Theo báo cáo vừa công bố của tổ chức Berne Declaration có trụ sở tại Thụy Sĩ, các hãng bán lẻ giày dép và quần áo hàng đầu của nước này vẫn không trả cho các công nhân ngành may mức lương đủ sống.
Berne Declaration là một bộ phận của Clean Clothes Campaign (tạm dịch là Chiến dịch Quần áo Sạch) đã cáo buộc các công ty dệt may chưa có tiến bộ và thiếu minh bạch.
Theo báo cáo của Berne Declaration, chỉ một nửa trong số các công ty được khảo sát đưa ra câu trả lời về mức lương, nhưng không nêu rõ họ đang làm gì để bảo đảm tiền lương đủ sống cho người lao động. Một số công ty thậm chí còn cung cấp ít hơn thông tin mà Clean Clothes Campaign đưa ra trong năm 2010.
Theo các tổ chức phi chính phủ (NGO), các công ty vẫn chưa nỗ lực toàn diện để có thể áp dụng mức lương đủ đảm bảo sinh hoạt cho công nhân các nhà máy dệt may.
Trước đó, một số nhà bán lẻ Thụy Sĩ cho biết họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại để đáp ứng nhu cầu đối với việc tăng 10% lương cho tất cả công nhân sản xuất các loại áo phông (T-shirt), song vẫn hoài nghi về việc thực hiện.
Họ cho rằng mức tăng lương 10% này liệu có thực sự đến được các thợ may hay không, khi mà Thụy Sĩ chỉ chiếm một tỷ trọng quá nhỏ bé trong hệ thống sản xuất toàn cầu.
Một số công ty khác đang có kế hoạch thành lập một quỹ đặc biệt cho các công nhân may mặc bằng cách bỏ thêm 10 cent cho mỗi sản phẩm dệt may vào quỹ này nhằm đảm bảo sự gia tăng thu nhập trực tiếp đến người lao động.
Các nhà vận động cho Clean Clothes Campaign cho rằng mức lương không đủ sống trong ngành dệt may ở các nước châu Á, cũng như ở Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi, là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với các quốc gia đang phát triển. Ước tính có khoảng 60 triệu người trên toàn thế giới làm việc trong ngành sản xuất dệt may và giày dép./.