Cơ hội lấy bằng cử nhân công nghệ của đại học tốp 100 thế giới

Tổ chứ Giáo dục trực tuyến FUNiX vừa ký kết hợp tác với trường Đại học Deakin, là trường đại học thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu thế giới về đào tạo lĩnh vực khoa học máy tính, kỹ thuật và công nghệ.
Cơ hội lấy bằng cử nhân công nghệ của đại học tốp 100 thế giới ảnh 1Lễ ký kết diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổ chứ Giáo dục trực tuyến FUNiX, thuộc Tập đoàn FPT, hôm nay cho hay đơn vị này vừa ký kết hợp tác với trường Đại học Deakin (Melbourne, Australia) về việc đào tạo chuyển tiếp lấy bằng cử nhân ngành công nghệ thông tin của đại học này.

Vừa học phổ thông, vừa học đại học

Đại học Deakin nằm trong tốp 1% các đại học hàng đầu thế giới theo Academic Ranking of World Universities 2020, tốp 100 đại học hàng đầu thế giới về đào tạo lĩnh vực khoa học máy tính, kỹ thuật và công nghệ. Trường hiện có khoảng 60.000 sinh viên với gần 15.000 sinh viên quốc tế, chiếm khoảng 25%. Đại học Deakin liên kết với hơn 100 đối tác tại hơn 40 quốc gia. 

Chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin của Đại học Deakin có lộ trình 3,5 năm. Theo thỏa thuận, sinh viên sẽ học 1,5 năm đầu theo hình thức trực tuyến tại FUNiX, gồm phần kiến thức đại cương và cơ sở ngành. Hai năm sau đó, các em học và học kiến thức chuyên ngành của Đại học Deakin, Australia.

Học viên của FUNiX khi đạt điểm GPA từ 65% trở lên sẽ được giảm học phí ở giai đoạn học tại Đại học Deakin, mức giảm 20% nếu học tại Australia và giảm 25% nếu học online. 

Sinh viên tốt nghiệp được cấp đồng thời chứng chỉ của FUNiX và bằng bằng cử nhân ngành công nghệ thông tin của Đại học Deakin.

Do tại Việt Nam, FUNiX là tổ chức giáo dục trực tuyến, không phải trường đại học nên học viên không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi theo học. Vì thế, học viên có thể bắt đầu thời gian học tại FUNiX sớm hơn, khi đang là học sinh phổ thông.

Cơ hội du học tại chỗ trong bối cảnh dịch bệnh

Phát biểu tại chương trình, Giáo sư Bas Baskaran, Phó Hiệu trưởng phụ trách Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học Đại học Deakin cho biết việc sở hữu bằng Đại học Deakin giúp sinh viên có thêm nhiều lựa chọn lộ trình cho các mục tiêu sự nghiệp khác nhau, mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại Australia. Sau khi tốt nghiệp Đại học Deakin, sinh viên có cơ hội nhận Visa làm việc tại Australia từ 2 đến 3 năm. 

Cơ hội lấy bằng cử nhân công nghệ của đại học tốp 100 thế giới ảnh 2Giáo sư Bas Baskaran kỳ vọng hai đơn vị sẽ hợp tác sâu hơn trong tương lai. (Ảnh: PV)

Giáo sư Bas Baskaran kỳ vọng hai đơn vị sẽ hợp tác sâu hơn trong tương lai, cùng xây dựng chương trình đào tạo sau đại học, giúp người đi làm có thể nâng cao kỹ năng cá nhân qua các khóa học online về các công nghệ mới nổi. Ông Bas Baskaran bày tỏ niềm lạc quan về xu hướng giáo dục trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh, tin tưởng hai đơn vị sẽ mang đến những chương trình trực tuyến sáng tạo và linh hoạt cho sinh viên tiềm năng ở Việt Nam và Đông Nam Á.

“FUNiX là một trong những tổ chức đào tạo trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam và chúng tôi rất vinh dự khi hợp tác cùng các bạn. Với nền tảng trực tuyến và các kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, mô hình như FUNiX rất quan trọng, giúp sinh viên có trải nghiệm học tập tốt,” giáo sư Bas Baskaran nhận định.

[Dịch COVID-19 phức tạp, nhiều địa phương thay đổi kế hoạch năm học]

Chia sẻ tại lễ công bố hợp tác, tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNiX cho hay hợp tác giữa FUNiX và Đại học Deakin là cơ sở để Việt Nam và Australia cùng đẩy mạnh phát triển nguồn lực công nghệ thông tin chất lượng, mang đến cơ hội việc làm, cơ hội học tiếp sau đại học rộng mở cho sinh viên, không chỉ tại Việt Nam, Australia mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Cũng theo ông Nam, sự hợp tác này càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng đến ngành giáo dục nói chung và đào tạo đại học trên toàn cầu. Qua chương trình hợp tác này, sinh viên Việt Nam có thể theo học đại học hàng đầu thế giới bằng hình thức trực tuyến, vừa phòng tránh dịch bệnh, vừa tiết kiệm chi phí.

“Đây cũng là giải pháp để vượt qua thử thách, vượt qua đại dịch, mang lại giá trị cho người học," ông Nguyễn Thành Nam nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục