Chuyến thăm của Chủ tịch nước góp phần tăng cường quan hệ Việt-Lào

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công toàn diện, góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào đi vào chiều sâu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Hà Nội ngày 29/6/2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Hà Nội ngày 29/6/2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith cùng Phu nhân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong hai ngày 9-10/8/2021.

Phóng viên TTXVN tại Vientiane đã có phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. Sau đây nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa Đại sứ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam diễn ra chỉ sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư, Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith hơn một tháng. Đại sứ có đánh giá thế nào về điều này?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước.

Đây là chuyến thăm song phương nước ngoài chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ta sau Đại hội Đảng XIII, đồng thời là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch nước.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Đại hội Đảng XI, Lào đón một nguyên thủ quốc gia nước ngoài tới thăm.

Chuyến thăm diễn ra chỉ 6 tuần sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith.

Tất cả những điều này thể hiện tính chất thực sự đặc biệt của quan hệ Việt-Lào và tầm quan trọng của mối quan hệ này trong chính sách đối ngoại của mỗi nước cũng như quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước thực hiện hiệu quả Tuyên bố chung Việt-Lào tháng 6/2021.

Các cơ quan liên quan của hai nước đã tích cực chuẩn bị rất chu đáo cho chuyến thăm, cả về nội dung, chương trình, các thỏa thuận hợp tác cũng như các vấn đề lễ tân, hậu cần, an ninh, an toàn...

Các vị lãnh đạo sẽ trao đổi các vấn đề hệ trọng trong quan hệ hai nước, các biện pháp để tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, đầu tư-thương mại, văn hóa-xã hội… cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Trong chuyến thăm, sẽ có các hoạt động mang dấu ấn đặc biệt, tương xứng với tầm vóc của chuyến thăm hữu nghị chính thức.

[Bộ Ngoại giao thông báo dự kiến hoạt động của Chủ tịch nước tại Lào]

Tôi tin tưởng vững chắc chuyến thăm sẽ thành công một cách toàn diện, góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào đi vào chiều sâu, thực chất hơn, phục vụ tốt hơn cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, và cùng với chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith tháng 6/2021, sẽ thực sự trở thành những dấu mốc trong quan hệ hai nước.

- Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự lễ bàn giao tòa nhà trụ sở mới của Quốc hội Lào - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện này?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sẽ có một số hoạt động mang dấu ấn đặc biệt, trong đó nổi bật là sự kiện Chủ tịch nước dự lễ khánh thành và trao tặng trụ sở mới của Quốc hội Lào.

Năm 2016, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thông báo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào công trình thế kỷ này.

Khởi công vào ngày 1/11/2017, đúng vào dịp Lễ hội That Luang, đến nay công trình đã hoàn thành 100%, phục vụ kịp thời cho các kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa IX của Lào.

Có được thành công này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai nước và quyết tâm của các cơ quan, đơn vị chức năng, vượt qua những khó khăn to lớn do thời tiết, dịch bệnh.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước góp phần tăng cường quan hệ Việt-Lào ảnh 1Tổng Bí thư, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cùng các quan chức Lào cùng cán bộ chiến sỹ Binh đoàn 11 trước tiền sảnh Tòa nhà Quốc hội mới của Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Về công trình này, có lẽ không có đánh giá nào chính xác và súc tích hơn những lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith: Đây là tòa nhà nắm giữ nhiều kỷ lục nhất tại Lào, không chỉ là công trình lớn nhất, phức tạp nhất, hiện đại nhất, mà còn có nhiều hạng mục nhất và có kiến trúc đặc trưng của Lào nhất cho tới nay.

Các nhà ngoại giao nước ngoài tại Vientiane đã chia sẻ với tôi sự ngưỡng mộ về việc Việt Nam đã giúp Lào một công trình hiện đại thế này và họ không ngại thể hiện sự vui mừng khi quan hệ Lào-Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp.

Là một trong những người được chứng kiến công trình vươn lên bầu trời That Luang từng ngày, từ khi khởi công đến khi hoàn thành, tôi hết sức xúc động và trông đợi thời khắc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bàn giao món quà này cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Đây là minh chứng hiện hữu, thực tế và sinh động, là biểu tượng của nghĩa tình "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" Việt-Lào trong những thời kỳ khó khăn nhất, cũng là biểu tượng cho sự tiếp nối truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa hai nước trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, và như Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane nhận xét, là “di sản thừa kế” cho các thế hệ mai sau.

- Xin Đại sứ chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt-Lào thời gian qua và các phương hướng hợp tác thời gian tới để tiếp tục vun đắp, phát triển và truyền tiếp quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước cho các thế hệ mai sau?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong trực tiếp đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trải qua muôn vàn gian nan thử thách, mối quan hệ đó đã được đúc kết là mối quan hệ sống còn, mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế, là mối quan hệ mang tính quy luật, là nhân tố mang tính đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc và là nguồn lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Gần đây đã có nhiều tổng kết, phân tích, đánh giá về các thành tựu trong quan hệ hai nước cũng như sự phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề, diễn đàn quốc tế và khu vực.

Tôi chỉ xin nhấn mạnh một trong những kết quả mới nhất, nổi bật nhất, đó là việc hai bên ký kết Chiến lược Hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn  2021-2030 và Hiệp định Hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025 nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith cuối tháng 6 vừa qua.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước góp phần tăng cường quan hệ Việt-Lào ảnh 2Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Đây đồng thời là kim chỉ nam định hướng cho các nội dung hợp tác giữa hai nước trong 5-10 năm tới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Tôi cho rằng, mối quan hệ Việt-Lào ngày càng phát triển trong thời đại mới, chúng ta cần tiếp tục làm tốt hơn nữa tăng cường quan hệ và hợp tác gắn bó, tin cậy về chính trị, đặc biệt là giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, quan hệ quốc phòng, an ninh để củng cố thành trụ cột vững chắc hơn nữa. Đồng thời hai bên tập trung mạnh mẽ hơn vào hai vấn đề lớn.

Thứ nhất là nâng tầm quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng. Theo hướng đó, chúng ta cần đóng góp tích cực hơn vào chiến lược trở thành “quốc gia kết nối” của Lào, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn trước mắt sớm khôi phục phát triển kinh tế-xã hội bền vững, qua giúp mở rộng không gian kinh tế của Việt Nam nhằm phục vụ phát triển đất nước.

Thứ hai là đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, về truyền thống, ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam-Lào.

Thời gian qua, hai nước đã làm được rất nhiều, song cần tích cực, chủ động hơn nữa, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những biến động nhanh chóng, khó lường.

Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử của quan hệ Việt-Lào, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước, chúng ta sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ này, xứng đáng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long,” Chủ tịch  Kaysone Phomvihane "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt-Lào sẽ mãi mãi bền vững."

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục