Chuyện mẹ con cậu bé 7 tuổi đấu tranh với bệnh tan máu bẩm sinh

Cộng đồng mạng những ngày qua xôn xao chuyện có một người mẹ trẻ đơn thân nuôi con vào thế đường cùng đã lên trang cá nhân của mình để rao bán cả nội tạng mong có kinh phí để chữa bệnh cho con.
Chuyện mẹ con cậu bé 7 tuổi đấu tranh với bệnh tan máu bẩm sinh ảnh 1Bé Phúc khi điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cộng đồng mạng trong những ngày qua xôn xao chuyện có một người mẹ trẻ đơn thân nuôi con Trần Thị Hoa rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, đã lên trang cá nhân của mình để rao bán nội tạng, mong có kinh phí để chữa bệnh cho cậu con trai mắc bệnh hiểm nghèo về máu.

Có lẽ, mỗi người mẹ khi lâm vào cảnh đường cùng, bản năng sinh tồn của người mẹ và tình yêu thương bao la vô bờ bến dành hết cho con, sự hy sinh của người mẹ để dành hết những điều tốt đẹp nhất cho con cũng là điều dễ hiểu.

Nỗi đau kép từ khi lọt lòng

Bé Trương Hoàng Phúc, 7 tuổi, con trai của chị Hoa mắc bệnh tan máu bẩm sinh và chân đi lại khó khăn vì bại liệt một phần di chứng của cơn sốt khi bé 2 tuổi.

Vào thăm bé Trương Hoàng Phúc trong một buổi sáng mùa Đông tại Bệnh viện châm cứu Trung ương. Trong căn phòng bệnh tại Khoa điều trị tổng hợp, những tiếng kêu gào thét thanh vang lên của những em nhỏ khiến ai chứng kiến cũng phải mủi lòng rớt nước mắt. Thoạt nhìn những chiếc kim châm cứu, nhỏ, dài, chọc chi chít vào cơ thể các em nhỏ, ai cũng cảm thấy sợ.

Căn phòng bệnh có bốn trường hợp đang điều trị châm cứu thì có ba trường hợp là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, chỉ có bé Phúc là lớn nhất – 7 tuổi.

Có lẽ vì lớn nhất mà Phúc dường như đã nhận thức được việc phải chấp nhận và cố gắng nhịn đau. Khi những chiếc kim cắm vào cơ thể em hết sức cố gắng chịu đựng, thay vì khóc thét lên trong vòng 20-30 phút như những em nhỏ khác. Những khi không phải châm cứu, những cử chỉ của Phúc với các em nhỏ rất ra dáng một người anh trong phòng.

Em cầm loa phát nhạc cho các bé nghe để át đi nỗi đau mà các bé đang phải chịu đựng. Đôi khi Phúc lại uốn éo biểu diễn để các em xem cho đỡ khóc trong khi đang châm cứu.

Chuyện mẹ con cậu bé 7 tuổi đấu tranh với bệnh tan máu bẩm sinh ảnh 2Bé Phúc bên cạnh em nhỏ cùng phòng bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chị Hoa sinh ra trong gia đình 6 chị em gái, quê gốc ở Thái Bình nhưng sau đó bố mẹ chuyển vào Bình Thuận lập nghiệp. Chị kết hôn vào năm 19 tuổi nhưng cuộc hôn nhân đã “tan vỡ” khi bé Phúc mới lên 2. Phúc là một đứa trẻ chịu khá nhiều thiệt thòi, bởi ngay từ khi sinh ra em đã mang trong mình căn bệnh máu hiểm nghèo thêm với hoàn cảnh gia đình không đủ đầy bố mẹ.

Chính bởi vậy, chăm Phúc trong khoảng thời gian suốt 6 tháng ra Bắc điều trị là chị Hiền - chị ruột của Hoa. Người bác ấy đã đồng hành cùng bé suốt thời gian qua. Nói về điều này, chị Hiền bộc bạch, thương em gái phải chăm con một mình, nên người chị gái đã phải tạm gác công việc lại, theo em và cháu ra Bắc để chữa trị bệnh.

Chị Hiền kể, nhìn cảnh mẹ con Phúc xa nhau chị không nỡ, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Nằm viện thời gian dài suốt 6 tháng, những ai đi bệnh viện thường xuyên mới hiểu cảnh nhập viện, nằm biết bao nhiêu bệnh viện mới hiểu các khoản chi phí tốn đến mức nào. Cụm từ “chi tiền” dường như là một thuật ngữ quá nhiều và không thể dừng lại với những người đi bệnh viện. Nào là tiền thuốc men, tiền ăn…

Chị Hiền cho hay, ban đầu, với hơn 300 triệu Hoa gom góp, vay mượn được để đưa con ra Hà Nội, chị cũng không nghĩ hai chị em sau đó lại nhanh chóng rơi vào cảnh khốn khó đến như vậy. Bởi vậy, nên trong cuộc chiến trường kỳ với bệnh tật cho bé Phúc, Hoa đã xác định không thể cứ ngồi một chỗ để chăm và ôm con. Để có tiền chữa bệnh cho bé, chị đành nhờ vả người chị gái tất cả việc chăm sóc, thuốc thang cho bé.

Hàng ngày Hoa đi làm thêm kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí nằm viện cho con và tiền sinh hoạt phí cho ba người. Thỉnh thoảng, khi nào rảnh rỗi là Hoa chạy ra thăm bé Phúc và chị Hiền.

Những nỗ lực dần được đến đáp

Thạc sỹ Nguyễn Bá Phong - Phó trưởng Khoa điều trị toàn diện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho hay, các bác sỹ đang điều trị về di chứng bại liệt của cháu ở hai chân.

Đây là đợt điều trị xen kẽ với các đợt điều trị của Viện huyết học Truyền máu Trung ương, bởi bệnh chính và cấp bách hiện nay của bé Phúc là bệnh tan máu bẩm sinh. Các bác sỹ tại Viện châm cứu chỉ phục hồi chức năng về di chứng vận động cho bé cũng xen kẽ và theo dõi tiến trình thiếu máu của bé.

Bác sỹ Phong cho biết, di chứng bại liệt của Phúc được chẩn đoán có sau trận sốt vào khoảng 2 tuổi. Di chứng này cũng khiến chân phải của Phúc thấp hơn chân trái khoảng 2 cm và cơ bên đó cũng teo nên chân phải so với chân trái càng yếu hơn.

“Phúc đã điều trị ở Bệnh viện châm cứu Trung ương được hai đợt, mỗi đợt 3 tuần sau đó bé trở lại điều trị tại Viện huyết học. Khi điều trị, các bác sỹ theo dõi, nếu thấy có tình trạng tan máu nhiều quá thì các bác sỹ của bệnh viện sẽ chuyển chở lại để cho bé tiếp tục điều trị Viện Huyết học. Mặc dù điều trị tại đây, nhưng Viện huyết học vẫn theo dõi ngoại trú cho bé,” bác sỹ Phúc phân tích.

Nói về bệnh tình của Phúc, bác sỹ Phong trầm ngâm, từ khi vào viện đến nay chân của bé có tiến triển hơn, nhưng không nhiều do quá trình di chứng đã diễn ra lâu ngày. Bé bị bệnh từ quá nhỏ, cấu trúc xương của bé không đều, do để lâu ngày nên cơ ở chân đã teo đi nhiều. Vì vậy việc điều trị chỉ cải thiện phần nào, chứ không thể phục hồi được hoàn toàn. Các bác sỹ chỉ kỳ vọng bé đi lại bớt khó khăn.

Bác sỹ Phong tâm sự, là người trực tiếp điều trị chân cho bé trong hai tháng gần đây, hàng ngày gần gũi, tiếp xúc với Phúc khoảng cách bác sỹ với bệnh nhân dường như đã không còn, mà như tình cảm người thân trong gia đình, như bác với cháu.

“Phúc là một cậu bé khá hoạt bát, nhanh nhẹn và hòa đồng với mọi người. Biết được hoàn cảnh của hai mẹ con Phúc, các y bác sỹ tại bệnh viện rất tạo điều kiện cho con chữa trị ở đây và những người cũng phòng bệnh cũng rất thông cảm.”

Hiện tại, sức khỏe của bé Trương Hoàng Phúc đã khá hơn, chân vận động được dễ dàng hơn. Có lẽ, với người mẹ ấy, dù khó khăn, dù vất vả đến đâu chị cũng cảm thấy ấm lòng khi thấy con trai đi lại và có sức khỏe tốt hơn. Dù có lúc chị tâm sự rằng, chị không thể tin vào mắt và không còn nhận ra chính gương mặt của chị nữa, bởi những mối lo toan bằng mọi giá để chữa chị bệnh cho Phúc.

Chị Hoa cho hay, trong điều trị bệnh cho bé Phúc hiện nay chị Hoa chỉ còn biết hy vọng vào một phép nhiệm màu duy nhất đó là việc ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, ngoài số tiền rất lớn (ước tính ban đầu là 600 triệu đồng) cho việc thực hiện ghép tế bào gốc, thì bé Phúc hiện phải chiến đấu với việc đào thải sắt và chờ đợi đến khi các chỉ số đạt được yêu cầu.

Hiện bé Phúc đã nhập Viện huyết học Truyền máu Trung ương, tinh thần em rất lạc quan và tin tưởng rằng mình sắp khỏi bệnh. Chính điều này đã là một liều thuốc tinh thần hữu hiệu cho cả em và người mẹ trẻ của mình trong cuộc chiến với bệnh tật, số mệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục