Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tờ Straits Times của Singapore dẫn báo cáo mới được công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp KPMG đưa ra ngày 8/2, cho biết trong năm 2021, nước này ghi nhận số lượng hợp đồng, thỏa thuận được ký kết trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) ở mức cao nhất trong 5 năm qua do sự bùng nổ công nghệ chuỗi khối (blockchain) và tiền kỹ thuật số.
Tổng cộng đã có 191 thỏa thuận, hợp đồng (quỹ đầu tư mạo hiểm, cổ phần đầu tư tư nhân và các hoạt động mua bán sáp nhập…) với giá trị 3,94 tỷ USD được giao dịch trong thời gian trên, tăng so với 139 thỏa thuận với giá trị 2,48 tỷ USD trong năm 2020 và 100 hợp đồng hồi năm 2019.
Trên phạm vi toàn cầu, tổng cộng nguồn vốn đầu tư vào các hoạt động MA, mua cổ phần đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ tài chính đã đạt con số 210 tỷ USD với số lượng kỷ lục 5684 hợp đồng, thỏa thuận trong năm 2021.
Theo ông Anton Ruddenklau, người đứng đầu bộ phận fintech toàn cầu của KPMG International, năm 2021 là năm ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường fintech trên toàn cầu, với sự quan tâm chú ý đáng kinh ngạc đối với tất cả các công ty, doanh nghiệp fintech, đi kèm theo đó là nguồn tài trợ kỷ lục trên các lĩnh vực như blockchain và tiền điện tử, an ninh mạng…
[Lĩnh vực công nghệ tài chính ASEAN đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ]
Báo cáo của KPMG cho biết tại Singapore, các nguồn tiền tài trợ cho lĩnh vực tiền điện tử và công nghệ blockchain (với 82 hợp đồng, thỏa thuận trị giá 1,48 tỷ USD) chiếm gần một nửa tổng giá trị mà các công ty fintech của Singapore huy động trong năm 2021.
Điều này có nghĩa là lĩnh vực này đã vượt qua lĩnh vực thanh toán để chiếm vị trí được tài trợ nhiều nhất tại quốc gia trên.
Theo KPMG, xu hướng này phản ánh sự công nhận ngày càng nhiều về vai trò tiềm năng của tiền điện tử và các công nghệ liên quan trong các hệ thống tài chính hiện đại.
Phần lớn các thỏa thuận, hợp đồng trong lĩnh vực tiền điện tử và blockchain tại Singapore trong năm 2021 là hướng đến phần mềm và cơ sở hạ tầng liên quan thay vì nhằm vào mảng dịch vụ.
Đây dự kiến sẽ vẫn là một lĩnh vực đầu tư “nóng” trong năm 2022 với việc nhiều công ty đang tìm đến các cơ quan quản lý để thiết lập những hướng dẫn, quy định rõ ràng đối với các hoạt động như vậy.
KPMG cũng nhận thấy rằng mảng tiền điện tử dự kiến sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chú ý từ các cơ quan quản lý của Singapore do những cơ quan này đang nỗ lực để “cân bằng” giữa sự đổi mới và các rủi ro liên quan.
Tháng trước, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS- Ngân hàng trung ương) đã ban hành hướng dẫn “không khuyến khích” hoạt động giao dịch tiền điện tử trong người dân tại Singapore, theo đó MAS yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử không tiếp thị hoặc quảng cáo các dịch vụ của họ tại những khu vực công cộng ở nước này như quảng cáo trên phương tiện giao thông công cộng, địa điểm giao thông công cộng, trang web công cộng, nền tảng truyền thông xã hội cũng như phương tiện truyền thông và báo chí.
Lý giải cho điều này, MAS cho rằng việc giao dịch tiền điện tử gây rủi ro cao và không phù hợp với người dân, đi kèm với đó là “khả năng thay đổi rất mạnh và đột ngột” của giá trị các loại tiền điện tử./.