Công nhân Trung Quốc trả giá cho sự tăng trưởng

Hàng triệu công nhân Trung Quốc đang mắc phải căn bệnh ho dị ứng vì hít quá nhiều bụi - một loại bệnh phổi không thể chữa được.
Khi Trung Quốc bước vào quá trình bùng nổ kinh tế, khoảng 200 người đàn ông đã rời quê ở vùng Shuangxi để tham gia xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và cao ốc. Kéo theo đó là các căn bệnh liên quan tới phổi do hít phải nhiều bụi bặm đã làm 1/4 số người trong số họ tử vong, hơn 100 người khác cũng đang chờ chết. Trở lại quê nhà nằm giữa những cánh đồng lúa cùng các ngọn đồi cây cối um tùm, Xu Zuoqing bước ra ngoài với gương mặt nhăn nhó vì đau khi cố bước đi. "Cảm giác giống như phổi của tôi bị bóp nghẹt vậy. Ngực tôi như bị ép chặt lại" - người đàn ông 44 tuổi đã làm việc tại các công trường xây dựng suốt 15 năm qua nói, giọng của anh đôi khi lộ rõ vẻ mệt mỏi - "Tôi ao ước giá như mình có thể chết một cách thoải mái, thực tế là tôi ước rằng mình không phải chết." Xu Zuoqing có năm anh em. Hai người anh lớn đã chết vì bệnh. Một người do không thể chịu đựng nổi cơn đau nên đã tự sát bằng cách uống thuốc quá liều hồi tháng trước. Người em của Xu cũng đã qua đời hồi tháng Hai vừa qua, để lại hai đứa con một mới lên 5 và 1 đã 12 tuổi cho bà nội nuôi. Hơn hai thập kỷ tăng trưởng nóng của Trung Quốc, vốn đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã dựa nhiều trên nguồn nhân lực giá rẻ tới từ vùng nông thôn, với số lượng hiện nay khoảng 230 triệu người. Các lao động này không được đảm bảo an toàn lao động. Các chuyên gia cho biết hàng triệu công nhân giờ đang bị ốm nặng, hậu quả của căn bệnh ho dị ứng vì hít quá nhiều bụi - một loại bệnh phổi không thể chữa được. Bệnh này xuất hiện dưới nhiều dạng, từ bệnh phổi phát sinh do hít phải hạt amiăng mà các thợ xây mắc phải cho tới bệnh phổi đen mà các thợ mỏ mắc phải.
Công nhân Trung Quốc trả giá cho sự tăng trưởng ảnh 1
Nhiều công nhân mỏ có vấn đề về phổi (Nguồn: AFP)
Số liệu thống kê chính thức nói rằng Trung Quốc có 676.541 ca nhiễm bệnh ho dị ứng vì hít quá nhiều bụi, tức chiếm tới 90% các bệnh liên quan tới lao động ở nước này. Tuy nhiên các nhà vận động nói rằng tới sáu triệu người đã mắc bệnh và 1/5 số nạn nhân có thể đã chết. Bệnh ho dị ứng vì hít quá nhiều bụi thường khó bị phát hiện trong nhiều năm trời. Vì thế, các công nhân làm việc tại các mỏ than, mỏ đá, nhà máy và các công trường xây dựng thường có thời gian dài tích tụ bụi trong phổi cho tới khi họ cảm thấy đau đớn khổ sở mỗi khi làm việc, bước đi hoặc thậm chí là hít thở. Các gia đình nông thôn nghèo sẽ mất đi người kiếm tiền và phải trả hóa đơn chữa bệnh khổng lồ, vốn chỉ có thể làm giảm bớt cơn đau cho người mắc bệnh. Họ lâm vào cảnh khổ sở trong bối cảnh chính quyền chỉ hỗ trợ chăm sóc y tế cơ bản và các công ty hiếm khi trả tiền bồi thường. Đích đến được ưa thích của những người đàn ông ở Shuangxi là thị trấn Thâm Quyến nằm cạnh Hong Kong, nơi họ tìm được công việc khoan và cho nổ mìn tại các công trường xây dựng. Công việc này khiến họ luôn chìm trong bụi bặm và chỉ có mỗi chiếc khẩu trang mỏng để bảo vệ mình. Phải tới tận cuối những năm 2000, tác động độc hại của căn bệnh mới bắt đầu lộ rõ, khi những người công nhân lần lượt bị ốm nặng và có người chết. Năm 2009, những người công nhân quyết định trở lại Thâm Quyến để đòi bồi thường. Họ tổ chức biểu tình bằng cách ngồi tại công trường xây dựng nhằm thu hút sự cảm thông của dư luận. Sau nhiều tháng đàm phán, nhiều người được chính quyền bồi thường từ 70.000 - 130.000 NDT (11.000 - 21.000 USD). Một số người được bồi thường tới 290.000 NDT từ một chương trình bảo hiểm người lao động. Thế nhưng những người này chỉ nằm trong số ít các công nhân may mắn. Trên toàn quốc, ước tính chỉ có 10-20% các nạn nhân mắc bệnh ho dị ứng vì hít quá nhiều bụi được bồi thường. Với đa số những người khác, vào thời gian căn bệnh bắt đầu phát tác, họ đã mất sạch các giấy tờ cho thấy mình từng làm việc tại công trường xây dựng, hoặc công ty đã phá sản, công trình đã đổi chủ... Ngay cả với những người được bồi thường, số tiền cũng nhanh chóng bốc hơi cùng hóa đơn tiền thuốc đắt đỏ, những cỗ máy oxy trợ thở, các mũi tiêm và vài đợt cấp cứu trong bệnh viện mỗi năm./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục