Bess là một con mèo giống Maine Coon, nặng 10kg. Để giảm bớt cơn đau khớp của thú cưng 11 tuổi này, chủ của Bess đưa "cô mèo" này đến Bệnh viện Động vật hữu nghị, một địa chỉ khám thú y danh tiếng ở thủ đô Washington (Mỹ).
Buổi thủy trị liệu của Bess tại đây chỉ kéo dài 17 phút nhưng hứa hẹn mang lại kết quả tuyệt vời cho các "bệnh nhân" bị viêm khớp. Ngoài các phương pháp điều trị thú y truyền thống, phòng khám này còn thực hiện cả những hình thức trị liệu tưởng chừng như chỉ dành riêng cho con người, như châm cứu và siêu âm trị liệu.
Thú cưng đang ngày càng được coi là những thành viên gia đình chính hiệu. Người Mỹ, đặc biệt là những người dân sống ở thủ đô, thường tìm kiếm dịch vụ chăm sóc thú cưng tốt nhất hiện có.
Cô Christine Klippen - một trong 63 bác sỹ thú y làm việc tại phòng khám này - cũng thừa nhận cô tự xem mình là cha mẹ của "những đứa trẻ lông xù."
[Người dân Trung Quốc "đốt" hơn 20 tỷ USD mỗi năm cho dịch vụ thú cưng]
Theo ông Steve King - người đứng đầu Hiệp hội Các sản phẩm vật nuôi Mỹ (APPA), nước này hiện có 84,9 triệu hộ gia đình (khoảng 68% dân số Mỹ) nuôi thú trong nhà.
Trong năm ngoái, chi tiêu của người Mỹ cho vật nuôi đạt mức kỷ lục 72,6 tỷ USD và APPA dự kiến con số này sẽ tăng lên 75,4 tỷ USD vào năm 2019. Chăm sóc sức khỏe là hạng mục chi tiêu có mức tăng nhanh nhất, khi ngày càng nhiều chủ vật nuôi tìm hiểu về các phương pháp trị liệu để cải thiện thể chất thú cưng của mình.
Các mức phí trị liệu cho vật nuôi thường không hề rẻ. Ví dụ, một buổi thủy trị liệu 20 phút của Bella có giá lên tới 89 USD và tiếp đó là 15 phút trị liệu bằng laser với mức phí 65 USD - một liệu trình như vậy sẽ kéo dài trong một năm.
Đổi lại, khoa học đã chứng minh rằng chủ sở hữu vật nuôi là những người khỏe mạnh hơn những người khác, cả về thể chất lẫn tinh thần, giảm tối đa các nguy cơ mắc chứng tự kỷ, mất trí nhớ và bệnh tim mạch.
Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy việc nuôi chó hoặc mèo trong nhà cũng sẽ giúp giảm chứng cao huyết áp ở người cao tuổi và giảm chứng dị ứng ở trẻ em./.