Còn 30% trường học thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh cá nhân

Trong bối cảnh 30% trường học ở Việt Nam đang thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh cá nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh cần ưu tiên đảm bảo nước sạch và xà phòng cho các em khi quay lại đi học.
Còn 30% trường học thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh cá nhân ảnh 1Học sinh tsát khuẩn tay trước khi vào trường học. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

Ngày Vệ sinh bàn tay thế giới 5/5 năm nay diễn ra đúng vào thời điểm học sinh trên cả nước đang từng bước quay trở lại trường học sau nhiều tháng trường học phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng nhấn mạnh về thách thức thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh cá nhân ở trường học.

Theo số liệu chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 30% trường học ở Việt Nam đang thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh cá nhân, tương ứng với khoảng 6,4 triệu học sinh. Đối với học sinh của các trường học này khi quay lại đi học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh cần ưu tiên đảm bảo nước sạch và xà phòng cho các em.

UNICEF và các đối tác đang nỗ lực giải quyết khó khăn này và trong những tuần tới sẽ phân phối những thiết bị thiết yếu tới 500.000 người, trong đó có 300.000 học sinh tại các trường học. UNICEF và các đối tác sẽ gửi xà phòng, dung dịch rửa tay và bình lọc nước bằng gốm để hỗ trợ các trường học, trạm y tế xã và cộng đồng người dân ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bến Tre và Sóc Trăng.

[15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch trong trường học]

Những đồ dùng thiết yếu sẽ được phân phối cùng với các thông điệp, thông tin hữu ích về vệ sinh cá nhân và thói quen vệ sinh. Các thông tin được xây dựng bằng cả tiếng dân tộc thiểu số.

Theo đại diện UNICEF và Bộ Giáo dục-Đào tạo, vẫn còn cần nhiều hỗ trợ để tiếp cận được tất cả trẻ em đang cần trợ giúp như cung cấp hệ thống nước sạch khẩn cấp tới 30% trường học không có nước sạch, nhà vệ sinh, khu vệ sinh và cung cấp xà phòng, dung dịch rửa tay trên quy mô lớn cho tất cả học sinh. Những kế hoạch dài hạn cần bao gồm tăng ngân sách cho phát triển nhân lực, vận hành và bảo dưỡng các công trình và những chi phí định kỳ như mua xà phòng, những đồ phục vụ vệ sinh cá nhân.

Ứng phó ngay lập tức là cần thiết trong những tuần tới nhưng để đảm bảo duy trì kết quả bền vững cần có các chương trình bền vững, quy mô lớn đảm bảo nước sạch, vệ sinh trong nhà trường.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhận định, cung cấp nước sạch, đảm bảo điều kiện vệ sinh và vệ sinh cá nhân đầy đủ hơn không chỉ giúp giảm các bệnh liên quan đến vệ sinh như COVID-19, giảm truyền nhiễm ký sinh mà còn giúp giảm số ngày nghỉ của học sinh do bị tiêu chảy. Đặc biệt, việc làm này còn giúp bảo vệ quyền được giáo dục của trẻ em gái vì trẻ em gái thường ngại đi học khi nhà vệ sinh và khu rửa không riêng tư, không an toàn, không sạch hay chỉ đơn giản là không có. Thay vì coi đây là giải pháp trong tình huống khẩn cấp, cần phải coi đây là mong muốn bình thường của tất cả trẻ em và trường học. Cần có dòng ngân sách riêng để đảm bảo trường học không bao giờ bị thiếu xà phòng rửa tay.

“Đây chính là thời điểm mà chúng ta có thể tạo nên thay đổi mong muốn ở tất cả các trường học. Chúng ta đang phục hồi, vươn lên và tư duy khác đi về một thế giới phù hợp hơn cho trẻ em hậu COVID-19. Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng hành động để đảm bảo những thay đổi bền vững tại các trường học,” bà Rana Flowers nhấn mạnh./.

Khuyến cáo những việc bé nên và không nên làm để phòng, chống dịch COVID-19 khi quay trở lại trường học.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục