''Công cụ yểm trợ'' thủ tướng Canada trên trường quốc tế

Thủ tướng Canada Justin Trudeau muốn sử dụng vấn đề Venezuela để yểm trợ cho tầm nhìn của Canada trên trường quốc tế.
''Công cụ yểm trợ'' thủ tướng Canada trên trường quốc tế ảnh 1Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bản chất của cuộc họp nhóm Lima diễn ra ngày 20/2 ở Gatineau (Quebec) là Thủ tướng Canada Justin Trudeau muốn củng cố vị trí là đồng minh chủ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đây là nhận định chính trong bài bình luận của ông Arnold August, nhà báo người Canada đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Cuba, trong đó có cuốn "Nền dân chủ tại Cuba và Các cuộc bầu cử 1997-1998," trong tờ Globe and Mail.

Nội dung cụ thể như sau:

Nhóm Lima được "khai sinh" ngày 8/8/2017 tại Lima (Peru). 12 quốc gia đã ký Tuyên bố Lima gồm Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Mexico, Panama, Paraguay và Peru. Sau đó, Nhóm Lima đã kết nạp thêm hai thành viên Bolivia và Haiti.

Mục đích chính của nhóm Lima là thay đổi chế độ tại Venezuela. Từ khi nhóm Lima được thành lập đến nay, thậm chí trước khi có nhóm này, Chính phủ Trudeau đã có tham vọng trở thành lực lượng chính trị dẫn dắt cuộc chiến chống Venezuela.

Trang thông tin của Chính phủ Canada đã “thiết kế” mục “Cuộc khủng hoảng Venezuela” và kể từ ngày 11/11/2016 đến nay đã đăng 97 tuyên bố của các tổ chức đa phương, của nhóm Lima và của Canada.

[Tham vọng và thất vọng của Nhóm Lima đối với Venezuela]

Cuộc họp ngày 20/2 ở Gatineau ghi dấu lần thứ ba Canada đăng cai tổ chức cuộc họp nhóm Lima. Với đà này, có thể Canada sẽ là nơi tổ chức nhiều cuộc họp nhất của Lima, thậm chí còn vượt cả Peru.

Đây là bằng chứng cho thấy "khao khát" của Chính phủ Trudeau muốn Canada nắm vai trò lãnh đạo đối với cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

Tại sao Canada lại dồn nhiều tâm lực vào Venezuela? Một trong những lý do đó là: Thủ tướng Trudeau đang chiến đấu để giành một ghế ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2022.

Thủ tướng Trudeau muốn sử dụng vấn đề Venezuela để yểm trợ cho tầm nhìn của Canada trên trường quốc tế.

Na Uy và Ireland cũng đang thi đấu để giành chiếc ghế này. Theo giới quan sát, Liên hợp quốc không cần thêm một đồng minh của Mỹ như Canada - một nước cũng bị Liên hợp quốc “gọi tên” vì tội diệt chủng đối với thổ dân.

Thương hiệu "nhận dạng" của nhóm Lima đó là nhóm này không ủng hộ can thiệp quân sự, mà lựa chọn một “giải pháp hòa bình” cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

Tuy nhiên, trong thành phần phản chiến của nhóm Lima, có Colombia và Chile cũng là những nước bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Trong khi Chính phủ Trudeau đưa ra hàng chục tuyên bố về Venezuela, thì Canada lại không đả động đến tình trạng bạo lực tại Chile và Colombia, cũng như không hề lên án Chính phủ Haiti.

Cuộc họp của nhóm Lima ở Gatineau diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối dự án đường ống Coastal GasLink khiến hoạt động giao thông đường sắt bị gián đoạn nghiêm trọng trên toàn Canada.

Dự án đường ống Coastal GasLink, trị giá 6,6 tỷ đôla Canada (4,98 tỷ USD), được thiết kế để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Dawson Creek tới Kitimat (đều nằm trong tỉnh British Columbia).

Một số tù trưởng phản đối dự án này vì khoảng 22.000km2 thuộc British Columbia là vùng lãnh thổ truyền thống của bộ tộc họ. Hiện hai tù trưởng của nhóm thổ dân First Nation đã làm đơn kiện chính phủ liên bang.

Nhà báo Arnold August cho rằng Ottawa đang thực thi chủ nghĩa thực dân trong nước và chủ nghĩa đế quốc ở nước ngoài.

Kết thúc cuộc họp ngày 20/2 tại Gatineau, nhóm Lima ra tuyên bố bày tỏ cam kết mạnh mẽ với mục tiêu thiết lập lại nền dân chủ tại Venezuela, kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay cùng Lima trong cuộc đấu tranh này.

Tuyên bố chung của Lima cho biết trong thời gian tới, các đại diện của nhóm này sẽ tích cực tiếp xúc và tham vấn các nước có lợi ích trong việc khôi phục dân chủ tại Venezuela.

Chính trường Venezuela rơi vào tình trạng căng thẳng kể từ khi ông Nicolas Maduro nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng 1/2019 và đỉnh điểm là việc thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự xưng "Tổng thống lâm thời" với sự công nhận của hàng chục nước, trong đó có Canada.

Liên hợp quốc ước tính khoảng 6 triệu người Venezuela sẽ rời bỏ đất nước vào cuối năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế cùng hệ thống y tế và giáo dục suy yếu nghiêm trọng.

Tờ Globe and Mail dẫn lời một quan chức cấp cao của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho rằng Canada cần cân nhắc “nhân bản lại” chương trình tái định cư dành cho người tị nạn Syria đối với trường hợp của Venezuela.

Hồi năm 2015, Thủ tướng Justin Trudeau đã vận động tranh cử với lời hứa tái định cư cho 25.000 người tị nạn Syria và đưa mục tiêu này vào chương trình hành động ưu tiên khi thành lập chính phủ Tự do.

Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada đã cấp hơn 55 triệu CAD để hỗ trợ Venezuela ứng phó với khủng hoảng, trong đó, hơn 18 triệu CAD được dành cho chương trình viện trợ nhân đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục