Chuyện về người thổi hồn vào đá

Những viên đá cuội vô tri, vô giác, tưởng như không ai chú ý, nhưng dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của nghệ nhân Trần Thanh Hiền, những hòn đá ấy đã trở thành những bức thạch thư thật độc đáo có một không hai.

Những viên đá cuội vô tri, vô giác, tưởng như không ai chú ý, nhưng dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của nghệ nhân Trần Thanh Hiền, những hòn đá ấy đã trở thành những bức thạch thư thật độc đáo có một không hai.

Anh Hiền tâm sự, viết thư pháp trên giấy đã khó, viết trên đá còn khó hơn. Cái khó nhất của người thể hiện là phải thể hiện được ý tưởng của mình trên một hòn đá xù xì, góc cạnh, để vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ của tác phẩm, vừa không mất đi nét tự nhiên của chất liệu đá.

Người nghệ nhân viết thư pháp trên đá đó sinh năm 1965, quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hiện anh đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp chữ Việt thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chia sẻ về cái duyên đến với nghề của mình, anh Hiền cho biết, con đường đến với nghệ thuật thư pháp của anh cũng thật tình cờ. Trước đây, anh làm nghề xây dựng. Trong một lần sửa chữa nhà cho cô Nguyễn Thị Ngọc Lan (nguyên là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp chữ Việt thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), khi được chiêm ngưỡng những bức thư pháp do chính tay cô Lan viết, anh Hiền thấy cuốn hút bởi những nét chữ ấy. Và người thầy đầu tiên đưa anh đến với nghệ thuật thư pháp chính là cô Ngọc Lan.

Ngày đầu tiên đến với Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt của Trung tâm văn hóa tỉnh, anh Hiền đã cảm nhận ngay được nghệ thuật viết thư pháp không hề đơn giản.  Suốt mấy tháng trời anh chỉ  tập trung vào cầm bút viết đi viết lại 24 chữ cái, rồi rèn nét thanh – nét đậm, nét bổng – nét trầm, nét khoan-nét nhặt… Ai không có tính kiên trì chắc chắn sẽ bỏ cuộc. Nhưng với niềm yêu thích thư pháp của mình anh đã không bỏ cuộc! Đến năm 2006, anh trở thành một trong những người viết thư pháp đẹp nhất nhì câu lạc bộ. Viết trên giấy, viết trên vải, trên gỗ… anh đều thể hiện rất đẹp, rất có hồn.

Một lần lang thang trên bãi biển Vũng Tàu, ngắm nhìn những hòn đá cuội nằm lăn lóc đó đây, anh Hiền chợt nghĩ, tại sao không thử viết thư pháp lên chất liệu đá này xem? Những hòn đá cuội đủ màu sắc: trắng tinh, đen mun, đỏ tía, vàng sẫm..., rồi cả những đường kẻ sọc như vân gỗ nhìn thật bắt mắt và sinh động. Không viên đá nào giống viên đá nào, mỗi viên một vẻ, độc đáo và sinh động. Nghĩ là làm, anh nhặt ngay mấy viên đá cuội nhỏ về và loay hoay thực hành.

Anh Hiền cho biết: “Kỹ thuật viết trên đá phải khác hơn và khó hơn viết trên giấy là ở chỗ, cục đá không bao giờ bằng phẳng. Nó lồi lõm và có từng nét vân, nét gân, những lỗ hõm… Mình phải tạo những đường nét của mình riêng biệt để né tránh những nét vân, nét gân đó làm cho cục đá uyển chuyển hơn”.

Sau khi chọn những viên đá có kiểu dáng lạ, anh Hiền rửa sạch sẽ và đem phơi nắng. Tùy theo màu sắc, kiểu dáng mỗi viên đá mà anh tính toán xem viết cái gì cho phù hợp, tạo dáng như thế nào cho hoàn chỉnh. Đó có thể là một khối đá mang hình cánh buồm đang vươn mình ra biển lớn, là hình người cha vững chãi ôm ấp, che chở cho đứa con bé bỏng. Cũng có khi đơn giản chỉ là viên sỏi màu đỏ tía mang hình trái tim thật lãng mạn.

Biển trời Vũng Tàu đã ưu ái dành cho anh Hiền cả một kho nguyên liệu vô tận, để anh tha hồ sáng tạo, tha hồ phóng bút thử nghiệm. Đá gợi sự bền vững, vĩnh cửu. Những câu thơ, danh ngôn anh viết lên đá thường là những thông điệp đầy ý nghĩa, đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên.

Có khi là một câu thơ dài theo kiểu: "Trăm năm trước thì ta chưa gặp – Trăm năm sau biết có gặp lại không – Cuộc đời sắc sắc không không – Thôi thì hãy sống hết lòng vì nhau"; khi là trích đoạn lời một bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau";… Nhưng cũng có khi chỉ đơn thuần là một chữ Tâm, Nhân, Lễ, Nghĩa, Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn… nhưng lại mang đậm triết lý nhân văn sâu xa. Sau khi định hình ý tưởng, anh Hiền mới bắt đầu viết.

Mực dùng viết thư pháp trên đá là loại mực in trên vải màu, thường là màu mực trắng. Anh Hiền cho biết thêm: “Người viết thư pháp cần trầm tĩnh, tâm cần thoải mái. Chất liệu cần để viết trên đá là mực in, sau đó mình thổi PU bóng và gắn nó lại thành từng cặp tùy theo ý mình chọn”...

Nhìn đôi bàn tay chai sần của anh Hiền, không ai nghĩ rằng anh chính là tác giả của hàng trăm tác phẩm thư pháp viết trên đá với nhiều ý tưởng độc đáo. Lãng mạn nhưng cũng rất thực tế, anh Hiền đã biến những tác phẩm thư pháp đá của mình thành một mặt hàng kinh doanh khá đặc biệt. Cửa hàng bán đồ lưu niệm của anh nằm ngay kế bên Niết Bàn tịnh xá, ở địa chỉ 66/7 đường Hạ Long, Thành phố Vũng Tàu với mặt hàng chủ yếu là thư pháp đá.

Mỗi bức thạch thư có giá phải chăng, dao động từ 5.000 đồng đến 500.000 đồng, nên khá hút khách, nhất là dịp lễ, Tết. Những tác phẩm bán chạy thường là những câu viết về tình cha mẹ, bạn bè, tình yêu đôi lứa. Và dịp Tết, những câu chúc xuân viết trên đá khiến du khách chú ý hơn, bởi đây là món quà rất ý nghĩa, góp phần điểm thêm nét xuân trong những ngày Tết cổ truyền.

Trong ngôi nhà nhỏ bé của mình, anh Hiền vẫn dành riêng một góc nhỏ để trưng bày những tác phẩm thư pháp mà anh cảm thấy ưng ý nhất. Rất nhiều người hỏi mua với giá cao, nhưng anh kiên quyết không bán với lý do: "Chẳng thể có được lần thứ 2". Với những người biết tôn trọng nghệ thuật, biết cảm nhận cái đẹp, đôi khi tiền bạc không phải là tất cả!

Anh Hiền tâm sự: “Giữa kinh doanh và nghệ thuật phải lấy ngắn nuôi dài, nghệ thuật là hàng đầu, mình làm nghệ thuật là để trưng bày, nhưng cũng phải có kinh tế để lấy cái này nuôi cái kia. Chẳng hạn mình phải làm những hòn đá nhỏ để nuôi những hòn đá lớn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục