Tại sao Coccoc dám “khiêu chiến” với Google ở VN?

Công cụ tìm kiếm thuần Việt Cốc Cốc khiêu chiến Google?

Với những lợi thế về xử lý ngôn ngữ, nhu cầu hàng ngày của người dùng Internet..., Cốc Cốc tin tưởng sẽ "đánh bại" Google trên "sân nhà."
Dư luận trong và ngoài nước đã tốn không ít giấy mực về chuyện Cốc Cốc- công cụ tìm kiếm thuần Việt lên tiếng “thách thức” với “gã khổng lồ” Google tại Việt Nam. Có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng đó là câu chuyện “hoang đường,” song cũng có những ý kiến ủng hộ, tin tưởng cho dù ước mơ giành lại thị trường tìm kiếm trên sân nhà được nhiều người Việt thực hiện song chưa thành công. Google: Kẻ thống trị Trong những năm qua, nhiều công ty công nghệ Việt Nam đã thiết kế những cỗ máy tìm kiếm nhằm đánh bại Google. Song, cho đến thời điểm hiện tại, “gã khổng lồ” này vẫn chiếm vị trí số một, và gần như không hề có đối thủ tại Việt Nam. Ngược về quá khứ, hồi cuối tháng 9/2008, Xalo.vn-máy tìm kiếm tiếng Việt được Công ty Tinh Vân cho ra mắt với mục tiêu giành lại 35-40% thị phần tìm kiếm tại Việt Nam sau hai năm. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, Xalo.vn lại trở thành một trang thông tin điện tử tổng hợp. Tháng 3/2009, Socbay.com của Công ty Naicorp chào đời. Sản phẩm này được các chàng trai trẻ của Việt Nam ấp ủ từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường từ những năm 2002 và đã đoạt giải Ba giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC; giải Nhì nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải Nhất nghiên cứu khoa học của trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Ban lãnh đạo của Socbay cho hay, sẽ tập trung vào việc xử lý dữ liệu tiếng Việt, nghiên cứu về thói quen và văn hóa của người Việt, cung cấp cho cho người dùng những kết quả tìm kiếm nhanh chóng và chính xác. Socbay.com được giới truyền thông nhắc tới khá nhiều, bởi theo đơn vị này, Google đã từng “ngã giá” đề nghị mua lại, song họ không bán. Cho tới thời điểm hiện tại, Socbay.com vẫn duy trì hoạt động tìm kiếm (ở ba lĩnh vực: Tin tức, MP3 và Từ điển). Song có lẽ công cụ này vẫn chưa đủ lớn mạnh để trở thành “người bạn tìm kiếm” với người dân Việt. Cuối năm 2012, Công ty NHI (100% vốn của Nga) chính thức cho ra mắt công cụ tìm kiếm thuần việt wada.vn. Theo NHI, công cụ này có thế mạnh công nghệ từ Nga, được xây dựng đặc biệt để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm trên mạng theo ngôn ngữ Việt với kết quả truy vấn nhanh, chính xác, tự động đặt dấu tiếng Việt khi người dùng gõ từ khóa... [Wada sẽ là đối thủ đáng nể của Google tại VN?] Khôn khéo khi trả lời không cạnh tranh với đối thủ nào, ông Phạm Tiến Thịnh, Tổng giám đốc NHI tiết lộ, tổng đầu tư vào Wada khoảng hơn 200 tỷ đồng và có kế hoạch nâng tổng đầu tư lên gấp 2-3 lần để tiếp tục mở rộng, hướng vào thị trường ngách. Còn quá sớm để khẳng định wada.vn có làm nên chuyện hay không. Bởi ở thời điểm hiện tại, theo Alexa.com, hiện nay Google vẫn đứng ở vị trí số 1 về lượng truy cập từ Việt Nam. Trong bảng 20 website có lượng truy cập lớn nhất, không thấy có bất cứ cái tên của công cụ tìm kiếm Việt nào xuất hiện.
Công cụ tìm kiếm thuần Việt Cốc Cốc khiêu chiến Google? ảnh 1
Một ví dụ về giải toán của Cốc Cốc. (Ảnh: Vietnam+)
Tập trung vào ngách để đánh bại Google Cái bóng quá lớn của Google-“kẻ thống trị” thị trường tìm kiếm Việt Nam đã khiến nhiều người hoài nghi về thách thức của “người mới” Cốc Cốc. Không ít ý kiến cho rằng, những chàng trai Việt Nam “quá nổ” và “hoang tưởng” khi tuyên bố cạnh tranh với Google. Trao đổi với phóng viên Vietnam+, đại diện Cốc Cốc khẳng định, lợi thế của đơn vị này so với Google chính là công nghệ xử lý tiếng Việt tốt. Bên cạnh đó, là công cụ tìm kiếm do người Việt xây dựng, Cốc Cốc cho rằng mình có hiểu biết sâu hơn đối thủ về nhu cầu hàng ngày của người dùng Internet Việt Nam. “Chúng tôi đã thu thập được dữ liệu của hơn 2,1 tỷ trang web, trong đó lượng các trang web ‘.vn’ đã gấp đôi Google,” phía Cốc Cốc nói. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm hiểu tiếng Việt của Cốc Cốc được thể hiện qua việc quy đổi tiền tệ. Lấy ví dụ, gõ vào công cụ tìm kiếm từ khóa “Đổi 2USD thành đồng Việt Nam,” Google cho kết quả là các trang web có liên quan tới các từ được yêu cầu tìm kiếm. Ngược lại, Cốc Cốc ra kết quả quy đổi theo tỷ giá hối đoái. Ngoài mục tìm kiếm, Google cũng “trưng” các ứng dụng được người Việt ưa dùng (ví dụ Gmail, Dịch, Ảnh…) tích hợp trên một website. Về phía mình, Cốc Cốc-tuy còn ít ứng dụng hơn nhưng cũng đang tạo cho mình những nét rất riêng biệt. Ở ứng dụng giải toán, phía Cốc Cốc khẳng định chỉ cần hệ thống hiểu đúng đề bài mà người dùng nhập vào và dạng toán nhập vào được website này hỗ trợ thì kết quả giải ra sẽ chính xác. Cốc Cốc hỗ trợ các bài toán trong chương trình từ lớp 1 đến lớp 12, thậm chí ngay cả các dạng toán phức tạp như: Giải phương trình Logarit, khảo sát và vẽ đồ thị hàm số, phương trình vi phân, phương trình bậc 4… Cốc Cốc cũng tung ra Cờ rôm (corom.vn), trình duyệt được “may đo” theo nhu cầu hàng ngày của người dùng Việt Nam. Trình duyệt này ngoài khả năng xử lý văn bản tiếng Việt tốt còn có thể tải mọi loại dữ liệu với độ tốc có thể nhanh gấp 8 lần so với trình duyệt thông thường. Trong chiến lược phát triển của mình, Cốc Cốc cho biết sẽ tiếp tục phát triển những ứng dụng như giải hóa, vật lý... để cộng đồng mạng xem đây một nguồn tài liệu như sách tham khảo để phục vụ hoạt động học tập của học sinh. Đây là những ứng dụng mà Google không tập trung phát triển. Với việc tập trung làm nguồn tài liệu tham khảo cho lứa tuổi từ lớp 1-12, Cốc Cốc tin tưởng dần dần thay đổi thói quen của người dùng Internet Việt. Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ phát triển mạnh mẽ bản đồ theo cách rất riêng biệt. Theo đó, người truy cập sẽ có nhiều tiện ích hơn trong việc tra cứu địa chỉ cụ thể. Ví dụ, chỉ cần chọn từ khóa "cafe" và địa điểm Hà Nội, người dùng sẽ thấy chỉ dẫn đường đi, tên, địa chỉ quán cafe để chọn lựa... Về chuyện những bộ máy tìm kiếm Việt đã “thất bại” trước Google, phía Cốc Cốc cho biết đã rút kinh nghiệm và sẽ tập trung nguồn lực cho “cuộc chiến dài hơi” này. Hiện, đơn vị này đã đầu tư 15 triệu USD vào dự án tìm kiếm với đội ngũ nhân sự khoảng 300 người. “Xây dựng một công cụ tìm kiếm chất lượng cao là một công việc lâu dài và chúng tôi đang tập trung những nhân lực sự kỹ thuật hàng đầu Việt Nam cho việc đó. Chất lượng của Cốc Cốc sẽ liên tục được cải tiến,” đại diện Cốc Cốc khẳng định. Rõ ràng, việc lật đổ “ách thống trị” của Google trên thị trường tìm kiếm Việt không phải là đơn giản. Tuy nhiên, Cốc Cốc cũng có một số lợi thế nhất định khi ở trên "sân nhà” hợp lý trong khi Google là một đơn vị toàn cầu. Vấn đề ở đây chính là sự ưu việt của Cốc Cốc phải thực sự nổi bật để làm thay đổi thói quen của người dùng Việt. Cũng phải nói thêm rằng, Google tuy là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới, song không phải ở bất cứ quốc gia nào, Google cũng là sự lựa chọn số một. Cụ thể như ở Nga, sự lựa chọn sẽ là Yandex còn ở Trung Quốc là Baidu… Chặng đường giành lại thị phần của Google còn rất dài và gian nan. Và, cho dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song có lẽ không có lý do gì mà người dùng Internet Việt không cho những chàng trai Việt cơ hội để khẳng định chính mình./.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông-người mở đường cho Internet ở Việt Nam từng nhận định, cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn.

Theo ông, một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thuần Việt song chưa thành công, lý do có thể bởi đội ngũ nhân sự, công nghệ, đầu tư chưa đủ mạnh… Và, nếu cổng tìm kiếm nào có tốc độ nhanh, dễ sử dụng, hiểu văn hóa-ngôn ngữ Việt thì sẽ thành công.
Phương Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục