Có thể giảm tỉ lệ bệnh mãn tính với chi phí thấp

Theo WHO, các quốc gia nghèo có thể áp dụng nhiều biện pháp với chi phí thấp nhằm ngăn chặn những căn bệnh đe dọa tới sinh mạng.

Nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO), công bố ngày 18/9, trước thềm hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về các bệnh mãn tính hay không lây nhiễm (NCDs) lần thứ nhất, cho biết các nước nghèo có thể áp dụng những biện pháp nhằm ngăn ngừa và điều trị hàng triệu ca mắc các bệnh ung thư, tim, tiểu đường và bệnh phổi với chi phí thấp, chỉ vào khoảng 1,20 USD/ người /năm.

Các bệnh không lây nhiễm thường được cho là bệnh ở các nước giàu, nơi mà việc tiêu thụ các loại thức ăn nhiều chất béo, lối sống ít vận động, hút thuốc lá và uống đồ uống có cồn, đã trở thành một phần của cuộc sống thường ngày đối với nhiều người.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, các nhân tố tiềm ẩn nguy cơ và bệnh tật đã trở nên quá phổ biến ở các nước nghèo, nơi việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế bị hạn chế, kiến thức và các biện pháp phòng ngừa thiếu đồng bộ.

WHO cho biết thay vì các phương pháp điều trị với chi phí cao, có nguy cơ làm phá sản hệ thống y tế, chính phủ các quốc gia nghèo có thể áp dụng nhiều biện pháp với chi phí thấp nhằm ngăn chặn những căn bệnh đe dọa tới sinh mạng.

Các khuyến cáo của WHO bao gồm những biện pháp hướng tới toàn dân, gồm đánh thuế các loại rượu bia, thuốc lá; cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và các địa điểm công cộng; vận động giảm lượng muối và chất béo chuyển đổi trong đồ ăn; phát động các chương trình nâng cao ý thức của cộng đồng về tăng cường chế độ ăn kiêng và các hoạt động rèn luyện thể chất.

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán bằng hình ảnh, tư vấn và điều trị cho những người có nguy cơ mắc bệnh tim, chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung và tiêm ngừa bệnh viêm gan B nhằm ngăn ngừa ung thư gan cũng là những biện pháp rất quan trọng.

Các bệnh không lây nhiễm như đau tim và đột quỵ, ung thư, tiểu đường và các bệnh đường hô hấp mãn tính, cướp đi sinh mạng của 36 triệu người/ năm, chiếm tới 63% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.

WHO dự đoán trong hai thập niên tiếp theo, số ca tử vong vì các bệnh NCD có thể tăng lên 52 triệu người/năm vào năm 2030.

Theo Tổ chức y tế thế giới, việc thực hiện các biện pháp nói trên có thể cứu sống hàng triệu người trong 15 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục