Công nghệ số giúp báo chí thực hiện tốt sứ mạng của mình

Diễn đàn "Báo chí và Công nghệ" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức là dịp để các nhà quản lý, cơ quan báo chí, doanh nghiệp công nghệ thông tin đưa ra các giải pháp phát triển báo chí Việt Nam.
Công nghệ số giúp báo chí thực hiện tốt sứ mạng của mình ảnh 1Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sáng 13/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn "Báo chí và Công nghệ" với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, giới chuyên gia doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, marketing, quảng cáo.

Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, cơ quan báo chí, doanh nghiệp công nghệ thông tin đưa ra các giải pháp phát triển ngành báo chí Việt Nam, đồng thời khởi động việc thực hiện Sáng kiến "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024".

Chung tay vì sự phát triển của báo chí

Đến dự và phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới, trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động rất mạnh, đặt cho báo chí trước hoàn cảnh phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại, phát triển. Chính vì thế, quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam có nhiều công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng điện toán đám mây mà còn có thể phát triển các nền tảng và ứng dụng cho báo chí. Bộ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin và các doanh nghiệp công nghệ số chung tay vì sự phát triển của báo chí nước nhà và vì sự phát triển của chính mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc lựa chọn nghề báo là đã chọn cho mình một sứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn và luôn hành động vì lợi ích cộng đồng. Nhà báo là một nghề có các tiêu chuẩn cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm, tính minh bạch. Thông qua Diễn đàn, Bộ trưởng hy vọng các phóng viên, nhà báo sẽ có thêm tri thức hữu ích cho nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ.

Phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc dẫn chứng: Hiện nay ở Việt Nam, nhiều tòa soạn đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động, sử dụng trí tuệ nhân tạo để gợi ý bài viết theo sở thích, thói quen của từng độc giả, ví dụ như Zing, Vnexpress hay Chatbot của VietnamPlus...

Hiện nay, một số loại hình công nghệ truyền thông được dự báo rất phát triển trong tương lai gần, đó là trí tuệ nhân tạo, phóng viên robot, trợ lý riêng điều khiển bằng giọng nói, tìm kiếm hình ảnh và thực tế ảo... các cơ quan báo chí có thể nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao theo tình hình thực tế. Ngoài ra, các nền tảng công nghệ vượt trội hiện nay giúp cho báo chí có thêm tương tác, phát triển thêm nguồn thu, quản trị người dùng, tăng lưu lượng theo dõi cho báo...

Công nghệ số giúp báo chí thực hiện tốt sứ mạng của mình ảnh 2Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh trình bày tham luận "Báo chí sẽ có chiến lược nào với các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói?". (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nền tảng công nghệ hỗ trợ báo chí phát triển

Chia sẻ thông tin về vai trò của truyền thông báo chí với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Huy Dũng nhận định, các cơ quan báo chí và truyền thông là một trong những nơi có nhiều thông tin được cập nhật nhất, do vậy đây sẽ luôn là đích ngắm của các tin tặc.

Bên cạnh đó, khi có hàng chục triệu độc giả tiếp cận hàng ngày với nhiều luồng thông tin khác nhau, báo chí, truyền thông cũng là kênh dễ dàng nhất để tin tặc tấn công nhằm xuyên tạc nội dung hay phát tán thông tin vi phạm pháp luật. Tương tự, với số lượng lớn độc giả truy cập cũng như mức độ "đáng tin cậy" cao, báo chí, truyền thông cũng là kênh phát tán mã độc tốt nhất, nhanh nhất của tin tặc.

[OANA lần thứ 17: Đổi mới công nghệ và lấy lại niềm tin của công chúng]

Thực tế cho thấy hơn 80% các nguy cơ, rủi ro bị tấn công mạng đến từ người sử dụng Internet. Các cơ quan báo chí ngày càng áp dụng nhiều công nghệ khác nhau, việc phụ thuộc công nghệ sẽ đặt ra các vấn đề liên quan đếnan toàn thông tin, do vậy việc bảo đảm an toàn thông tin cũng cần song hành với quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí, truyền thông.

Báo chí, truyền thông cần phát đi thông điệp để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho độc giả, đồng thời cần phối hợp và đồng hành cùng các công ty công nghệ chuyên nghiệp trong việc áp dụng và bảo đảm an toàn thông tin.

Thống kê của Cục về an toàn thông tin, an minh mạng trên báo chí cho thấy, hiện nay có khoảng 60% thông tin chỉ tập trung vào các nguy cơ, rủi ro, các sự vụ mất an toàn thông tin; 20% thông tin tập trung đưa tin các sự kiện về an toàn, an ninh mạng; 20% thông tin đề cập đến các hướng dẫn, khuyến nghị cụ thể hỗ trợ người sử dụng Internet an toàn hơn.

Để báo chí đưa thông tin về an toàn thông tin, an ninh mạng chính xác, ông Nguyễn Huy Dũng khuyến cáo các cơ quan báo chí cần xác minh thông tin trước khi đăng tải nội dung liên quan đến lĩnh vực công nghệ; tìm hiểu, xác minh các số liệu công bố sao cho bảo đảm chính xác nhất. Đặc biệt, khi đưa các thông tin liên quan đến cảnh báo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, báo chí cần xem xét mức độ, uy tín của nguồn cung cấp thông tin và tác động của cảnh báo đó ảnh hưởng đến độc giả như thế nào...

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả đã trình bày các tham luận liên quan đến lĩnh vực báo chí và công nghệ như: Báo chí sẽ có chiến lược nào với các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong truyền thông hiện đại; Các mô hình công nghệ giúp cải thiện hoạt động báo chí và kinh tế báo chí...

Mang đến Diễn đàn một ví dụ thực tế áp dụng công nghệ trong hoạt động báo chí, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh nêu ví dụ: Ứng dụng chatbot của báo điện tử VietnamPlus ra mắt từ ngày 13/11/2018 đã đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong báo chí.

Theo đó, việc sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo, chatbot của VietnamPlus có khả năng cá nhân hóa cho mỗi người dùng, dựa vào lịch sử trao đổi, trò chuyện giữa người và máy. Người dùng có thể lựa chọn theo các chủ đề tin, nhập từ khóa nội dung mà họ muốn tìm kiếm hoặc ra lệnh bằng giọng nói. Mới đây, ứng dụng này đã nhận được "Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn" của Tổ chức các Hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA).

Giới thiệu về các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói hiện đại đang được áp dụng trên thế giới, ông Lê Quốc Minh khẳng định các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói được dự báo sẽ trở thành những "cửa ngõ" quan trọng để tiếp cận nội dung giải trí cũng như thông tin, kiến thức.

Dịp này, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024".

Đây là dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của báo chí, thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước, góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội. Theo bản ghi nhớ, các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam./.

Công nghệ số giúp báo chí thực hiện tốt sứ mạng của mình ảnh 3Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024" giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục