Con đường chông gai phía trước của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Sự ủng hộ ít hơn mong đợi từ các thành viên của đảng Dân chủ Tự do có thể sẽ gây khó khăn cho cả đảng cầm quyền lẫn thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tương lai.
Con đường chông gai phía trước của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo ngày 18/9. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 20/9, có khả năng sẽ trở thành lãnh đạo cầm quyền lâu nhất của Nhật Bản, tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, sự ủng hộ ít hơn mong đợi từ các thành viên của đảng có thể sẽ gây khó khăn cho cả đảng cầm quyền lẫn thủ tướng trong tương lai.

Trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng LDP, đối thủ duy nhất của Abe là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, người đã có những quan điểm khác biệt với Abe về việc cải cách Hiến pháp và các chính sách kinh tế, đồng thời cũng đã tạo ra một thách thức lớn hơn dự kiến dành cho đương kim thủ tướng.

Các nhà quan sát chính trị ở Nhật Bản đã chỉ ra rằng mặc dù Abe đã đảm bảo được vị trí lãnh đạo hàng đầu trong LDP ở nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, đảm bảo được chức thủ tướng Nhật Bản nhờ thế đa số của liên minh cầm quyền ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện, song việc Ishiba mới là người nhận được sự ủng hộ nhiều hơn dự kiến từ các thành viên bình thường nhất của đảng chắc chắn đang báo động về một mối nguy hiểm phía trước.

Trong khi Abe giành được 329 lá phiếu từ các thành viên Quốc hội và 224 lá phiếu từ các thành viên của đảng thì Ishiba chỉ giành được 73 lá phiếu từ các nhà lập pháp, nhưng lại nhận được 181 lá phiếu từ các thành viên bình thường nhất của đảng, những người luôn phản ánh quan điểm của công chúng rõ nét nhất. Đây quả thực là một kết quả gây bất ngờ.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng sự phản đối ở mức độ nhất định đối với thời gian cầm quyền khá lâu của thủ tướng trong bối cảnh những cáo buộc vẫn chưa chấm dứt liên quan đến bạn bè của Abe, các chính sách kinh tế không hiệu quả và việc thúc ép Quốc hội thông qua các pháp chế gây tranh cãi, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến an ninh, để thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm cải cách Hiến pháp của ông.


[Thủ tướng Nhật Bản Shindo Abe với nhiệm vụ khôi phục lòng tin]

Sự ủng hộ ít hơn mong đợi trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng, vốn được những người quan sát chính trị miêu tả như là “một phản ứng dữ dội” của các thành viên bình thường nhất trong LDP, chắc chắc sẽ được công chúng và các chuyên gia chính trị quan tâm nhiều nhất.

Tiến sỹ Shin Chiba chuyên nghiên cứu về lý thuyết chính trị tại Viện nghiên cứu Special Appointment nói: “Mọi người đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi đối với nền chính trị chỉ có khẩu hiệu và lừa dối cùng phong cách sử dụng quyền lực công vì mục đích cá nhân cũng như quan điểm diều hầu của Abe đối với ngoại giao và các mối quan hệ quốc tế ở Đông Á.”

Thủ tướng Abe, sau khi giành chiến thắng, đã nhanh chóng tái khẳng định kế hoạch tiến lên phía trước với mục tiêu sửa đổi Luật tối cao của Nhật Bản lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ II để cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể tham gia vào hoạt động tự vệ tập thể và có thể trợ giúp bất kỳ đồng minh nào bị tấn công, kể cả khi lãnh thổ Nhật Bản không bị đe dọa.

Do đó, Abe sẽ tìm cách đảm bảo thế đa số 2/3 cần thiết ở cả hai viện trong Quốc hội và thế đa số trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để tạo ra những sửa đổi mang tính di sản của mình đối với Hiến pháp Nhật Bản, thứ sẽ liên quan cụ thể đến SDF và “công khai” giải quyết những mập mờ hiện tại về hiến pháp.

Tuy nhiên, như các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, công chúng Nhật Bản quan tâm đến tình hình tài chính đầy tệ hại của Nhật Bản nhiều hơn mục tiêu duy nhất của thủ tướng là sửa đổi Luật Tối cao lần đầu tiên kể từ khi nó có hiệu lực năm 1947.

Các lý do mà Abe đưa ra cho mục tiêu cải cách hiến pháp đều mang tính cá nhân và chính trị. Tina Burrett, Giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị Sophia, nhận định rằng Abe là một người tôn sùng với việc sửa đổi hiến pháp, ông đã viện đến những lý do địa chính trị để thúc đẩy việc cải tổ hiến pháp của mình.

Bà Burrett nói thêm: “Công chúng bị chia rẽ trong vấn đề cải cách… tuy nhiên, đối với hầu hết cử tri, kinh tế và các dịch vụ công mới là những vấn đề quan trọng hơn cả.”

Có chung quan điểm trên, nhà khoa học chính trị Yu Uchiyama tại trường Đại học Tokyo cho rằng chương trình nghị sự tập trung vào thay đổi hiến pháp của Abe vẫn còn rất nhiều khó khăn, và việc để công chúng tiếp nhận vấn đề này cũng có khả năng rơi vào thất bại.

Uchiyama nói: “Kể cả khi Abe cố gắng buộc Quốc hội thông qua việc sửa đổi, ông vẫn phải đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý, làm gia tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị theo kiểu Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) nếu người dân bỏ phiếu chống lại ông.”

Các chuyên gia chính trị khẳng định rằng với sự ủng hộ của công chúng dành cho thủ tướng và sự ấm lên của nội các đang ở mức tốt nhất, trong bối cảnh hàng loạt vụ bê bối và sự bất ổn kinh tế gây ra bởi một kế hoạch không rõ ràng về cách giải quyết các chi phí phúc lợi xã hội gia tăng liên quan đến một xã hội đang giật lùi và già đi nhanh chóng, vấn đề an ninh không phải là ưu tiên hàng đầu của công chúng hiện nay.

Chuyên gia Christian Collet thuộc khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Christian cho rằng người dân Nhật Bản tin rằng Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản khẳng định người dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh và các lực lượng trên mặt đất, trên biển và trên không, cũng như tiềm năng chiến tranh khác, sẽ không bao giờ thay đổi, bất chấp tham vọng mạnh mẽ của Abe.

Với việc Abe chỉ chiếm khoảng 55% tổng số phiếu ở cấp địa phương trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng, các thành viên trong đảng cầm quyền cho biết đây là một con số “gây sốc” đặc biệt là khi con số này phản ảnh rõ nét quan điểm của công chúng.

Các thành viên LDP cũng cho biết số phiếu tồi tệ hơn dự kiến này có thể minh chứng rằng đảng cầm quyền chưa chắc sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện dự kiến vào mùa Hè 2019.

Người dân cùng lúc vừa ủng hộ lại vừa không ủng hộ Abe - đây là nhận định của Masao Matsumoto, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát Xã hội tại Đại học Saitama, nhấn mạnh sự chia rẽ trong chính trị và công chúng.

Và, đối thủ duy nhất của Abe trong cuộc đua này, Shigeru Ishiba, cũng có quan điểm tương tự cả về đảng cầm quyền, về người lãnh đạo đảng lẫn tình trạng thiếu gắn kết ngày càng gia tăng.

Ishiba phát biểu trong buổi cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu: “Cuộc bầu chọn chủ tịch đảng đã chứng minh LDP không theo cùng một chí hướng”, nhấn mạnh một thực tế rằng con đường phía trước của LDP và Abe sẽ là một con đường đầy chông gai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục