"Con đường thứ ba" của Ấn Độ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20

Ấn Độ tìm kiếm một “con đường thứ ba,” theo đó hợp tác hơn là tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên tắc chủ đạo, từ đó giúp mang lại hòa bình, thịnh vượng và sự ổn định trong khu vực.
"Con đường thứ ba" của Ấn Độ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại một sự kiện ở Buenos Aires, Argentina ngày 29/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tham gia một vài cuộc gặp song phương và đa phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina. Các cuộc gặp như vậy không hiếm gặp. Tuy nhiên trong năm nay, hai cuộc gặp ba bên mà Thủ tướng Modi đã tham gia là rất đáng chú ý.

Cuộc gặp ba bên đầu tiên là giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, được gọi là JAI (Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ), cuộc gặp ba bên thứ hai được gọi là RIC (Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

Thành phần của hai cuộc gặp này, đại diện cho các nước thường có tranh chấp, với Ấn Độ chỉ như một bên tham gia bình thường, là một diễn biến tích cực xét từ bối cảnh của Ấn Độ.

Trong khi một vài nhà phân tích có thể coi đó là chủ nghĩa cơ hội của Ấn Độ hay một mưu đồ làm lợi từ cả hai cuộc gặp này, sẽ có ích hơn khi nhìn nhận mục tiêu của Ấn Độ là làm cầu nối giữa các quan điểm khác biệt của thế giới. Đó là một thông điệp công khai từ phía Ấn Độ rằng cả hai nhóm đều có vai trò quan trọng trong việc đạt được trật tự toàn cầu ổn định, thịnh vượng và hòa bình.

Bất kể nền kinh tế tương lai và cấu trúc an ninh nào trong khu vực cũng phải bao gồm những nhân tố đó, và Ấn Độ đang sẵn sàng tiến hành bước đi ngoại giao để làm rõ quan điểm này.

["Chiến trường kinh tế" Ấn Độ-Trung Quốc tại khu vực Nam Á]

JAI là cuộc gặp ba bên đầu tiên của quan điểm này. Tất cả ba nước tham gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự “tự do, cởi mở, bao trùm và trật tự dựa trên luật lệ” như sự thiết yếu cho hòa bình và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Modi đã đề cập đến “những giá trị được chia sẻ” như nền tảng cơ bản cho sự tăng trưởng kinh tế khu vực. Ông lưu ý rằng theo tiếng Hindi, cụm từ viết tắt JAI có nghĩa là “thành công” và rằng sự hợp tác rõ ràng sẽ “thúc đẩy sự kết nối, hợp tác hàng hải và sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Ấn Độ đề xuất hành động 5 điểm cho nhóm này: Sự kết nối, phát triển ổn định, giảm nhẹ thiên tai, an ninh hàng hải và sự thay đổi không bị cản trở. Cần nhớ rằng Mỹ, Nhật Bản và Australia, cùng với Ấn Độ, đã kết nối chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ, vốn được coi là nhằm kiềm chế hành vi độc đoán của Trung Quốc trong khu vực.

Sự kết nối trong mạng lưới Bộ tứ và tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên được xem như những yếu tố của chiến lược chung rộng lớn này. Ấn Độ được xem như một thành viên của nhóm Bộ tứ trong định dạng này, và đã có một vài lời kêu gọi sự tham gia tích cực hơn.

Trong khi vai trò và tầm quan trọng của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nổi lên từ vị trí địa chính trị của nước này và như một nhân tố cốt yếu trong việc kiềm chế tình trạng chia rẽ của Trung Quốc trong tương lai, với Ấn Độ, tầm nhìn này phù hợp với mục tiêu về một trật tự toàn cầu tự do và công bằng, trong đó bất kỳ quốc gia nào chơi đúng luật cũng là một đối tác bình đẳng.

Ấn Độ cảm thấy rằng nếu Trung Quốc có thể kiềm chế hành vi của mình, Bắc Kinh có thể đóng góp rất nhiều cho khu vực trên mặt trận kinh tế và an ninh. Quan điểm này đã được Thủ tướng Modi nhấn mạnh tại Đối thoại Shangri La diễn ra hồi tháng 6/2018, tại đó ông nói: “Ấn Độ không coi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một chiến lược hay như một câu lạc bộ của một nhóm thành viên, cũng không phải một nhóm đang tìm kiếm sự thống trị. Và cũng không có lý do gì để chúng ta coi đó là biện pháp chống lại bất kỳ quốc gia nào."

Sự tham gia của Ấn Độ vào cuộc gặp RIC cũng phải được nhìn nhận như quan điểm ở trên. Đây là cuộc gặp ba bên lần thứ hai giữa Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, vốn được tổ chức sau 12 năm. Các nhà lãnh đạo của 3 nước thừa nhận rằng tình hữu nghị của họ và sự hợp tác có thể “thúc đẩy hòa bình thế giới."

Nó cũng cho thấy tất cả 3 nước đều nhận thấy tầm quan trọng để cải cách và tăng cường các thể chế đa phương. Trong bối cảnh này, một ví dụ về việc Ấn Độ theo đuổi mối quan hệ phù hợp và cân bằng với cả Mỹ và Nga chính là hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp những dấu hiệu không hài lòng từ phía Mỹ.

Tương tự như vậy, Ấn Độ đã tìm kiếm sự duy trì mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, với cuộc gặp gần đây nhất của Thủ tướng Modi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức nhằm “cài đặt lại” mối quan hệ song phương Ấn-Trung hồi tháng 4/2018. Ấn Độ rõ ràng quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ với một số nước khác nhau, một vài nước trong số đó thường xuyên có tranh chấp.

Ý nghĩa lớn nhất rút ra từ hai cuộc gặp ba bên này là Ấn Độ tự tin và minh bạch trong dự tính của mình để thực thi vai trò trung gian giữa hai đối tác có tranh chấp vì trật tự kinh tế và an ninh khu vực. Ấn Độ tìm kiếm một “con đường thứ ba,” theo đó hợp tác hơn là tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên tắc chủ đạo, từ đó giúp mang lại hòa bình, thịnh vượng và sự ổn định trong khu vực. Hai cuộc gặp ba bên này do đó phải đáng được khen ngợi trong bối cảnh các nước vẫn đối đầu gay gắt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục