Cơ hội khai thác thị trường Hồi giáo cho sản phẩm gia dụng

Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người theo Hồi giáo mà còn vì nhiều người không theo đạo Hồi nhưng vẫn ưa thích các sản phẩm đạt chuẩn Halal.
Cơ hội khai thác thị trường Hồi giáo cho sản phẩm gia dụng ảnh 1Đại diện Trung tâm Halal Vietnam trao chứng nhận sản phẩm thân thiện với người Hồi giáo cho Công ty Dunlopillo tại Hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thị trường Hồi giáo là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh, trong khi thực phẩm gặp rào cản lớn về chứng nhận Halal, các mặt hàng tiêu dùng “dễ thở” hơn với tiêu chuẩn thân thiện.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Các tiêu chuẩn của thị trường Hồi giáo đối với hàng gia dụng do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm Halal Vietnam tổ chức, ngày 1/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết người Hồi giáo chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei, Pakistan, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các nước Trung Đông khác, tuy nhiên chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người theo Hồi giáo mà còn vì nhiều người không theo đạo Hồi nhưng vẫn ưa thích các sản phẩm đạt chuẩn Halal.

Tuy nhiên, những yêu cầu nghiêm ngặt của Halal là thách thức không hề nhỏ đối với các nước không theo hoặc số lượng người theo đạo Hồi rất ít. Vì vậy tiêu chuẩn thân thiện với người Hồi giáo (Muslim-friendly) sẽ là cánh cửa mới đối với các doanh nghiệp đang muốn tiến vào thị trường đầy tiềm năng này.

Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Vietnam, thông tin tiêu chuẩn Halal là một trong những tiêu chuẩn khắt khe và khó đáp ứng hiện nay, đặc biệt đối với sản phẩm thực phẩm.

[Khơi thông tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal] 

Cụ thể, thực phẩm muốn được chứng nhận Halal phải đảm bảo không vi phạm các quy định của Luật Hồi giáo, sản phẩm không chứa các thành phần từ thịt lợn và cồn (rượu/bia) cũng như các tác động tiêu cực tới môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến.

Thêm vào đó, dây chuyền sản xuất sản phẩm Halal phải tách biệt với dây chuyền sản xuất sản phẩm không có chứng nhận Halal. Đó là lý do vì sao dù thị trường Hồi giáo được đánh giá có quy mô lớn và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao nhưng không nhiều quốc gia, doanh nghiệp tiếp cận được.

Theo ông Ramlan Osman, thị trường Halal không chỉ có thực phẩm mà còn bao gồm tất cả các sản phẩm, dịch vụ như hàng gia dụng, mỹ phẩm, tài chính; trong đó, sản phẩm gia dụng sẽ có nhiều cơ hội hơn khi chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn “thân thiện” với người Hồi giáo.

Cụ thể, sản phẩm vẫn đáp ứng điều kiện phù hợp với Luật Hồi giáo, đảm bảo tính thân thiện với môi trường, có thể tái chế nhưng không quá khắt khe như chứng nhận Halal đối với thực phẩm. Các dây chuyền sản xuất sản phẩm thân thiện với người Hồi giáo không nhất thiết phải tách biệt hoàn toàn với sản phẩm chưa có chứng nhận.

Mặc dù vậy, để đạt được chứng nhận thân thiện với người Hồi giáo và xuất khẩu được vào các thị trường tập trung, sản phẩm vẫn phải trải qua kiểm tra quy trình sản xuất, thành phần rất kỹ lưỡng.

Đại diện Công ty Dunlopillo, một trong những công ty sản xuất đồ gia dụng tiên phong thực hiện tiêu chuẩn thân thiện với người Hồi giáo chia sẻ, thị trường tiêu dùng sản phẩm của người Hồi giáo có rất nhiều tiềm năng để phát triển, chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á đã có rất nhiều thị trường hấp dẫn như Malaysia, Indonesia, Brunei… Tuy nhiên, các thị trường này luôn đòi hỏi tiêu chuẩn Halal, rất khó đáp ứng và thực hiện.

Với việc xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm thân thiện với người Hồi giáo, giảm thiểu một số tiêu chí kỹ thuật không cần thiết, doanh nghiệp sản xuất các nước sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, khai thác các thị trường Hồi giáo phục vụ mở rộng xuất khẩu.

Đáng chú ý, việc thực hành tiêu chuẩn thân thiện với người Hồi giáo cũng khá tương đồng với thực hành sản xuất bền vững, do đó khi doanh nghiệp đã có chứng nhận và xuất khẩu được vào thị trường Hồi giáo, sản phẩm cũng dễ dàng tiếp cận và chinh phục khách hàng ở các khu vực khác không theo Hồi giáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục