Theo lời các nhân viên cứu hộ, máy bay chiến đấu của Syria đã tấn công thị trấn Maaret al-Numan do phiến quân chiếm giữ trong ngày 18/10, làm ít nhất 49 người thiệt mạng, gồm 29 trẻ em. Lực lượng cứu hộ nói rằng các quả bom đã phá hủy hai tòa nhà và một thánh đường, nơi có nhiều phụ nữ và trẻ em đang trú ẩn tại thị trấn kể trên. Trong số những người thiệt mạng có 1 đứa trẻ 9 tháng tuổi. Phiến quân đã chiếm được thị trấn vào ngày 9/10, trong một đợt tấn công nhằm tạo vùng đệm dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng tôi đã thu được 44 thi thể từ dưới đống đổ nát" - một nhân viên cứu hộ cho AFP biết. Tại một bệnh viện chiến trường nằm gần đó, phóng viên đã phát hiện ít nhất 32 thi thể được bọc trong vải trắng, gồm 6 đứa trẻ và nhiều thi thể đã không còn nguyên vẹn, bên cạnh các túi nhựa có đề chữ "phần thi thể người". Phóng viên AFP nói rằng 1 đứa trẻ đã bị mất đầu và thi thể đứa trẻ thứ hai được kéo lên từ gạch vụn vẫn đang ngồi trên chiếc xe đạp của bé. "Tại thời điểm này, có vẻ như chỉ có 3 người sống sót sau vụ tấn công, gồm một đứa trẻ 2 tuổi" - nhân viên y tế Jaffar Sharhoub cho biết - "Đứa trẻ đã sống sót vì được cha giang tay bảo vệ". Một cư dân của thị trấn cho AFP biết rằng vài người bị giết mới vừa trở về nhà và nghĩ rằng nguy hiểm đã qua. Vài chiếc máy bay phản lực chiến đấu đã bay qua Maaret al-Numan và khu vực phụ cận trong sáng ngày 18/10. Chúng thực hiện các màn bổ nhào ngắn để ném 10 quả bom xuống thị trấn và khu vực ngoại ô gần với căn cứ quân sự Wadi Deif, đã bị quân chống đối tấn công rất mạnh. Cuối ngày 18/10, thêm 5 người nữa bị giết trong cuộc không kích nhằm vào thị trấn. Từ sáng sớm, quân chống đối đã mở chiến dịch "tấn công cuối cùng" nhằm vào căn cứ, một điểm tập kết xe tăng và nhiên liệu tiếp tế quan trọng. Hàng trăm chiến binh đã tấn công căn cứ này, làm 3 xe tăng bị phá hủy và buộc ít nhất 6 lính chính phủ đầu hàng. Căn cứ nằm cách xa lộ Damascus-Aleppo khoảng 2 km, vốn đã bị quân chống đối kiểm soát mất một phần. Việc tuyến đường này bị chặt đứt đã khiến quân đội không thể tiếp tế các đơn vị đang bị tấn công ở Aleppo trong 3 tháng qua. Tại Damascus, một kẻ đánh bom tự sát đi xe máy đã cho phát nổ quả bom mang theo mình khi chỉ cách Bộ Nội vụ có 300 mét và không gây nên thương vong nào. Vụ đánh bom xảy ra trước khi Brahimi tới Damascus để kêu gọi ngừng bắn nhân lễ Eid al-Adha dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 26/10 tới. Ngừng bắn tạm thời? Phát biểu tại Jordan, đặc phái viên Liên hợp quốc và AL Lakhdar Brahimi nói rằng ông hy vọng việc ngừng bắn tạm thời sẽ tạo nền tảng cho một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn. "Nếu lệnh ngừng bắn tạm thời được triển khai, chúng ta có thể dựa vào nó để tạo lập một lệnh ngừng bắn thực sự, cũng như khởi đầu một tiến trình chính trị có thể giúp người Syria giải quyết các vấn đề của họ và tái xây dựng đất nước" - ông nói ở Amman. Ông cũng cho rằng nếu cuộc khủng hoảng Syria còn tiếp diễn, nó sẽ không ở trong phạm vi nước này mà còn gây ảnh hưởng tới toàn khu vực. Brahimi sẽ tới thủ đô Syria vào chiều ngày thứ Sáu và sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Walid Muallem. Đây sẽ là chặng dừng cuối của ông trong hành trình đi qua 4 nước đã có vai trò gây ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng, gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Iran, Iraq, Lebanon và Jordan. Đặc sứ cũng sẽ gặp Tổng thống Bashar al-Assad "rất, rất sớm", nhưng không phải trong ngày 20/10.
Tình hình tại Syria vẫn ngày càng xấu đi (Nguồn: AFP)
Hiện đã có nhiều nghi ngờ xuất hiện xung quanh kế hoạch ngừng đổ máu của ông Brahimi. Damascus nói rằng họ đã sẵn sàng để thảo luận với Brahimi về đề xuất của ông, nhưng muốn được đảm bảo rằng các quốc gia có ảnh hưởng lên lực lượng chống đối sẽ gây sức ép buộc họ phải chấp nhận trao đổi. Phe đối lập nói rằng họ sẽ chấp nhận bất kỳ kế hoạch ngừng bắn nào, nhưng nói rằng quân Chính phủ phải ngừng việc ném bom đang diễn ra. Theo tổ chức Syrian Observatory, với gần 200 người đã thiệt mạng trong ngày 18/10 trên khắp đất Syria, con số người chết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 3 năm ngoái đã hơn 34.000 người. Ở Geneva, lãnh đạo cơ quan nhân quyền LHQ Navi Pillay đã kêu gọi Hội đồng bảo an LHQ giải quyết bất đồng của họ trên vấn đề Syria, để có thể đưa ra một thông điệp mạnh mẽ. Bà nói rằng các vi phạm do cả hai bên trong cuộc chiến ở Syria gân ra có thể đã tới mức "tội ác chống lại loài người". Mátxcơva và Bắc Kinh, 2 thành viên thường trực trong HĐBA, hiện đã bác bỏ 3 bản dự thảo nghị quyết về Syria do phương Tây và các nước Arab ủng hộ, với lý do họ đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của Syria./.
Linh Vũ (Vietnam+)