Cổ vật quá khứ: Khẳng định chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa

Hàng loạt các tấm bản đồ lãnh thổ Việt Nam thời phong kiến đều xác nhận chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng và Trường Sa, với tên gọi cổ là Bãi Cát Vàng.

Đây là hình ảnh của hàng loạt các tấm bản đồ lãnh thổ Việt Nam thời phong kiến, do các triều đại Việt Nam và các nhà hàng hải quốc tế ghi chép.

Tất cả đều xác nhận chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng và Trường Sa, với tên gọi cổ là Bãi Cát Vàng.

Đối lập, là bộ sưu tập các bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc, không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tất cả đều chỉ rõ, cương vực của Trung Hoa chỉ kéo dài đến hết đảo Hải Nam, không hề bao gồm hai quần đảo của Việt Nam.

Như vậy, những bằng chứng xác đáng về chủ quyền biển đảo quê hương, đã tồn tại từ hàng trăm năm trước.

"Biển đông vạn dặm dang tay giữ

Đất Việt muôn năm vững trị bình"

Những câu thơ của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm như những lời căn dặn sắt đá về ý thức chủ quyền dân tộc tới con dân đất Việt.

Hai câu thơ đầy tính dự báo chiến lược của vị danh nhân đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt nơi biển đảo quê hương đối với vận mệnh dân tộc, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

[Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa]

Tư liệu sớm nhất của Việt Nam ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa là Toản Tập thiên nam tứ chí lộ Đồ thư, xuất bản năm 1686 thời Hậu Lê.

Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, dựng đứng giữa biển.

Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để ở nơi đó,…

Từ đây, địa danh Bãi Cát Vàng dần trở thành một phần không thể thiếu của lãnh thổ Việt Nam, xuất hiện trong hành loạt các bản đồ về sau.

Năm 1838, Quốc sử quán triều Nguyễn đã xác danh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ấn định vị trí chính thức trong Đại Nam nhất thống Toàn Đồ.

Đặc biệt, 19 tập Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng lịch sử khẳng định việc Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hệ thống Di sản này mang tầm quốc tế, với Châu phê của Hoàng đế và dấu ấn của vương triều, có giá trị lịch sử và pháp lý không thể chối cãi.

Từ thời chúa Nguyễn, Hải đội Hoàng sa kiêm quản Bắc hải đã tiến ra Hoàng Sa, khai thác sản vật, đo đạc, vẽ bản đồ, cắm dấu mốc xác lập chủ quyền tại đây.

Với những kỳ tích đó, các vua nhà Nguyễn đã ban sắc truy phong cho những Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và cho những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là những “Hùng binh Hoàng Sa.”

Như vậy, các nguồn tư liệu phong phú trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc, chứng tỏ từ thế kỷ XVII, Việt Nam là nước chiếm hữu và thực thi chủ quyền thực sự, liên tục, hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là hành động xâm phạm trái phép chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam./.

(Vietnam+)