Chuyến thăm tái khẳng định chiến lược “xoay trục” của Mỹ

Chuyến thăm châu Á sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ nhằm định hình lại quan điểm của các nước trong khu vực về chiến lược “xoay trục” của Mỹ.

Những tuyên bố của chính quyền Tổng thống Barack Obama về sự "xoay trục" trong chính sách ngoại giao của Mỹ dường như đang bị các nước châu Á-Thái Bình Dương nghi ngờ khi Washington gần đây bị cuốn vào các cuộc khủng hoảng đối nội và những cuộc xung đột ở các khu vực khác trên thế giới.

Chính vì vậy, chuyến công du châu Á sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là nhằm củng cố lòng tin của các đồng minh, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng khu vực này đang leo thang liên quan đến các bất đồng về chủ quyền. Chuyến thăm cũng nhằm định hình lại quan điểm của các nước trong khu vực về chiến lược “xoay trục” của Mỹ.

Các điểm đến của Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến công du từ ngày 13-18/2 tới gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) với nội dung tập trung vào các vấn đề hợp tác song phương và khu vực như chống biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và những tuyên bố chủ quyền gần đây của Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá đây sẽ là những chủ đề thảo luận gai góc.

Căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á leo thang sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông chồng lấn với các vùng lãnh hải mà Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh thân cận của Washington - tuyên bố chủ quyền.

Với hai quốc gia mà Mỹ đã thiết lập liên minh quân sự lâu năm như Hàn Quốc và Nhật Bản, Washington muốn thể hiện quan điểm và hành động cụ thể đối với những vấn đề an ninh liên quan đến hai quốc gia này.

Chính vì vậy, ngay sau khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố về ADIZ, Mỹ đã điều máy bay ném bom B52 vào khu vực này, một động thái không chỉ làm rõ quan điểm của Washington không công nhận ADIZ của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông mà còn cảnh báo về khả năng Washington sẽ có những động thái quân sự nếu Bắc Kinh có những hành động làm tình hình căng thẳng hơn.

Trước chuyến công du lần này, nhằm trấn an đồng minh Nhật Bản, Washington đã cam kết bảo vệ Tokyo theo Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật ký năm 1960, bao gồm cả vấn đề biển Hoa Đông. Những động thái của ông Kerry trước thềm chuyến thăm Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy khả năng cuộc thảo luận giữa hai bên về vấn đề ADIZ khó diễn ra suôn sẻ.

Biến đổi khí hậu cũng được dự đoán là một chủ đề gai góc trong cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc. Là hai nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, song việc Mỹ và Trung Quốc luôn bất đồng về cách thức giải quyết vấn đề là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy các cuộc đàm phán toàn cầu về biến đổi khí hậu rơi vào bế tắc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Kerry sẽ khẳng định việc "Mỹ cam kết tiếp tục theo đuổi mối quan hệ toàn diện, hợp tác và tích cực với Trung Quốc, đồng thời hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng, tham gia tích cực vào các vấn đề quốc tế."

Tuy nhiên, giới phân tích hầu như không kỳ vọng nhiều về kết quả chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kerry bởi giữa hai bên còn nhiều bất đồng, nhất là sự nghi kỵ của Trung Quốc đối với chiến lược “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cũng như sự bất bình của Washington trước những động thái của Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Nếu như tại Bắc Kinh, đàm phán được dự đoán sẽ khó khăn đối với ông Kerry thì tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ sẽ không gặp trở ngại trong mục tiêu thắt chặt quan hệ với quốc gia đồng minh này.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trọng tâm thảo luận tại Seoul sẽ là cách thức mở rộng hợp tác về các vấn đề khu vực và toàn cầu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên.

Tại Jakarta, dự kiến Ngoại trưởng Mỹ sẽ đồng chủ trì Hội nghị Ủy ban chung trong khuôn khổ Đối tác toàn diện Mỹ-Indonesia và gặp Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh. Một trong những trọng tâm thảo luận là những bất đồng liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trong chặng dừng chân cuối cùng, ông Kerry sẽ thảo luận các vấn đề liên quan tới quan hệ Mỹ-UAE cũng như tiến trình hòa bình Trung Đông và cuộc khủng hoảng ở Syria, hiện vẫn trong tình trạng bế tắc dù các bên đã chấp nhận ngồi vào đàm phán.

Giới phân tích dự đoán ông Kerry đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi nỗ lực định hình lại quan điểm của các nước châu Á-Thái Bình Dương về chiến lược ngoại giao của Mỹ. Những lo lắng về cam kết của Mỹ đối với khu vực này nổi lên hồi tháng 11/2013 khi Tổng thống Obama không tham dự hai hội nghị thượng đỉnh ở châu Á do cuộc khủng hoảng ngân sách trong nước và ông Kerry đã phải thay mặt ông Obama tham dự các cuộc gặp trên.

Trong bối cảnh chính quyền Obama đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc làm cho các đồng minh tin rằng chiến lược “xoay trục” của Mỹ là “hành động thực tế” chứ không phải là “những lời nói hoa mỹ” sẽ khó hơn nhiều, nhất là khi các quyết sách của Nhà Trắng vấp phải trở ngại không chỉ từ bên ngoài mà ngay cả bên trong nước Mỹ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục