Cổ phần hóa giáo dục, học sinh được lợi gì?

Bộ Tài chính vừa ban hành Dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, trong đó có lĩnh vực giáo dục–đào tạo. Là những người sẽ trực tiếp chịu tác động của việc cổ phần hay không cổ phần hóa lĩnh vực này, lợi ích của học sinh, sinh viên sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Bộ Tài chính vừa ban hành Dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, trong đó có lĩnh vực giáo dục–đào tạo. Là những người sẽ trực tiếp chịu tác động của việc cổ phần hay không cổ phần hóa lĩnh vực này, lợi ích của học sinh, sinh viên sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội: Sinh viên sẽ được học với giá hợp lý hơn

Không nên hiểu cổ phần hóa là không tốt. Trên thế giới có nhiều trường cổ phần hóa rất nổi tiếng như Harvard. Chúng ta đã có các trường tư thục, dân lập, và vẫn quản lý tốt. Vậy tại sao lại e ngại về vấn đề cổ phần hóa? Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực của toàn xã hội để phát triển giáo dục.

Khi cổ phần hóa, mức chi phí cho học tập của sinh viên có thể sẽ không tăng mà còn giảm vì lúc này có sự tác động của kinh tế thị trường với quy luật cạnh tranh mạnh mẽ giữa các đơn vị đào tạo. Chất lượng giáo dục sẽ cao hơn và giá cả hợp lý hơn. Sinh viên được quyền lựa chọn.

Mặt khác, khi có sự tham gia của các đơn vị khác thì điều kiện về vốn sẽ tăng lên, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị học tập được cải thiện. Điều kiện chi trả cho giảng viên cũng tốt hơn. Vì thế, chất lượng học tập cũng sẽ cao hơn. Chưa kể, sự tham gia của các doanh nghiệp cũng là một cơ hội để tạo đầu ra cho trường, cơ hội việc làm cho sinh viên. Sinh viên có thể thực tập, làm việc cho chính các doanh nghiệp đó.

Vấn đề cơ bản là phải tính kỹ về tỷ lệ góp vốn là bao nhiêu? Nhà nước phải nắm ưu thế, nếu không sẽ khó kiểm soát về định hướng đào tạo, nhất là trong khi giáo dục là một ưu việt của chế độ ta.

Việc lựa chọn đối tác cũng hết sức quan trọng. Giáo dục là loại hàng hóa đặc thù, gắn với con người, với xã hội nên không thể áp dụng như với các doanh nghiệp. Những người tham gia cổ phần hóa phải lấy phi lợi nhuận là trên hết, đề cao tính nhân văn, là người tâm huyết, lấy động lực phát triển xã hội làm mục tiêu.

Bên cạnh đó, cổ phần cũng cần có lộ trình. Trước tiên thí điểm một số trường có đủ điều kiện. Ở mỗi trường, nên cổ phần từng bộ phận như các viện nghiên cứu, các công ty... trước đã. Ngoài ra chúng ta cũng nên tạo ra những cơ chế, thể chế để giám sát, định hướng, phát triển giáo dục như hội đồng trường, ủy ban giám sát giáo dục quốc gia để nền giáo dục thực sự phát triển trong mục tiêu phát triển bền vững quốc gia đúng với “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

GS.TS. Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương: Con nhà nghèo sẽ phải nghỉ học

Nhà nước cần phải duy trì trường công. Trường công là nơi con nhà nghèo nhưng có học lực tốt vẫn có thể theo học. Nếu cổ phần hóa, thương mại hóa thì học phí chắc chắn sẽ đắt, con em nhà nghèo làm sao học được?

Mức học phí hiện tại là 180.000 đồng/tháng. Mức học phí này với các gia đình ở vùng nông thôn, miền núi đã là một bài toán lớn. Trong khi đó, đây cũng là mức học phí không thể thấp hơn vì với con số này, mỗi năm chúng ta phải bù lỗ một khoản không nhỏ cho giáo dục. Cạnh tranh thì hiện nay giữa các trường cũng có nhiều sự cạnh tranh rồi. Khi cổ phần hóa, học phí làm sao giảm được mà chắc chắn sẽ phải tăng lên.

Hiện, các trường công lập rất khó khăn về tài chính nhưng nhà nước cũng đã có cơ chế mở như việc giao cho các trường được đào tạo thêm. Ví dụ như Đại học Ngoại thương được dành một nửa chỉ tiêu cho đào tạo ngoài, nhà trường được tự quyết định học phí theo giá cả thị trường. Đó là phần xã hội hóa, phần tạo ra nguồn lực cho các trường.

Cổ phần hóa sẽ gây nên rất nhiều tiêu cực cho giáo dục. Con em nhà nghèo không theo học được.

TS. Nguyễn Quang A: Đây là chủ trương xấu cho tuyệt đại học sinh

Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất sai lầm. Nó chỉ tốt cho con nhà giàu và xấu cho tuyệt đại đa số học sinh, sinh viên.

Doanh nghiệp là doanh nghiệp. Doanh nghiệp là phải gắn với lợi nhuận, nếu không sẽ bị phá sản, bị loại khỏi thương trường. Khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận thì mục tiêu đào tạo con người sẽ không còn là mục tiêu hàng đầu. Lúc đó sẽ gây tình trạng bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng. Ai có tiền thì học, ai không có tiền thì ra ngoài.

Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù mà ở đó, phải đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận cho tất cả mọi người. Nhà nước phải trả tiền cho trường nào đào tạo công dân cho mình, bất kể công lập hay dân lập.

Ở nước ngoài người ta có trường tư và họ làm tốt, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và thường không có những con người cụ thể nào là ông chủ. Đó là do nhà nước họ có những chính sách khuyến khích người dân như các ưu đãi về thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế thừa kế… Nước ta không có các cơ chế đó.

Cần phải suy ngẫm lại, bàn bạc kỹ về chủ trương này vì động tới giáo dục là động tới chuyện của hàng trăm năm, tác động tới hàng triệu người. Đừng vội nghĩ rằng cổ phần hóa là đổi mới hay cách tân. Cơ chế thị trường có thể làm cho trường học phát triển hơn nhưng trường học, bảo tàng không thể hoạt động theo cơ chế thị trường. Cổ phần hóa các trường học sẽ làm méo mó trầm trọng hệ thống giáo dục đang rất cần phải cải cách. Nếu đây là một bước cải cách thì là một bước cải cách theo hướng sai lầm./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục