Cô giáo góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào Mông ở Hang Kia

Cô Hà Thị Hằng cùng với tập thể giáo viên nhà trường vận động được hơn 100 học viên theo học các lớp bổ túc dành cho người lớn, gần 100 học viên bổ túc chương trình Trung học cơ sở.
Cô giáo góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào Mông ở Hang Kia ảnh 1Cô giáo Hà Thị Hằng dạy viết chữ cho học sinh. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, là một xã đặc biệt khó khăn với 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, công tác phổ cập giáo dục mầm non, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn là bài toán rất nan giải.

Năm 2018, chị Hà Thị Hằng (sinh năm 1967) là Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bao La, xã Bao La, huyện Mai Châu, được điều động đến công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B, xã Hang Kia.

Gần 30 năm công tác với tâm huyết của mình, cô giáo Hằng đã góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

[Những người mang ánh sáng tri thức đến vùng cao Phố Cáo]

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B nằm giữa thung lũng của bản Thung Ẳng, xã Hang Kia, cách thị trấn Mai Châu 60km và cách Ủy ban Nhân dân xã Hang Kia hơn 10km.

Để đến trường, hơn một giờ đồng hồ xe của chúng tôi “bò” và nhích từng đoạn một qua những con đường toàn đá hộc trơn trượt, một bên là núi, một bên là vực sâu.

Tỷ lệ học sinh nơi đây bỏ học rất cao, bậc tiểu học gần 40%, trung học cơ sở lên đến 66%. Theo chị Hà Thị Hằng, để khắc phục triệt để tình trạng học sinh bỏ học, điều quan trọng nhất là phải thay đổi nếp nghĩ, nhận thức của người dân.

Muốn trẻ đi học trước hết những người cha, người mẹ phải biết chữ, nói được tiếng phổ thông. Từ đó, chị Hằng đã vận động các ban, ngành mở lớp phổ cập giáo dục cho người lớn tuổi trên địa bàn xã và được đông đảo người dân tham gia.

Cô giáo góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào Mông ở Hang Kia ảnh 2Cô giáo Hà Thị Hằng vận động học viên nữ lớn tuổi đến lớp. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Theo thống kê của huyện Mai Châu, tỷ lệ người dân xã Hang Kia không biết nói tiếng phổ thông chiếm gần 60%, phần lớn là phụ nữ. Tình trạng mù chữ, tái mù chữ chiếm 58,35% dân số.

Để đồng bào Mông hiểu được ý nghĩa của việc học tiếng phổ thông thì phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất và trực tiếp giúp đỡ được người dân. Thế là khi có dịch bệnh xuất hiện, chị Hằng cùng giáo viên trực tiếp mang thuốc trị bệnh đến từng hộ dân.

Khi người dân không biết đọc hướng dẫn sử dụng, các giáo viên đã giải thích và hướng dẫn người dân biết cách dùng thuốc cho người bệnh và cách phòng, chống dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm. Từ đó, người dân dần nhận thức được phải học chữ.

Chị Phạm Thị Thơm, giáo viên của trường, cho biết: "Khi tôi và chị Hằng nhận công tác ở trường, đường vào xóm bản chưa được đổ bê tông nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là mỗi khi trời mưa. Mỗi lần như thế các em lại không đến lớp. Chúng tôi phải đến tận nhà vận động học sinh ra lớp, đồng thời vận động cả bố mẹ các em tham gia lớp học xóa mù chữ vào buổi tối."

Cô giáo góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào Mông ở Hang Kia ảnh 3Cô giáo Hà Thị Hằng đến các hộ gia đình vận động người dân đến lớp xóa mù chữ. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Chị Khà Y Mai ở xóm Thung Ẳng, xã Hang Kia chia sẻ trước đây mình chưa biết chữ, khi đưa con đi khám bệnh, bác sỹ kê đơn thuốc nhiều nhưng không biết cho con uống thuốc. Đi học biết chữ rồi, khi con bị ốm, mình đã biết đọc hướng dẫn cách dùng thuốc cho con.

Đọc bài thơ “Người H’Mông nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” và hát bài hát “Đi học,” chị Giàng Y Phếnh (30 tuổi) ở bản Thung Ẳng, xã Hang Kia, vui mừng: "Từ khi theo học lớp xóa mù chữ, mình đã biết đọc, biết viết, biết hát… nên đã dạy được các con, đặc biệt là biết tính toán để phát triển kinh tế gia đình."

Chị Phếnh mong muốn tiếp tục được học để thành thạo; đồng thời chị cũng vận động các thành viên trong gia đình tích cực theo học lớp xóa mù chữ để dễ dàng tiếp cận với sự phát triển của xã hội.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu Vũ Đức Hạnh nhấn mạnh nhận công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B đầu năm 2018, chị Hà Thị Hằng cùng với tập thể giáo viên nhà trường vận động được hơn 100 học viên theo học các lớp bổ túc dành cho người lớn, gần 100 học viên bổ túc chương trình Trung học cơ sở.

Các học viên theo học lớp xóa mù chữ rất tự giác và đạt hiệu quả cao. Từ những cố gắng đó, năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh ra lớp ở cả hai khối tiểu học và trung học cơ sở của xã Hang Kia đã đạt 100% và không còn tình trạng học sinh bỏ học.

Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, với lòng yêu nghề, tinh thần tận tâm, tận tụy, chị Hà Thị Hằng đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy Hòa Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ủy ban Nhân dân huyện Mai Châu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu, vì đã có thành tích về sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, phổ cập giáo dục.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục