Có kịp phục hồi di tích “địa chỉ đỏ” giữa Thủ đô?

Chỉ còn một tuần nữa là đến dịp kỷ niệm 19/8 và tiếp theo là Quốc khánh 2/9, vậy mà di tích số 48 Hàng Ngang vẫn lặng lẽ chờ tu bổ.
Sau 65 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang lịch sử, dự án phục hồi di tích lịch sử đặc biệt quan trọng này trở về nguyên trạng thời điểm năm 1945 vẫn đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xem xét phê duyệt.

"Những năm tháng không thể nào quên"

Ngôi nhà mang số 48 nằm sát lề đường bên phải phố Hàng Ngang, trong khu phố cổ Hà Nội. Nhà là cửa hàng bán tơ lụa vải vóc của hiệu Phúc Lợi giữa khu buôn bán sầm uất. Chủ ngôi nhà là ông bà Trịnh Phúc Lợi. Đến những năm đầu thế kỷ XX, ông bà Lợi đã trao cho vợ chồng người con lớn là Trịnh Văn Bô quản lý.

Ngôi nhà chạy dài, sâu hun hút theo kiểu "nhà ống" truyền thống của Hà Nội xưa, mặt trước là cửa hàng, còn mặt sau quay ra 35 phố Hàng Cân. Với địa thế nằm lọt giữa khu buôn bán sầm uất, người đi kẻ lại lúc nào cũng đông đúc, khách hàng ra vào nhiều, lại có hai lối đi ở hai tuyến phố quay lưng vào nhau, nên ngôi nhà đã sớm được chọn làm địa điểm đón Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Đặng Văn Biểu-người phụ trách di tích lịch sử cách mạng này cho biết: Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là một gia đình yêu nước, được giác ngộ cách mạng và là một trong những cơ sở tại nội thành, nên khi Hồ Chủ Tịch từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được chọn làm nơi ở và làm việc của Người cùng các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng trong những ngày đầu cách mạng.

Ngày 25/8/1945, Người về đến Thủ đô. Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh đã đưa Bác tới số nhà 48 phố Hàng Ngang, xe ôtô đưa Bác không đỗ ở cửa trước mà đi vòng lối cổng sau thuộc phố Hàng Cân vào tận sân trong.

Trong "Những năm tháng không thể nào quên", đồng chí Võ Nguyên Giáp đã viết: "Về Hà Nội, chúng tôi ở phố Hàng Ngang. Thành ủy đã bố trí cho chúng tôi ở tại một gia đình cơ sở. Anh chị chủ nhà đã dành cho chúng tôi một tầng gác 2. Bác được mời lên tầng 3 làm việc cho yên tĩnh. Nhưng Bác không thích ở một mình, cùng xuống ở với chúng tôi."

Những dấu tích vô giá

Căn phòng ở tầng 2, dùng làm phòng họp của Bác với các đồng chí trong Thường vụ, rộng chừng 60m2. Chính giữa phòng là một chiếc bàn chữ nhật có kích thước lớn bằng gỗ màu cánh gián sẫm, 8 chiếc ghế tựa mềm bọc nỉ xanh phủ trắng.

Tại đây, Hồ Chủ Tịch đã chủ trì cuộc họp với Thường vụ Trung ương Đảng để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời trước quốc dân vào ngày 2/9/1945. Sát tường là một hàng ghế 5 chiếc, đồng chí Võ Nguyên Giáp thường dùng để nghỉ sau những lúc làm việc mệt mỏi.

Góc phải phía ngoài của phòng họp còn có một chiếc bàn nhỏ và một chiếc ghế tựa cũng được bọc nỉ phủ vải trắng. Trên bàn là chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã sử dụng từ chiến khu Việt Bắc đưa về. Đây là chiếc máy chữ mà Bác dùng để đánh các chỉ thị của Đảng và soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.

Qua hành lang sang phía ngoài là 2 căn phòng, một phòng của Bác và một phòng tiếp khách. Phòng khách có ban công nhìn ra mặt phố Hàng Ngang. Căn phòng rộng chừng 50m2, có cửa kính, cửa chớp, che rèm lụa trắng. Sát tường phía bên trái có kê một chiếc tủ và một đi văng ở góc, nơi các đồng chí bảo vệ thường ngồi quan sát.
 
Căn phòng nhỏ của Bác diện tích khoảng 20m2, đồ đạc rất đơn sơ. Chính tại căn phòng nhỏ bé này, Bác Hồ đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Có kịp không, việc tu bổ di tích?

Chúng tôi có mặt ở di tích 48 Hàng Ngang cận dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Vậy mà theo các cán bộ phụ trách ở đây: "Chúng tôi vẫn đang chờ trên xét duyệt. Nếu được phép và có kinh phí được cấp, chúng tôi sẽ tiến hành tu bổ ngay."

Điều mà khách đến tham quan đều thấy rõ, đó là sự đơn giản trống vắng của di tích này. Bác Hồ đã về một ngôi nhà của một hộ kinh doanh đang làm ăn nhưng di tích lại cho thấy sự quạnh quẽ theo kiểu bảo tàng còn đơn sơ.
 
Khi chúng tôi thắc mắc về nội dung dự án từng được đưa ra, như theo đó, có sửa phòng ngoài tầng 1 thành không gian nội thất của một cửa hàng bán tơ lụa như đã từng tồn tại vào năm 1945. Sân trong và các phòng kế tiếp cũng được chỉnh lại như kiến trúc ban đầu, ông Đặng Văn Biểu cho biết: Có lẽ phương án phục hồi lại quầy hàng tơ lụa sẽ không khả thi. Việc phục dựng lại căn bếp của gia đình chủ nhân như năm xưa cũng chưa có khả năng được phê duyệt.

Trong khi đó, do tác động của môi trường, khí hậu cũng như việc cải tạo, sửa đổi theo nhu cầu sử dụng trong nhiều năm qua, di tích 48 Hàng Ngang bao gồm cả 35 Hàng Cân phía sau đã bị xuống cấp và sai khác khá nhiều so với những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây.

Được biết, tại tầng 3 và 4 sẽ sử dụng 2 phòng giới thiệu về những hoạt động đóng góp cho cách mạng của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô-chủ nhân của ngôi nhà và một phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Biểu thì phòng tưởng niệm Bác có khả năng được duyệt lần này. Đây sẽ là nơi các đơn vị tổ chức dâng hương, báo công lên Bác. Trong một vài ngày tới, nếu Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hà Nội đồng ý thì khu di tích sẽ sắp xếp, bài trí ngay kịp cho dịp trọng đại tới đây./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục