch cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nước này cũng cần chú trọng hơn tới việc thúc đẩy và đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia khác trong khu vực, trong đó Việt Nam được coi là một đối tác kinh tế lý tưởng.
Phân tích về những khó khăn kinh tế mà Australia đang phải đối mặt trong năm 2020, Tiến sỹ Wilson cho rằng đại dịch COVID-19 không chỉ gây ra các tác động kinh tế nghiêm trọng ở trong nước mà còn tạo ra các thách thức kinh tế quốc tế lớn hơn trong thời gian dài.
Thách thức đầu tiên là đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nhiều chuỗi giá trị toàn cầu. Ngay từ đầu tháng 3/2020, việc nhập khẩu một số sản phẩm quan trọng đã trở nên khó khăn. Khó khăn này đã gây ra tình trạng suy thoái ở tất cả các nền kinh tế, trong đó đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ, đối tác đầu tư quan trọng nhất của Australia.
Thách thức tiếp theo là chủ nghĩa bảo hộ thương mại đột ngột gia tăng khi chính phủ các nước áp đặt các hạn chế thương mại để đối phó với dịch COVID-19 và các tác động kinh tế kèm theo.
Số liệu cho thấy các chính sách bảo hộ thương mại được ban hành trong nửa đầu năm 2020 cao hơn trong cả năm 2019.
[Doanh nghiệp Australia kỳ vọng vào cơ hội kinh doanh tại Việt Nam]
Đối với một nền kinh tế mở và dựa nhiều vào thương mại như Australia, xu hướng này ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành xuất khẩu chủ chốt của nước này như tài nguyên, nông nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, Australia cũng đã rơi vào tình trạng xung đột thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại số một của nước này.
Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu lúa mạch, thịt bò, giáo dục và du lịch của Australia, nhằm đáp trả việc nước này kêu gọi cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của dịch COVID-19.
Một “danh sách đen” các sản phẩm khác cũng đã được đưa vào "tầm ngắm" của các biện pháp trừng phạt nếu mối quan hệ hai nước tiếp tục xấu hơn.
Theo Tiến sỹ Wilson, nền kinh tế Australia hiện đang đối mặt với môi trường kinh tế bên ngoài bất lợi nhất trong nhiều năm qua. Dòng chảy thương mại và đầu tư - hai trong số những động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh tế của quốc gia lớn nhất Thái Binh Dương này - sẽ giảm mạnh vào năm 2020 và năm 2021.
Ngoài ra, tác động của những cú sốc bên ngoài này được khuếch đại bởi sự thiếu đa dạng trong quan hệ thương mại và đầu tư của Australia.
Ông Wilson cho rằng các mối quan hệ kinh tế của Australia có mức độ tập trung cao. 82% hàng hóa xuất khẩu của Australia trong năm 2019 có điểm đến là các thị trường trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 1/3.
Xuất khẩu tài nguyên chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia, với ba mặt hàng chủ yếu là than, quặng sắt và khí đốt tự nhiên. Tiếp đó dịch vụ đứng thứ hai với 22%, phần lớn là giáo dục và du lịch.
Phân tích gần đây của Trung tâm Perth USAsia cho thấy 50% trong số 30 lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của Australia dựa vào một khách hàng duy nhất, thường là Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các mối quan hệ đầu tư của Australia cũng thiếu sự đa dạng, mà thay vào đó là tập trung vàomột số nền kinh tế chủ chốt. Mỹ và châu Âu chiếm 60% đầu tư hai chiều của Australia.
Khi đại dịch COVID-19 đẩy các nền kinh tế này vào suy thoái, khả năng xuất khẩu vốn của các nước này sang Australia sẽ giảm mạnh ảnh hưởng đến các nỗ lực tạo việc làm trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 của Australia.
Theo Tiến sỹ Wilson, sự thiếu đa dạng này cũng đồng nghĩa với việc thiếu khả năng chống chọi và phục hồi. Khi một cú sốc bên ngoài - cho dù là gián đoạn chuỗi cung ứng, suy thoái kinh tế hay xung đột thương mại - ảnh hưởng đến một đối tác quan trọng, điều này sẽ gây tác động tiêu cực lớn đối với nền kinh tế Australia.
Tiến sỹ Wilson kiến nghị mặc dù không thể ngăn chặn các cú sốc kinh tế này, nhưng Australia có thể tiến hành các bước để quản lý rủi ro tốt hơn bằng cách đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của mình.
Theo ông Wilson, điều may mắn là Chính phủ Australia đã có nhiều chính sách để phát triển các mối quan hệ thương mại và đầu tư mới. Thỏa thuận thương mại gần đây với Indonesia và các chiến lược hợp tác kinh tế với Ấn Độ, Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là những minh chứng rõ nét.
Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ đang chứng tỏ là những đối tác hấp dẫn để Australia đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của mình.
Trong thời gian đại dịch bùng phát toàn cầu, mối quan hệ giữa Australia và Indonesia đã được tăng cường với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia (IA-CEPA) có hiệu lực từ ngày 5/7/2020.
IA-CEPA là hiệp định thương mại chất lượng cao nhất mà Indonesia từng ký kết và mang lại cơ hội cho Australia trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và dịch vụ.
Trong khi đó, theo Tiến sỹ Wilson, Việt Nam được coi là một trong quốc gia thành công trong việc phòng chống COVID-19 và là đối tác kinh tế lý tưởng cho Australia.
Hai nước có các nhu cầu kinh tế bổ sung cho nhau, trong khi Việt Nam có một môi trường kinh doanh ổn định và một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, được thúc đẩy bởi dân số trẻ và quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh.
Việt Nam hiện mới chiếm 1,7% thương mại hai chiều của Australia, điều cho thấy còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng.
Ông Wilson cũng cho rằng, sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Australia Scott Morrison với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 6/2020, Australia cũng cần khai thác tiềm năng của mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với Ấn Độ.
Biên bản ghi nhớ được ký kết gần đây về việc hợp tác song phương trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng, công nghệ mạng, khoa học quốc phòng và đào tạo nghề sẽ là nền tảng cho các nỗ lực thúc đẩy hợp tác này./.