Công nhân Pháp lại xuống đường biểu tình

Chính phủ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp tục chịu sức ép từ làn sóng biểu tình, bãi công phản đối cách chính phủ giải quyết khủng hoảng kinh tế, khi ngày 13/6, công nhân các nhà máy trên toàn nước Pháp đã xuống đường biểu tình, hưởng ứng "Ngày hành động" do các công đoàn phát động.

Chính phủ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp tục chịu sức ép từ làn sóng biểu tình, bãi công phản đối cách chính phủ giải quyết khủng hoảng kinh tế, khi ngày 13/6, công nhân các nhà máy trên toàn nước Pháp đã xuống đường biểu tình, hưởng ứng "Ngày hành động" do các công đoàn phát động.

Đây là "Ngày hành động" toàn quốc lần thứ năm do 8 tổ chức công đoàn chính ở Pháp phát động kể từ đầu năm nay nhằm gây sức ép để chính phủ thực hiện những biện pháp mạnh hơn, hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, quy mô các cuộc biểu tình lần này đã giảm hơn nhiều so với dự kiến.

Theo số liệu của cảnh sát Pháp, trên toàn nước này có khoảng 150 cuộc biểu tình và chỉ thu hút khoảng 71.000 người. Trong khi các tổ chức công đoàn cho biết có khoảng 150.000 công nhân xuống đường, thấp hơn nhiều so với những cuộc biểu tình trước từng có tới trên 1 triệu người hưởng ứng.

Tại thủ đô Paris, chỉ có gần 40.000 người tham gia cuộc biểu tình chính, giảm so với con số từ 65.000 tới 160.000 người trong cuộc biểu tình nhân Ngày quốc tế lao động (1/5) vừa qua.

Các thành phố chính của Pháp như Toulousee, Bordeaux, Avignon... cũng diễn ra nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia từ 500 đến 13.000 người. Ngoài công nhân các nhà máy, các cuộc biểu tình cuối tuần qua còn thu hút nhiều nhân viên đường sắt, bệnh viện, giảng viên các trường đại học, phóng viên các cơ quan báo chí...

Lãnh đạo các tổ chức công đoàn Pháp dự định gặp Tổng thống Sarkozy vào đầu tháng tới để xem xét những ảnh hưởng của các biện pháp hiện hành nhằm hỗ trợ các gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tổng thống Sarkozy đã tăng cường một số lợi ích về an sinh xã hội sau làn sóng biểu tình đầu tiên thu hút tới trên 1 triệu người tháng 1/2009 để giảm những chỉ trích rằng các biện pháp hỗ trợ của chính phủ chủ yếu dành cho các ngân hàng và công ty chế tạo ô tô, chứ không phải cho tầng lớp công nhân.

Tuy nhiên, Chính phủ Pháp đã từ chối can thiệp vào các kế hoạch cắt giảm hàng chục nghìn việc làm trong khu vực công cộng cũng như nhiều lần bác bỏ lời kêu gọi của các công đoàn về tăng lương tối thiểu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục