Con trẻ không hoàn toàn là niềm vui của mỗi gia đình

Theo một cuộc điều tra của Gallup, nhiều bậc cha mẹ trên thế giới ít thỏa mãn hơn về cuộc sống so với những người không con cái.
Con trẻ không hoàn toàn là niềm vui của mỗi gia đình ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: freshtechmaids.com)

Liệu con trẻ có luôn là niềm vui cho mỗi tổ ấm gia đình? Theo một nghiên cứu công bố ngày 13/1, điều này về cơ bản đúng đối với các gia đình ở những nước phát triển. Tuy nhiên xét trên bình diện toàn cầu, đặc biệt tại các nước thu nhập thấp, câu trả lời là "không hẳn."

Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ miêu tả hai cuộc điều tra của Gallup đối với khoảng 3 triệu người trên toàn thế giới.

Điều tra thứ nhất nhằm vào 1,8 triệu công dân Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2008-2012 trong khi điều tra thứ hai phỏng vấn khoảng 1 triệu người tại 161 quốc gia từ năm 2006-2012.

Những người tham gia được yêu cầu tự đánh giá cuộc sống của mình dựa trên tiêu chuẩn sống mà họ cho là lý tưởng, miêu tả trạng thái cảm xúc của ngày hôm trước và trả lời về tình trạng thu nhập.

Điều tra không sử dụng các câu hỏi trực tiếp như liệu con cái có làm họ hạnh phúc hay việc có con có ảnh hưởng đến quan điểm sống của họ hay không.

Kết quả cho thấy các bậc phụ huynh thường trải qua các cung bậc cảm xúc biến đổi mãnh liệt hơn những người không có con nhỏ.

Trong các gia đình hoàn thiện (có cha mẹ và con cái), hạnh phúc và sự căng thẳng - bực bội, nụ cười và những giọt nước mắt luôn song hành cùng nhau.

Nhưng xét về tổng thể, không có quá nhiều khác biệt trong đánh giá cuộc sống của 2 nhóm có con và không có con ở Mỹ. Cả hai đều khá thỏa mãn với cuộc sống của mình với mức đánh giá xấp xỉ 7/10.

Tuy nhiên, khi mở rộng phạm vi ra toàn cầu, nghiên cứu lại cho thấy một kết quả trái ngược. Ngoài những nước phát triển nói tiếng Anh, các bậc phụ huynh trên thế giới thường ít thỏa mãn hơn với cuộc sống so với những người không con cái.

Tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Nam Á, tiêu chuẩn cuộc sống tỷ lệ nghịch với tỷ lệ con cái và phần lớn các bậc cha mẹ đánh giá tiêu chuẩn sống của mình ở mức thấp.

Nhà kinh tế học Angus Deaton, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cho biết mấu chốt của sự khác biệt này nằm ở khả năng lựa chọn, việc con người có thể tự đưa ra quyết định đối với cuộc đời mình và lựa chọn làm những điều mình mong muốn.

Tại các nước đang phát triển, nhiều bậc cha mẹ lựa chọn sinh con không nhất thiết vì họ mong muốn con cái mà do áp lực gia đình, xã hội hoặc do cần nhân lực lao động, điều này dẫn đến cảm giác không hài lòng trong cuộc sống.

Khi đó, trong nhiều trường hợp, con cái là gánh nặng cho chính cha mẹ mình. Vậy nên không phải lúc nào con trẻ cũng luôn đồng nghĩa với niềm vui và hạnh phúc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Ông Cao Văn Thành, thương binh 1/4 thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)

Bài 4: Lời hẹn ước sắt son cho Tổ quốc đứng lên

Giữa sự khốc liệt của chiến tranh có những tình yêu đôi lứa với nhiều cung bậc cảm xúc, không chỉ là hẹn ước sắt son, mà đó còn là lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên đấu tranh giữ nước.

Phi công Hoàng Biểu (giữa) cùng đồng đội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những phi công anh hùng sống chết cho đất nước

Với nhiều phi công, khi chiến thắng trở về ai cũng cảm nhận sâu sắc nỗi đau khi đồng đội và chiếc MiG thân yêu của họ không còn, nhưng khát vọng thống nhất còn cháy bỏng hơn lò lửa chiến tranh.