Có phải Tổng thống Donald Trump đã sai: IS chưa bị đánh bại?

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cứ viên Donald Trump khi đó đã không nói nhiều và cụ thể về chính sách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, ngoại trừ một điều: Cam kết đánh bại IS.
Có phải Tổng thống Donald Trump đã sai: IS chưa bị đánh bại? ảnh 1Binh sỹ Mỹ trợ giúp các binh sĩ Iraq trong chiến dịch chống nhóm khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ( IS) tại Mosul, Iraq ngày 21/6/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng worldpoliticsreview.com gần đây đăng tải bài viết có tựa đề "Tổng thống Trump đã sai: IS vẫn chưa bị đánh bại," nội dung như sau:

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cứ viên Donald Trump khi đó đã không nói nhiều và cụ thể về chính sách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, ngoại trừ một điều: Cam kết đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Sau khi thắng cử, Tổng thống Trump tăng cường cuộc chiến chống IS, cuộc chiến mà cựu Tổng thống Obama đã phát động và gia tăng hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang địa phương tại Syria, bao gồm các nhóm dân binh người Kurd và các lực lượng an ninh tại Iraq.

Cuối cùng, chính sách này đã thu được kết quả. Thông qua chiến dịch quân sự do các nhóm dân binh và người Iraq tiến hành trên thực địa, IS đã mất phần lớn lãnh thổ mà tổ chức này kiểm soát tại cả Iraq và Syria.

Hơn một tháng trước, Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng: "Chúng ta đã đánh bại IS tại Syria, lý do duy nhất chúng ta hiện diện ở đó trong nhiệm kỳ của tôi," ông tuyên bố trên trang mạng cá nhân Tweeter, đồng thời ám chỉ ý định rút các lực lượng Mỹ khỏi Syria.

Vừa qua, từ Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định thắng lợi đối với IS, cho rằng Mỹ đã "đánh bại IS tại Syria và Iraq cùng với hơn 60 nước khác trong liên minh quốc tế chống khủng bố trên toàn cầu."

Nhiều chuyên gia an ninh đã phản đối tuyên bố của Chính quyền Trump, cho rằng IS tuy bị suy yếu nhưng chưa bị đánh bại hoàn toàn. Giống như các tổ chức phiến quân, IS một lần nữa thay đổi phương thức hoạt động.

Tổ chức này bắt đầu phân tán, chuyển sang hoạt động bí mật và dựa vào phương thức tấn công khủng bố và cách đánh du kích. IS chuyển sang phương thức khủng bố truyền thống. IS đang trở lại phương thức khủng bố ban đầu của tổ chức này.

[Chính quyền Tổng thống Trump thật sự bối rối trong chính sách Syria?]

Mặc dù IS còn kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ tại Syria, nhưng IS vẫn còn khoảng 30.000 tay súng. Số này đang di chuyển đến các khu vực khác trên thế giới, đánh nhau với các lực lượng chính phủ từ Nigeria tới Afghanistan tới Phillipines, trong khi chiến thuật đánh du kích và tấn công khủng bố vẫn được duy trì tại Iraq.

"Sự lạc quan về việc đã đánh bại hoàn toàn IS, mặc dù chỉ là để làm hài lòng dư luận, cũng là quá sớm," Ilan Berman, thành viên Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ, cảnh báo.

Lịch sử sẽ cho thấy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo như trước đây. Trong quá khứ, việc đánh bại một kẻ thù dựa trên tư tưởng đòi hỏi 3 yếu tố: Thứ nhất, kẻ thù phải biến mất trên chiến trường và trên lãnh thổ mà họ kiểm soát. Đối với Mỹ, do có quân đội hùng mạnh nên đây là việc dễ dàng.

Thứ hai, tư tưởng, nguồn gốc đã làm nên sức mạnh của kẻ thù phải bị triệt tiêu. Đây là việc hết sức khó khăn, nhất là tư tưởng của kẻ thù bắt nguồn từ tôn giáo.

Thứ ba, các nhân tố về chính trị, kinh tế và xã hội đã cho phép kẻ thù hình thành và phát triển vào thời kỳ khởi điểm phải được thay đổi để ngăn chặn nguy cơ tái trỗi dậy.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã thực hiện được cả ba nhân tố trên. Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật đã bị đánh bại về mặt quân sự và bị chiếm đóng. Điều này cho phép các lực lượng chiếm đóng loại bỏ và vô hiệu hóa các chủ nghĩa bành trướng và tái xây dựng hệ thống chính trị Đức và Nhật để ngăn chặn chúng trở lại.

Mỹ đã định nghĩa cuộc chiến với IS không phải là chiến tranh nơi mà lối thoát là một chiến thắng quyết định, thay vào đó là việc quản lý đe dọa trong dài hạn.

Tuy nhiên, việc chống nổi dậy là hoàn toàn khác. Mỹ không hoàn toàn kiểm soát trên thực địa và không thể bảo đảm cả ba yếu tố nêu trên được thực hiện đầy đủ. Mỹ có thể đánh bại các lực lượng quân sự kẻ thù nhưng không đủ sức để triệt tiêu được chủ nghĩa cực đoan hay thay đổi các điều kiện đã sinh ra chủ nghĩa cực đoan này.

Đó chính xác là tình hình tại Iraq và Syria hiện nay: Bước một cơ bản đã hoàn thành, nhưng bước hai và bước ba là chưa.

Ngay lúc này Mỹ phải quyết định liệu việc nước này tuyên bố đã đánh bại IS có gây ra vấn đề cho tương lai hay không? Liệu việc Mỹ đã phá hủy và làm suy yếu IS có đủ để làm tổ chức này không thể hồi sinh hay không? Nếu Mỹ không đưa ra được câu trả lời chính xác, có thể sẽ phải chịu hậu quả.

Trong khi các phương thức tấn công khủng bố tàn bạo của IS đã tạo cảm hứng cho một số công dân Mỹ làm theo thì logic chiến lược can dự của Mỹ là dựa vào niềm tin rằng nếu IS vẫn còn giữ được lãnh thổ nhà nước tự xưng, IS sẽ mạnh lên và kích động thêm chủ nghĩa khủng bố, một số vụ tấn công khủng bố sẽ nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở nước ngoài hoặc thậm chí bên trong nước Mỹ.

Như cựu Tổng thống George W. Bush đã khẳng định khi đánh giá về cuộc xâm lược Iraq năm 2003: "Chúng ta sẽ đánh chúng ở đó để không phải đối mặt với chúng tại Mỹ."

Thậm chí nếu lời khẳng định này là sự thật, mặc dù vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, thì nó cũng không còn tồn tại nữa. Các lực lượng địa phương tại Trung Đông, kể cả các lực lượng chính phủ và các nhóm dân binh như Các lực lượng dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn, không đủ khả năng ngăn cản IS tái trỗi dậy.

Các lực lượng này cũng không đủ khả năng ngăn chặn IS tấn công các mục tiêu của Mỹ. Mỹ không thể tuyên bố đã đánh bại IS để rồi phải chịu những hậu quả chiến lược.

Đó là lý do Mỹ không nên xem cuộc chiến chống IS như một cuộc chiến thông thường, tức thắng lợi quân sự đơn thuần đã đánh bại hoàn toàn kẻ thù, thay vào đó Mỹ phải có chính sách quản lý thách thức trong dài hạn.

Mỹ nên tiếp tục hậu thuẫn các đối tác chống khủng bố là nhà nước và các nhóm dân binh trên thực địa, bảo đảm rằng các lực lượng này hoàn toàn vượt trội về quân sự so với các lực lượng khủng bố.

Mỹ nên yêu cầu các đối tác giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội đang tạo điều kiện cho IS phát triển, trong khi ngăn chặn các đối tác này chuyển đổi sang hệ thống có lợi cho IS. Nhưng rộng hơn, Trump đã sai: IS chưa bị đánh bại. Các thách thức vẫn đang diễn ra.

Can dự lâu dài của Mỹ tại Iraq từ năm 2003 và hiện nay là tại Syria cho thấy Washington không thể thay đổi căn bản hệ thống sinh thái của chủ nghĩa cực đoan. IS hoặc các tổ chức tương tự sẽ sống sót.

Lý tưởng cực đoan của chúng sẽ tiếp tục sống và tìm cách phát triển khi có khoảng trống quyền lực và trong các góc khuất của Internet, chúng tiếp tục kích động tấn công khủng bố mà không phụ thuộc vào tình hình tại Syria và Iraq, không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì mà Mỹ "đã làm ở đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục