Tờ mờ sáng tại các làng hoa, chợ bán buôn hoa xa trung tâm thành phố Hà Nội, hoạt động mưu sinh đã diễn ra rất nhộn nhịp. Tiếng các bà các chị í ới chào mời nhau đã đành, thấp thoáng trong không gian chợ hoa còn có những bóng đàn ông vạm vỡ, đôi tay nhanh thoăn thoắt xếp hoa.
Từ chợ hoa Quảng Bá, theo chân những bậc mày râu đi buôn hoa, những câu chuyện mưu sinh dường như “cực chẳng đã” của họ dần được khơi mở.
Đôi tay đàn ông và gai hoa hồng
Ông Đỗ Văn Tuân, 51 tuổi, ngày ngày từ 3 giờ sáng đã lóc cóc đạp xe đạp hơn chục cây số tới Quảng Bá để mua được nhiều loại hoa, đẹp và rẻ hơn ở vườn trong làng.
Đi buôn hoa đã nhiều năm nay, từ khi hai đứa con ông mới chào đời đến giờ chúng đã lập gia đình, ông đi bán hoa dạo để tìm niềm vui và để san sẻ nỗi lo kinh tế cho các con, bất chấp cái nhìn soi xét từ miệng lưỡi một số người: “Đàn ông không làm việc gì to tát lại đi bán vài bông hoa.” Ông vừa cười vừa nhớ lại.
Nhà ở Hoàng Mai, tới Quảng Bá lấy hoa, rồi lại ra Hồ Gươm, phố Huế, Đại Cồ Việt… bán. Với ông, hành trình thường nhật ấy đã thấm vào tiềm thức. Hàng ngày ông cứ đạp xe như đã được lập trình sẵn. Nó giúp ông kiếm được “dăm chục ngàn đồng một ngày, lễ tết thì vài trăm bạc.”
Thi thoảng gặp ngày hẩm hiu ế ẩm, ông cũng lỗ vốn. “Đàn ông mà, đi thế cho khỏe chân. Lại giúp mình kiếm được đồng ra đồng vào đỡ các con. Còn sức, tôi còn gắn bó với nghề hoa dạo,” ông Tuân vui vẻ nói.
Cũng như ông Tuân, anh Dương Thanh Bình ở Mễ Trì (Hà Nội) cắt hoa từ sớm cùng gia đình, mang ra chợ đổ buôn rồi lại ngược xuôi trên chiếc xe đạp, xoay xỏa đèo bòng rổ lớn hoa qua khắp các con phố cổ. Anh chia sẻ: “Hoa không đổ buôn hết nên phải đi bán lẻ hoa dạo. Đi nhiều thì mệt nhưng quen rồi cũng vui, được ngắm phố lại bán được hoa với giá cao hơn.”
Khi được hỏi về những khó khăn khi gắn bó với cái nghề vốn gần gũi với chị em hơn, anh dốc bầu tâm sự: “Đàn ông đi bán hàng ban đầu không thoát khỏi tự ti. Tính các bà các chị đi chợ thích kỳ kèo mặc cả. Không bán thì họ chê mình đàn ông chắc lép, nói cao lên để họ trả thì bị chê đàn ông mà nói thách ác thế. Rong ruổi bán hoa cũng vất lắm.” Ký ức khó khăn ùa về, giọng anh trầm xuống.
Thế nhưng, những luống hoa hồng gai không làm những bàn tay đàn ông ngần ngại, họ cứ phăng phăng trong công việc của mình, cho dù trong cái rét tê tái của những ngày đông sớm hay cái oi ả, bức bối của mùa hè.
Khi cả thành phố vẫn còn chìm trong màn đêm và mọi người đang say giấc, họ đã xắn tay lên cùng gia đình cắt hoa, bó hoa cho phiên chợ sớm. Đôi tay đàn ông đen đúa, thô ráp, chai sạn cứ thoăn thoắt cắt, xén, xếp thẳng và bó hoa…
Nhìn đôi tay ông Nguyễn Văn Quang thâm lại với những vết rỗ li ti và những đường cào xé ngang dọc của gai hoa – “dấu tích nghề nghiệp” do những đoá hồng gai để lại, tôi chạnh lòng xót xa hơn cho những người phụ nữ bán hoa tươi. Đàn ông còn bị gai hoa đâm, “xé” khiến đôi tay thành sần sùi thế ấy, huống chi...
Hoa nở bao nhiêu lòng người “héo” bấy nhiêu
Những ngày bán chậm, hoa nở tươi bao nhiêu lòng người héo bấy nhiêu. Nhất là khi nắng lên gay gắt, hoa tàn nhanh. Bán một bông còn đẹp chớ nghĩ có lãi vì bông đó còn “cõng” mấy bông tàn về sau.
Gần gũi với những đóa hoa hương sắc là vậy nhưng hiếm khi các anh dành tặng vợ món quà “chóng tàn” ấy, bởi những ngày còn hoa là những ngày chợ ế...
Và chuyện này chỉ người làm nghề gắn với hoa mới hiểu. Hoa tươi thơm là thế nhưng qua cữ thơm thì mùi chân cành, lá gốc không hề dễ chịu. Ngoài ra, việc cấm bán hàng rong ở một số tuyến phố ở Hà Nội là đúng nhưng sống bằng bán hoa rong cũng phải thêm nhiều vất vả.
Mặt trời đã đứng bóng. Người xe hối hả ngược xuôi. Những người đàn ông bán hoa tươi vẫn miệt mài đi qua từng con phố, cố bán cho hết chuyến xe hoa. Ngỡ đơn giản mà như cái nghiệp vận vào đời.
Dù còn nhiều khó khăn mỗi ngày bán hoa tươi, dù còn nhiều ánh mắt và lời nói ác cảm, vô tình từ những khách mua hoa, nhưng vì cuộc mưu sinh và tình yêu với nghề, họ sẽ còn gắn bó, sẽ còn chở mãi những đóa hoa làm đẹp cho đời, để thành phố tròn nghìn năm tuổi thêm rực rỡ và ngát hương./.
Từ chợ hoa Quảng Bá, theo chân những bậc mày râu đi buôn hoa, những câu chuyện mưu sinh dường như “cực chẳng đã” của họ dần được khơi mở.
Đôi tay đàn ông và gai hoa hồng
Ông Đỗ Văn Tuân, 51 tuổi, ngày ngày từ 3 giờ sáng đã lóc cóc đạp xe đạp hơn chục cây số tới Quảng Bá để mua được nhiều loại hoa, đẹp và rẻ hơn ở vườn trong làng.
Đi buôn hoa đã nhiều năm nay, từ khi hai đứa con ông mới chào đời đến giờ chúng đã lập gia đình, ông đi bán hoa dạo để tìm niềm vui và để san sẻ nỗi lo kinh tế cho các con, bất chấp cái nhìn soi xét từ miệng lưỡi một số người: “Đàn ông không làm việc gì to tát lại đi bán vài bông hoa.” Ông vừa cười vừa nhớ lại.
Nhà ở Hoàng Mai, tới Quảng Bá lấy hoa, rồi lại ra Hồ Gươm, phố Huế, Đại Cồ Việt… bán. Với ông, hành trình thường nhật ấy đã thấm vào tiềm thức. Hàng ngày ông cứ đạp xe như đã được lập trình sẵn. Nó giúp ông kiếm được “dăm chục ngàn đồng một ngày, lễ tết thì vài trăm bạc.”
Thi thoảng gặp ngày hẩm hiu ế ẩm, ông cũng lỗ vốn. “Đàn ông mà, đi thế cho khỏe chân. Lại giúp mình kiếm được đồng ra đồng vào đỡ các con. Còn sức, tôi còn gắn bó với nghề hoa dạo,” ông Tuân vui vẻ nói.
Cũng như ông Tuân, anh Dương Thanh Bình ở Mễ Trì (Hà Nội) cắt hoa từ sớm cùng gia đình, mang ra chợ đổ buôn rồi lại ngược xuôi trên chiếc xe đạp, xoay xỏa đèo bòng rổ lớn hoa qua khắp các con phố cổ. Anh chia sẻ: “Hoa không đổ buôn hết nên phải đi bán lẻ hoa dạo. Đi nhiều thì mệt nhưng quen rồi cũng vui, được ngắm phố lại bán được hoa với giá cao hơn.”
Khi được hỏi về những khó khăn khi gắn bó với cái nghề vốn gần gũi với chị em hơn, anh dốc bầu tâm sự: “Đàn ông đi bán hàng ban đầu không thoát khỏi tự ti. Tính các bà các chị đi chợ thích kỳ kèo mặc cả. Không bán thì họ chê mình đàn ông chắc lép, nói cao lên để họ trả thì bị chê đàn ông mà nói thách ác thế. Rong ruổi bán hoa cũng vất lắm.” Ký ức khó khăn ùa về, giọng anh trầm xuống.
Thế nhưng, những luống hoa hồng gai không làm những bàn tay đàn ông ngần ngại, họ cứ phăng phăng trong công việc của mình, cho dù trong cái rét tê tái của những ngày đông sớm hay cái oi ả, bức bối của mùa hè.
Khi cả thành phố vẫn còn chìm trong màn đêm và mọi người đang say giấc, họ đã xắn tay lên cùng gia đình cắt hoa, bó hoa cho phiên chợ sớm. Đôi tay đàn ông đen đúa, thô ráp, chai sạn cứ thoăn thoắt cắt, xén, xếp thẳng và bó hoa…
Nhìn đôi tay ông Nguyễn Văn Quang thâm lại với những vết rỗ li ti và những đường cào xé ngang dọc của gai hoa – “dấu tích nghề nghiệp” do những đoá hồng gai để lại, tôi chạnh lòng xót xa hơn cho những người phụ nữ bán hoa tươi. Đàn ông còn bị gai hoa đâm, “xé” khiến đôi tay thành sần sùi thế ấy, huống chi...
Hoa nở bao nhiêu lòng người “héo” bấy nhiêu
Những ngày bán chậm, hoa nở tươi bao nhiêu lòng người héo bấy nhiêu. Nhất là khi nắng lên gay gắt, hoa tàn nhanh. Bán một bông còn đẹp chớ nghĩ có lãi vì bông đó còn “cõng” mấy bông tàn về sau.
Gần gũi với những đóa hoa hương sắc là vậy nhưng hiếm khi các anh dành tặng vợ món quà “chóng tàn” ấy, bởi những ngày còn hoa là những ngày chợ ế...
Và chuyện này chỉ người làm nghề gắn với hoa mới hiểu. Hoa tươi thơm là thế nhưng qua cữ thơm thì mùi chân cành, lá gốc không hề dễ chịu. Ngoài ra, việc cấm bán hàng rong ở một số tuyến phố ở Hà Nội là đúng nhưng sống bằng bán hoa rong cũng phải thêm nhiều vất vả.
Mặt trời đã đứng bóng. Người xe hối hả ngược xuôi. Những người đàn ông bán hoa tươi vẫn miệt mài đi qua từng con phố, cố bán cho hết chuyến xe hoa. Ngỡ đơn giản mà như cái nghiệp vận vào đời.
Dù còn nhiều khó khăn mỗi ngày bán hoa tươi, dù còn nhiều ánh mắt và lời nói ác cảm, vô tình từ những khách mua hoa, nhưng vì cuộc mưu sinh và tình yêu với nghề, họ sẽ còn gắn bó, sẽ còn chở mãi những đóa hoa làm đẹp cho đời, để thành phố tròn nghìn năm tuổi thêm rực rỡ và ngát hương./.
Thu Thủy (Vietnam+)