Cố đô Luang Prabang - điểm đến không thể bỏ qua khi thăm Lào

Luang Prabang luôn chú trọng tới công tác gìn giữ và bảo tồn nét đẹp cổ kính của thành phố, một trong những nguyên nhân chính giúp thành phố này thu hút tới hơn 2 triệu lượt du khách trong năm 2014.
Cố đô Luang Prabang - điểm đến không thể bỏ qua khi thăm Lào ảnh 1Một ngôi chùa tại trung tâm Luang Prabang đang được trùng tu. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Nằm ở ngã ba sông Mekong và sông Nặm Khan, giữa những dãy núi trùng điệp quanh năm mây phủ, cố đô Luang Prabang được du khách nước ngoài coi là một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi đến với đất nước Triệu Voi.

Có được điều này là nhờ chính quyền và người dân Luang Prabang luôn chú trọng tới công tác gìn giữ và bảo tồn nét đẹp cổ kính của thành phố, một trong những nguyên nhân chính giúp thành phố nhỏ bé này thu hút tới hơn 2 triệu lượt du khách trong năm 2014.

Chúng tôi có mặt tại Luang Prabang vào những ngày cuối tháng 7/2015. Cảm nhận đầu tiên của tôi là “sốc”, sốc bởi sự yên bình và sạch sẽ của thành phố; sốc bởi sự kết hợp vô cùng hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với những nét kiến trúc rêu phong cổ kính; sốc bởi dù trải qua bao dấu mốc thăng trầm của lịch sử, cố đô này vẫn giữ được một cách vẹn nguyên đến kinh ngạc những công trình đặc sắc gắn liền với sự phát triển của thành phố này, từ những ngôi nhà sàn theo phong cách truyền thống của người Lào, đến những kiến trúc của hoàng cung, hay các ngôi nhà hoặc biệt thự cũ của Pháp, tất cả đều hòa quyện và bổ sung cho nhau một cách nhuần nhuyễn.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, ông Saysamone Khomthavong, Phó Chủ tịch Luang Prabang cho biết khách du lịch đến với Luang Prabang vì những nét rêu phong, cổ kính, sự yên tĩnh gắn liền với thiên nhiên, hay nói cách khác là họ hoài cổ, muốn tìm lại những cái mà ở nước họ không còn nữa. Chính vì vậy, từ lâu, tỉnh đã xác định việc gìn giữ và bảo tồn sự vẹn nguyên của các di tích cổ, cũng như không gian vốn có của Luang Prabang là việc “sống còn” của Luang Prabang.

Với nhận thức đó, chính quyền tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người dân, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ các di sản, cũng như những lợi ích mà người dân nhận được từ việc bảo vệ các di sản.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành các quy định rất rõ ràng, chi tiết trong công tác bảo tồn, buộc người dân và các nhà đầu tư phải tuân thủ để không làm mất đi vẻ đẹp riêng có của Luang Prabang.

Với hơn 30 công trình kiến trúc hoàng gia, đa số được xây dựng từ thế kỷ 14; khoảng 40 ngôi chùa cổ được xây dựng từ các triều đại khác nhau cùng hàng trăm ngôi nhà gỗ truyền thống Lào đan xen với kiến trúc của châu Âu, Luang Prabang đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1995.

Cùng với sự hỗ trợ của UNESCO và một số quốc gia khác, tỉnh đã ban hành hai cuốn sách hướng dẫn quy định chi tiết những việc cần làm khi trùng tu nhà cửa hoặc các công trình khác trong khu vực di sản. Mọi công trình khi trùng tu đều phải tuân theo các chỉ dẫn trong hai cuốn sách này, từ việc chọn màu sơn, họa tiết hoa văn trang trí, kích thước, màu sắc và chủng loại gạch ngói... Nhờ vậy, mặc dù số lượng công trình, nhà cửa được trùng tu, tôn tạo ở Khu di sản tại Luang Prabang trong những năm qua không phải là ít, nhưng cố đô này vẫn được giữ được các đường nét cổ kính như xưa.

Cố đô Luang Prabang - điểm đến không thể bỏ qua khi thăm Lào ảnh 2Một góc thành phố Luang Prabang. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Nhờ sự giới thiệu của ông Saysamone Khomthavong, chúng tôi đã may mắn được theo anh Noseng Saivongduon, Phó Giám đốc Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch Luang Prabang, người đã có 20 năm gắn bó với công tác bảo tồn các công trình di sản công cộng tại Luang Prabang, xuống "kiểm tra" một số công trình đang được tôn tạo và tu bổ tại thành phố. Dọc đường đi, anh cho biết mọi công trình ở Luang Prabang khi được trùng tu đều có sự tham gia, giám sát của các đơn vị liên quan. Cũng giống việc trùng tu nhà cổ, việc trùng tu các công trình công cộng như chùa cổ, cung điện, lăng tẩm trong quần thể di sản cố đô Luang Prabang cũng phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ.

Anh Noseng Saivongduon nói: "Khi có bất cứ công trình nào nằm trong khu vực di sản có nhu cầu trùng tu, sửa chữa, bản phải có trách nhiệm đề xuất với Sở, chúng tôi sẽ xuống tận nơi kiểm tra, đánh giá. Sau khi cho sửa, chúng tôi sẽ trực tiếp giám sát và giao cho thợ làm từng phần việc. Đó phải là những người thợ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trùng tu di tích, bản nào không thuê được thợ có tay nghề hoặc để thợ làm không đúng với yêu cầu, chúng tôi sẽ cho dừng không cho sửa nữa."

Khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Manilay Savang nằm giữa trung tâm Luang Prabang vào lúc Mặt Trời sắp đứng bóng, chúng tôi được chứng kiến nhiều tốp thợ đang nhẹ nhàng rửa từng viên ngói cổ còn lành lặn và xếp lại gọn gàng vào góc sân để tận dụng lại.

Theo bà Manilay, ngôi nhà của bà đã có tuổi đời hơn 1 thế kỷ và đây là lần đầu tiên gia đình bà trùng tu lại. Do nằm trong khu vực di sản nên bà phải xin phép Ban Quản lý Di tích cố đô Luang Prabang để tu sửa.

Sau hơn 1 năm xem xét, Ban quản lý đã cho phép bà sửa nhà và sẽ hỗ trợ lượng ngói đã bị vỡ theo đúng đúng mẫu mã và chất liệu mà gia đình bà đã dùng khi dựng nhà. Ngoài ra, hàng ngày, Ban này đều cho người xuống giám sát tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định chung của thành phố và UNESCO, nếu chưa đúng, gia đình sẽ phải làm lại.

Việc tuân thủ chặt chẽ các quy định trong công tác bảo tồn cùng với sự tham gia tích cực của chính quyền và người dân địa phương đã giúp Luang Prabang giữ được những nét kiến trúc đặc sắc và sự yên ả hiếm có, chính điều này đã giúp cố đô của nước Lào khi xưa có được sức hút khó cưỡng đối với du khách ở cả trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục