Với việc áp dụng quy định thiếu linh hoạt gây ùn tắc tại các chốt kiểm soát, quy định khác nhau về giấy xét nghiệm và thời hạn hiệu lực xét nghiệm... đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều trở ngại từ khâu xin cấp phép lưu thông đến thực tế trên đường.
Vậy cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những giải pháp gì để cởi bỏ nút thắt trong lưu thông vận tải hàng hóa giữa các tỉnh, thành do ảnh hưởng của dịch COVID-19?
Chưa nhất quán kiểm soát lái xe vận tải
Tại buổi Tọa đàm “Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do COVID-19 cách nào?” do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 26/7, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, khâu vận tải hàng hoá lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên.
“Vận tải hàng hoá hiện vẫn có thể hoạt động được nhưng sản lượng cũng như chi phí tăng lên. Đặc biệt, điều kiện làm việc của đội ngũ lái xe cũng rất khó khăn do phải thực hiện quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi từ địa phương vùng dịch,” ông Quyền cho hay.
Đồng tình, ông Trần Đức Nghĩa-Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho hay trong thời gian vừa qua, khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến lưu thông hoạt động vận tải.
“Chưa kể, các địa phương chưa nhất quán về cách kiểm soát, khác biệt trong quy định phòng chống dịch bệnh liên quan tới thời hạn và cách thức test COVID-19 với lái xe. Khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh gây lúng túng cho doanh nghiệp,” ông Nghĩa ngao ngán nói.
[Nghiên cứu áp dụng thống nhất kiểm soát y tế với lái xe vận tải]
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhìn nhận mặc dù các địa phương vừa qua đã có cách làm sáng tạo như “luồng xanh” của Bộ Giao thông Vận tải, song cũng có một số địa phương đang làm quá chặt hoặc làm chậm, áp dụng quá máy móc trong chống dịch COVID-19.
Đơn cử như việc xét nghiệm test COVID-19 nhanh, có địa phương chỉ công nhận giấy xét nghiệm trong vòng 24 giờ (trong khi quy định của Bộ Y tế là 72 giờ). Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương chấp nhận test nhanh vì PCR cho kết quả chính xác nhưng mất thời gian, gây ách tắc giao thông. Do đó, các nơi nên áp dụng đồng bộ 72 giờ, không nên mỗi nơi một cách.
Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thái Việt Trung lại phân tích khó khăn nhất của doanh nghiệp là test COVID, không chỉ các tỉnh mà nhà máy cũng đều yêu cầu test PCR rất phức tạp và tốn kém.
“Vấn đề là làm sao có giải pháp thống nhất việc xét nghiệm COVID bằng việc thống nhất thời hạn, quy trình test và hoạt động của lái xe, không chỉ cấp luồng xanh cho phương tiện mà còn có cả luồng xanh cho con người. Như vậy, mới đảm bảo nguồn lực lao động chứ nếu chỉ có phương tiện mà không có con người thì cũng khó có thể hoạt động,” ông Hào nêu ý kiến.
Sớm có quy định tạm thời về vận tải cho các địa phương
Trên cơ sở này, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị các cơ quan chức năng nên ngồi lại với nhau kết nối phần mềm chống dịch hiện tại như khaibaoyte, bluezone, mã QR luồng xanh… có thể áp dụng công nghệ thông tin để phân luồng tự động. Tại mỗi chốt có thể biết xe phân luồng nào đi qua để kiểm tra phương tiện và người lái chưa được gắn mã chứ không phải xe nào đi qua cũng kiểm tra, gây tình trạng ách tắc.
Để đảm bảo cho lực lượng lái xe, đảm bảo lưu thông hàng hoá thiết yếu và xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp kỳ vọng Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lái xe để bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa của nền kinh tế.
Theo ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, các xe đang được lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng, không còn ùn tắc giao thông và nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp, lái xe. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh, Hải Phòng có những cách làm riêng, thay đổi trong quá trình thực hiện phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Cụ thể, Hải Phòng đã ban hành 3 loại thẻ nhận diện và hiện nay không có hiện tượng ùn tắc trên địa bàn. Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe, bãi xe bố trí nơi xét nghiệm COVID-19 và trả kết quả ngay trong vòng không quá 20 phút, thuận lợi cho lái xe, phụ xe, những người thực hiện nhiệm vụ lưu thông hàng hoá đồng thời vận động các doanh nghiệp bố trí cho lái xe, phụ xe ở tập trung, không đi ra ngoài cộng đồng để hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đề xuất các địa phương ngay từ bây giờ cần lên phương án khi kịch bản xấu nhất xảy ra, bởi trong thời gian ngắn doanh nghiệp có thể chia sẻ nhưng về lâu dài sẽ phải điều chỉnh để không gây đứt gãy hoạt động sản xuất và lưu thông.
[Kiến nghị thực hiện quy tắc vận tải an toàn phòng dịch COVID-19]
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục đang xây dựng quy trình vận chuyển hàng hoá là vấn đề ưu tiên và phải xây dựng một cách bài bản trên tinh thần kiểm soát an toàn và kiểm soát rủi ro. Doanh nghiệp phải có kế hoạch trước, kể cả điểm dừng cũng phải có kế hoạch, phương án cụ thể. Với những vùng dịch phức tạp, doanh nghiệp có thể đổi lái xe để chuyến xe đảm bảo an toàn và lưu thông thông suốt.
“Các giải pháp trên đều có những rủi ro nhất định, nhưng phải nỗ lực làm sao để hạn chế ở mức thấp nhất. Xét nghiệm cũng chỉ có hiệu quả trong phạm vi và thời điểm nhất định, phương án chính vẫn phải là bảo vệ, phòng ngừa của lái xe, từ thực hiện 5K, tiêm vaccine, xét nghiệm…,” bà Hiền nói.
Hiện Tổng cục Đường bộ đang soạn thảo quy định tạm thời về vận tải cho các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16 cũng như phòng chống dịch bệnh. Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế hướng dẫn tài xế, Tổng cục cũng hướng dẫn những việc tài xế phải làm trước, trong và sau mỗi chuyến đi.
“Quy định tạm thời này đang được nghiên cứu gấp rút để các địa phương có hành lang pháp lý thống nhất để đảm bảo hành lang vận tải thông suốt, đảm bảo phòng chống dịch,” bà Hiền khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh hệ thống phần mềm thực hiện đăng ký "luồng xanh" của Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn lỗi khiến họ khó nộp hồ sơ để xin cấp giấy nhận diện, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa tới địa phương.
Hiện nay, trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ và theo báo cáo từ các Sở Giao thông Vận tải địa phương, cả nước đã cấp gần 55.000 phương tiện lưu thông bằng giấy nhận diện luồng xanh. Tổng cục Đường bộ đang nỗ lực để triển khai thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và lái xe.
Tổng cục Đường bộ cũng đã là việc với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để mã hoá cấp thẻ nhận diện để đồng bộ với mã QR xét nghiệm, mã QR tiêm vaccine.
Hiện, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bộ mã QR này trên kho dữ liệu mã QR chung quốc gia để chúng ta có một hệ thống mã QR quốc gia cho hoạt động vận tải cũng như quản lý lái xe./.