COMEUP 2022: Các startup nào được truyền thông trao giải xuất sắc?

Các hãng truyền thông toàn cầu đã chọn và trao giải xuất sắc cho các công ty tham dự sự kiện COMEUP 2022 ở Hàn Quốc.
COMEUP 2022: Các startup nào được truyền thông trao giải xuất sắc? ảnh 1Ông Joseph Choe (áo cam), Tổng biên tập AVING News, chụp ảnh kỷ niệm cùng đại diện Storelink và AIRS Medical. (Nguồn:AVING News)

Trong khuôn khổ sự kiện COMEUP 2022 diễn ra tại Dongdaemun Design Plaza, Seoul từ ngày 9/11 đến 11/11 vừa qua, truyền thông toàn cầu đã chọn các công ty khởi nghiệp (startup) xuất sắc để trao các giải thưởng ‘Best of COMEUP 2022, Global Media Awards’.

Theo đó, các startup được lựa chọn bởi các cơ quan truyền thông gồm AVING News (Tổng biên tập Jihoon Choi, Hàn Quốc), VietnamPlus (Võ Hoàng Long, Việt Nam), GadgetTouch (Ayano Tominaga & Ten Ebihara, Nhật Bản), Le Café du Geek ( Leo Thevenet, Pháp) và TechCrunch (Kate Park, Mỹ), có cân nhắc tới các yếu tố phản hồi từ khách tham quan, tiềm năng thị trường và tính đổi mới trong công nghệ.

Có tổng cộng 70 startup lọt vào vòng chung kết và được các cơ quan truyền thông kể trên lựa chọn ra những đại diện xuất sắc nhất (mỗi cơ quan chọn hai startup) để trao giải sau các cuộc phỏng vấn và đánh giá trực tiếp. Thông tin về hoạt động trao giải cũng được đăng tải trên truyền thông Hàn Quốc và hải ngoại.

Chung cuộc, AIRS MEDICAL và Storelink được đại diện truyền thông Hàn Quốc lựa chọn, trong khi đại diện Nhật Bản chọn các công ty Galaxy Corporation và PLANA, đại diện Pháp chọn Metatexture và TeamSparta, đại diện Việt Nam chọn AIMS và Flipper Corporation trong khi đại diện Mỹ chọn SqueezeBits và Covering.

AIRS MEDICAL là một startup trong lĩnh vực y tế được thành lập vào năm 2018 và đang phát triển, cung cấp các giải pháp y tế dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) trong bối cảnh có sự dịch chuyển mô hình trong thị trường chăm sóc sức khỏe.

Tiềm năng của công ty đã được công nhận, dẫn đến việc họ thu hút thành công các khoản đầu tư trị giá 25,3 tỷ won trong vòng gọi vốn Series B vào tháng 7 năm nay. Tổng cộng họ đã tích lũy được 33,9 tỷ won tiền đầu tư, tính đến nay.

AIRS MEDICAL giải thích rằng để đáp ứng các kỳ vọng đặt lên mình, công ty sẽ vượt qua các hạn chế của những dịch vụ y tế đang tồn tại thông qua việc phát triển và ứng dụng các công nghệ ngăn chặn chủ động, qua đó đóng góp nâng cao chất lượng cuộc sống con người bằng việc hiện thực hóa khái niệm "Sức khỏe có thể đoán trước được."

Giải pháp đầu tiên AIRS MEDICAL đưa ra để đạt mục tiêu này là SwiftMR. Đây là một phần mềm dựa trên AI sẽ biến các hình ảnh chất lượng thấp thu được sau khi chụp cộng hưởng từ (MRI) thành ảnh chất lượng cao, mà vẫn đảm bảo độ rõ ràng và độ tin cậy cao thông qua công nghệ học sâu.

Bởi SwiftMR còn được cung cấp dưới dạng SaaS (Hệ thống như một dịch vụ) thông qua nền tảng đám mây, giải pháp này có thể được sử dụng ngay lập tức do phần mềm ứng dụng được trên các thiết bị MRI đang có.

Ngoài ra, hệ thống xử lý hình ảnh thông qua việc gửi hình ảnh đi dưới dạng PACS (hệ thống lưu trữ và liên lạc hình ảnh) và DICOM (hình ảnh và liên lạc số trong y học) nên sẽ đảm bảo sự tiện lợi cho các nhân viên y tế, do không gây ảnh hưởng tới công việc hiện có của họ. Trải nghiệm sử dụng dịch vụ MRI của bệnh nhân cũng được nâng cao nhờ giải pháp này, làm giảm thời gian chờ và giúp hoạt động chẩn đoán bệnh diễn ra nhanh hơn.

Storelink là một startup vừa thành lập vào tháng 4/2020, chuyên cung cấp các giải pháp marketing dựa trên phân tích dữ liệu thị trường. Công ty đã có 100.000 thành viên đang hoạt động trong ngành thương mại điện tử sử dụng dịch vụ của họ chỉ sau 2 năm hoạt động. Điều này diễn ra nhờ khả năng phân tích dữ liệu chuẩn xác, khả năng ứng dụng dữ liệu cũng như nền tảng tự động hóa của công ty. Công ty đã đạt doanh số bán hàng lên tới 20 tỷ won và gọi vốn được tổng cộng 11 tỷ won.

Phần chính trong giải pháp tiếp thị của Storelink là phân tích dữ liệu thị trường mở và xác định xem người tiêu dùng đang tìm kiếm, mua sắm các sản phẩm gì. Người bán hàng sẽ dựa vào thông tin này để thực hiện các quyết định quan trọng nhằm thảo mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Họ cũng có thể theo dõi kết quả do quyết định của mình đưa ra theo thời gian thực.

Dù hoạt động marketing của thương mại điện tử hiện tập trung vào các trung gian chuyên quảng cáo như cổng thông tin và mạng xã hội, Storelink giải thích rằng công ty vẫn tìm ra được cách thức nhanh và dễ hơn để nâng cao chất lượng marketing, thông qua việc phân tích hơn 80 mẫu mua sắm từ thị trường mở. Dựa vào đó, nền tảng của công ty được phát triển để cho phép người bán hàng thương mại điện tử hình thành các chiến lược hiệu quả và thành công hơn.

Công ty gần đây mới giới thiệu thương hiệu Leav do họ mới phát triển và đưa vào hoạt động tại Nhật Bản và đã lập tức tăng doanh số lên 1.200% chỉ trong 2 tháng. Kết quả là dịch vụ phân tích thị trường mở của công ty ở nước ngoài được thiết lập thành công.

Một phát ngôn của Storelink cho biết tới giữa năm sau, công ty có kế hoạch mở rộng dịch vụ để khách hàng có thể quản lý và phân tích sản phẩm theo thời gian thực chỉ thông qua việc nhập vào một địa chỉ trang web. Công ty sẽ biến sản phẩm của mình thành công cụ có độ chính xác rất cao mà ai cũng muốn dùng, thông qua việc bổ sung thêm các dịch vụ và chức năng mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

COMEUP 2022: Các startup nào được truyền thông trao giải xuất sắc? ảnh 2Các phóng viên AyanoTominaga và Ten Ebihara của GadgetTouch chụp ảnh cùng đại diện Galaxy Corporation và PLANA. (Nguồn:AVING News)

Galaxy Corporation là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vũ trụ ảo (metaverse). Công ty đang làm việc trên hầu hết các lĩnh vực có thể thực hiện với nội dung metaverse như hình đại diện và nhân vật đại diện.

Điều khiến Galaxy nổi bật là công ty đang sở hữu nhiều IP hình đại diện của người nổi tiếng. Tài sản này đã được sử dụng trong show âm nhạc dựa trên AI có thời lượng đầy đủ. Chương trình lấy ý tưởng từ việc biến ước mơ của những người nổi tiếng thành hiện thực. Ví dụ, công nghệ của Galaxy được sử dụng để tăng chiều cao của một ca sĩ lên 3m, hay mang một con hươu cao cổ lên sân khấu, hay biểu diễn chung với một nghệ sĩ đã khuất.

Galaxy Corporation cũng đang tích cực sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội mới như TikTok, ra mắt hình đại diện và tham gia vào các nền tảng quản lý, sản xuất nội dung và thương mại. Công ty hiện đang đầu tư rất nhiều vào phát triển nội dung và có kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp hình ảnh đại diện lên một tầm cao mới trong năm tới.

PLANA mới chỉ được thành lập vào năm ngoái, với mục tiêu chế tạo ra những chiếc taxi bay - về cơ bản là các máy bay có thể thực hiện các hành trình từ vừa tới dài tại đô thị.

PLANA đang phát triển một chiếc máy bay có khả năng bay hơn 500 km, với tốc độ hành trình 300 km/h và tốc độ tối đa 350 km/h. Máy bay sẽ có 1 phi công, đủ khả năng chở theo từ 4 đến 6 khách hàng.

Do máy bay có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng, nó sẽ không cần đường băng để hoạt động. Nó cũng có thể bay lên và đáp xuống bất cứ nơi nào trong một thành phố, qua đó tránh được tình trạng tắc nghẽn giao thông ở đô thị.

Phương tiện bay của công ty cũng thân thiện với môi trường do chỉ sử dụng điện để hoạt động. Công ty đã gọi vốn thành công số tiền 11,8 tỷ won vào tháng 10 năm nay. Một quan chức của PLANA cho biết công ty có kế hoạch triển khai dịch vụ trong năm 2028.

Metatexture là một startup trong ngành công nghệ thực phẩm, chuyên phát triển các loại thực phẩm thay thế sử dụng nguyên liệu từ Hàn Quốc. Trong bối cảnh thị trường protein thay thế toàn cầu tiếp tục mở rộng nhanh, công ty muốn đón đầu xu hướng và giới thiệu các sản phẩm này tại Hàn Quốc, nơi tốc độ đón nhận vẫn chậm hơn so với nước ngoài.

Sản phẩm đầu tay của công ty là Sweet Egg - một loại trứng nhân tạo thay thế trứng thật. Công ty giải thích rằng muốn phát triển một loại trứng thay thế chỉ sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, để giải quyết những quan ngại liên quan tới ngành chăn nuôi gia cầm, cũng như để phòng ngừa các căn bệnh xuất phát từ loài này, như cúm gia cầm.

Sweet Egg là một công nghệ cốt lõi của Metatexture. Đặc điểm lớn nhất là nó có kết cấu tương tự như kết cấu của những quả trứng hiện có. Bằng cách định lượng các dữ liệu khác nhau, được tạo ra khi nhai trứng bằng răng, công ty đã thành công trong việc tái tạo kết cấu của lòng trắng trứng nhân tạo giống đến 80% so với kết cấu lòng trắng trứng thật.

Công ty cũng nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, bằng cách đa dạng hóa các phương thức sản xuất và chế biến. Ví dụ ngoài trứng luộc nguyên quả, công ty còn có bột trứng, lòng trắng trứng nhân tạo và kem trứng. Metatexture nói rằng các sản phẩm của họ có thể được sử dụng để làm ra nhiều sản phẩm khác như bánh kẹp trứng mayo, trứng rán, trứng cuộn và bánh kem trứng.

Metatexture chính thức tung sản phẩm của công ty ra thị trường trong tháng 11 này, sau 2 năm nghiên cứu phát triển. Công ty đang gọi vốn trên nền tảng Wadiz cũng như các kênh khác.

COMEUP 2022: Các startup nào được truyền thông trao giải xuất sắc? ảnh 3Ông Leo Thevenet, Tổng biên tập Le Café du Geek, chụp ảnh cùng đại diện Metatexture và TeamSparta. (Nguồn:AVING News)

TeamSparta điều hành ‘Sparta Coding Club’, nơi cung cấp các bài giảng về viết mã (coding) trực tuyến và ‘Port 99’, một điểm huấn luyện coding từ cơ bản, ‘Chang’, một trung tâm hướng dẫn startup và ‘Intellipick’, một nền tảng hỗ trợ tuyển dụng. Tất cả để giúp phát triển các tài năng về công nghệ phần mềm.

Thành tựu của công ty đã được ghi nhận, dẫn đến việc họ được chọn tham gia Samsung C-Lab Outside vào đầu năm và thu hút được 13 tỷ won trong vòng gọi vốn Serie A hồi tháng 2 năm ngoái.

‘Sparta Coding Club’ được trao giải nhất hạng mục giáo dục coding tại giải ‘Thương hiệu của năm 2022’, được tổ chức bởi Hội đồng khách hàng vào tháng 9. Sau khi đạt doanh thu 10,5 tỷ won vào năm ngoái, công ty tiếp tục cán mốc 10 tỷ won chỉ trong nửa đầu năm nay và đang đặt mục tiêu đạt doanh thu 30 tỷ won vào cuối năm.

Sparta Coding Club có tỷ lệ hoàn thành bài học cao, đạt 85,5%. Nhu cầu củng cố năng lực phần mềm của học viên và nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây khiến số lượng học viên tốt nghiệp bài học viết mã của công ty cũng đang tăng lên nhanh chóng.

Kể từ2020, TeamSparta đã tiến hành các bài học coding phù hợp cho học viên tới từ các ngành khác nhau, chẳng hạn như lĩnh vực tài chính, công ty khởi nghiệp và các tập đoàn CNTT nổi tiếng như Woowa Bros và Kakao. Các công ty và tổ chức mà họ hiện đang hợp tác bao gồm Ngân hàng Hàn Quốc, Quản lý tài sản giá trị đầu tư Hàn Quốc, Vốn đầu tư Hàn Quốc, GS, Tập đoàn tư vấn Boston và Trung tâm đổi mới và kinh tế sáng tạo Gyeongnam.

TeamSparta cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong tương lai và sẽ mang ‘Sparta Coding Club’ tới thị trường Bắc Mỹ.

COMEUP 2022: Các startup nào được truyền thông trao giải xuất sắc? ảnh 4Đại diện VietnamPlus chụp ảnh cùng đại diện AIMS và Flipper Corporation. (Nguồn: AVING NEWS)

AIMS được thành lập vào tháng 7/2018 và hoạt động của công ty tập trung vào việc phát triển các hệ thống sạc pin có thể thay thế dành cho các loại xe điện hai bánh. Công ty phát triển sản phẩm trong 3 năm, trước khi hoàn thành một mẫu thử nghiệm và triển khai dịch vụ vào tháng 7/2021.

Hiện công ty đã lắp đặt khoảng 40 trạm sạc pin có thể hoán đổi trên toàn quốc, chú trọng phục vụ các công ty giao hàng cũng như khách hàng phổ thông. Ngoài ra, mẫu xe tay ga chạy điện của họ, mang tên LEO, đã được Bộ Môi trường Hàn Quốc chọn vào dự án trợ cấp của chính phủ trong các năm 2021 và 2022, với tổng số lượng xe được bán là 400 chiếc. Công ty cũng đã có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang Nam Mỹ và Châu Âu, sau khi đặt ra mục tiêu lắp hơn 100 trạm sạc trong năm nay.

Một người phát ngôn của AIMS giải thích: “Chúng tôi phát triển dịch vụ sạc pin có thể thay thế, để tăng số lượng các loại xe hai bánh chạy bằng điện thân thiện với môi trường, qua đó giải quyết vấn đề ô nhiễm và tiếng ồn từ các loại xe hai bánh chạy bằng động cơ đốt trong. Chúng tôi đã cố gắng giải quyết trở ngại lớn nhất, đó là thời gian chạy xe điện thì ngắn trong khi thời gian sạc thì dài, thông qua hệ thống cho phép hoán đổi pin tại trạm sạc. Bằng cách này, chúng tôi đã phát triển được một giải pháp cho phép người dùng giảm đáng kể thời gian sạc pin,và cũng giải quyết các vấn đề an toàn khi sử dụng pin.”

Nền tảng pin có thể hoán đổi của AIMS mang tên NANU, có các cổng IoT trong từng cục pin, qua đó cho phép thu gom và giám sát thông tin liên quan tới pin theo thời gian thực.

AIMS cho biết một trong những thế mạnh trong các sản phẩm của công ty là thông tin sẽ được gửi đến khách hàng thông qua một ứng dụng cài trên điện thoại, vì thế khách hàng có thể nắm được thông tin một cách chính xác về cục pin và không phải lo gì về vấn đề an toàn. Ngoài ra, các trạm sạc có thể được lắp ở bất kỳ đâu gần với điện lưới 220v, làm tăng thêm độ tiện lợi.

Một phát ngôn viên của công ty bày tỏ hy vọng COMEUP là cơ hội để quảng bá dịch vụ của mình tới các nhà đầu tư và khách hàng và thu hút thêm vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Flipper Corporation là một startup cung cấp dịch vụ chế tạo ứng dụng (app) đặc biệt, cho phép người dùng tạo ra các loại app khác nhau mà không cần phải biết gì về viết mã và lập trình. Công ty đã được trao giải thưởng xuất sắc tại ‘Try Everything 2022’, một liên hoan startup toàn cầu tổ chức hồi tháng 9 vừa qua.

Tại COMEUP 2022, công ty thu hút sự chú ý của khách tham quan với ‘Hitbim’, một dịch vụ tạo app không cần coding. Hitbim là một nền tảng SaaS (Phần mềm như một dịch vụ) sẽ cho phép bất kỳ ai tạo ra app một cách nhanh chóng mà không cần phải biết coding.

Công ty giải thích rằng việc tạo app rất dễ dàng chỉ sau vài cú nhấp chuột, do Hitbim có hệ thống tạo app chạy trên JavaScript. Sau khi tạo xong, app có thể được tải xuống qua các nền tảng Google Play Store hoặc Apple App Store. Điều đặc biệt là app không chỉ được tạo ra một cách đơn giản trên Hitbim mà còn có chi phí bảo trì rất thấp và khả năng mở rộng tính năng tùy ý.

SqueezeBits là một startup được thành lập vào tháng 3/2022 bởi một đội ngũ từng nghiên cứu công nghệ nén dựa trên trí tuệ nhân tạo trong 6 năm tại POSTECH. Công ty hiện đang chuẩn bị triển khai bộ công cụ nén SaaS sẽ giúp nén các mô hình AI một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Bộ công cụ này cho phép những người không có kinh nghiệm có thể ứng dụng và thử các công nghệ có liên quan. Nó được phát triển dựa trên một công nghệ lượng tử hóa mô hình AI. Khi người dùng tải lên một mô hình AI, công cụ sẽ cho họ thấy mô hình này được cấu thành như thế nào và đưa ra các lựa chọn nén mô hình.

Hiện mô hình AI đã có thể được nén qua các phương thức lượng tử hóa và công ty cũng có kế hoạch thêm vào các chức năng nén khác trong tương lai.

Covering được thành lập vào năm 2020, là một công ty phát triển và điều hành dịch vụ thu gom rác thải tại nhà. Công ty đã được cấp giấy chứng nhận trình diễn năng lực vào ngày 20/9 năm ngoái và họ đã thành công trong việc biến hoạt động thu gom rác thải hộ gia đình thành một dịch vụ, điều chưa từng xảy ra trước đó.

Công ty đã triển khai ‘Recle’, một dịch vụ thu gom rác di động. Thông qua dịch vụ này, Covering đã đạt mức tăng trưởng lên tới 27% trong năm ngoái.

Recle về cơ bản là một dịch vụ phân loại rác thu thập từ các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh, với mục tiêu đảm bảo sự tiện lợi cho người dùng mỗi khi họ vứt rác. Công ty cho biết dịch vụ của mình làm tăng các giá trị thân thiện với môi trường thông qua việc phân loại rác cẩn trọng, điều cũng làm giúp tăng tỷ lệ tái sử dụng của rác.

Kể từ khi được triển khai ở Gwangjin-gu, Seoul vào tháng 8 năm ngoái, Recle đã dần mở rộng hoạt động sang cả Gangnam-gu, Seongdong-gu và một số vùng ở Seocho-gu. Theo Covering, tỷ lệ người dùng mới của Recle tăng đều đặn 20% mỗi tháng. Công ty hiện đang gọi vốn để tiếp tục mở rộng hoạt động.

Năm nay, COMEUP đã chuyển từ một sự kiện của chính phủ Hàn Quốc sang mô hình mới, do tư nhân lãnh đạo và được chính phủ hỗ trợ. Toàn bộ kết cấu của sự kiện được thay đổi, với hệ sinh thái khởi nghiệp được đưa vào vị trí trung tâm.

Được chọn là đơn vị tổ chức vào tháng 3 năm nay, Diễn đàn Khởi nghiệp Hàn Quốc (sau đây gọi tắt là KOSPO - Chủ tịch Jaewook Park) đã lên kế hoạch và vận hành tổng thể sự kiện COMEUP. Đồng thời KOSPO cũng triển khai các nội dung chương trình đa dạng, thể hiện năng lực đổi mới toàn diện của hệ sinh thái khởi nghiệp với sự tham gia của các startup, nhà đầu tư, công ty toàn cầu, và các chuyên gia cùng 52 thành viên ủy ban cố vấn.

Các chương trình của COMEUP 2022 xoay quanh 4 trục là hội thảo, giới thiệu khởi nghiệp, đổi mới mở và hợp tác  kết nối toàn cầu, phản ánh lợi ích cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục