Công an cần phối hợp tốt về phòng chống tội phạm

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị ngành công an cần chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội phòng chống tội phạm.
Nhấn mạnh về diễn biến phức tạp của tội phạm hiện nay và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị lực lượng công an cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp trong công tác phòng chống tội phạm.

Đề nghị trên đã được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đưa ra ngày 9/6, tại  Hội nghị trực tuyến tới 63 công an các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tổng kết 12 năm (1998 - 2010) thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm trên địa bàn các cơ quan, doanh nghiệp và đánh giá, rút kinh nghiệm 3 năm thực hiện 10 cam kết bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an).

Trên cơ sở phối hợp tốt với các bộ, ngành, tổ chức kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị ngành công an cần nghiên cứu, nắm chắc tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và những yếu tố tác động đến diễn biến tội phạm để tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm.

Phó Thủ tướng lưu ý ngành công an và các tổ chức, công ty, tập đoàn, doanh nghiệp cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thanh lọc những cán bộ không đủ phẩm chất, yếu kém về đạo đức. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan đơn vị cũng cần gương mẫu, chấp hành đúng pháp luật, tránh mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm, cơ quan công an phải khách quan, thận trọng, tuân thủ pháp luật, xử lý đúng người đúng tội đảm bảo các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật.

Cũng tại hội nghị trực tuyến trên, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đánh giá cao những thành tích đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng mà lực lượng công an đã đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết 09/CP của Chính phủ.

Theo đánh giá của Bộ Công an, trong 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP, lực lượng công an đã phát hiện hơn 70.870 đối tượng có vi phạm về kinh tế; phát hiện, điều tra, xử lý  trên152.000 vụ việc vi phạm và tội phạm kinh tế; trong đó tội xâm phạm sở hữu và tham nhũng là hơn 17.700 vụ với mức thiệt hại là 176.610 tỷ đồng.

Ngoài ra, sau 3 năm thực hiện 10 cam kết bảo vệ doanh nghiệp, lực lượng cảnh sát nhân dân đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ, ngăn chặn các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ 6 vụ, thu giữ 370 tấn phân giả, trên 100 tấn nguyên liệu làm giả, đã khởi tố 3 vụ, xử lý hành chính 1 vụ và đang điều tra 2 vụ khác.

Tổng cục Cảnh sát (nay là Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ không được “hình sự hóa” các mối quan hệ và tranh chấp về kinh tế hoặc “phi hình sự” các hành vi tội phạm về kinh tế; yêu cầu điều tra ác vụ án phải thận trọng, khách quan, toàn diện, có kết luận đúng bản chất sự việc. /.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục