Công tác dân tộc có vai trò chiến lược, cần được quan tâm

Chiều 15/1, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.
Công tác dân tộc có vai trò chiến lược, cần được quan tâm ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Chiều 15/1, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Năm 2013, công tác dân tộc tiếp tục có những chuyển biến rõ nét. Nhận thức về công tác dân tộc có sự chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị cả nước. Các Bộ, ban, ngành, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn, thể hiện nổi bật nhất là việc phối hợp rà soát, sửa đổi, ban hành nhiều chính sách mới có tầm chiến lược, thể hiện rõ trách nhiệm với vùng dân tộc và miền núi. Ủy ban Dân tộc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Việc tăng cường thể chế về công tác dân tộc được quan tâm tập trung thực hiện, trong đó có nhiều chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các chính sách mới, có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện tốt công tác chỉ đạo hướng dẫn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên cả nước; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nắm tình hình dân tộc cũng được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từng bước được nâng lên.

Công tác dân tộc đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế-xã hội. Sản xuất đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện; công tác giáo dục, y tế ở vùng dân tộc có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy...

Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành trước thời hạn 3/8 Mục tiêu Thiên niên kỷ và góp phần tích cực hoàn thành tiếp 5 Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015.

Những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc trong năm 2014 được xác định là: tiếp tục rà soát hệ thống chính sách hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung để xây dựng hệ thống chính sách mới giảm nghèo bền vững thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng đa lĩnh vực, đa mục tiêu, tập trung đầu mối quản lý, tránh chồng chéo, dàn trải và đảm bảo đủ nguồn nhân lực thực hiện.

Đồng thời chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại vùng dân tộc và miền núi; tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại. Chủ động bám sát địa bàn cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc và miền núi, biên giới; phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nhạy cảm, nhất là một số vụ việc nổi cộm ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; không để xảy ra những điểm “nóng,” bất ổn định vùng dân tộc và miền núi.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện công tác dân tộc năm 2013; cho rằng những kết quả đạt được là khá toàn diện và thiết thực đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Bày tỏ cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ năm 2014 mà Ủy ban Dân tộc đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh công tác dân tộc là công tác mang tính chiến lược, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt; nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác dân tộc đã được đề ra và triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó nổi lên là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao, trình độ phát triển kinh tế, trình độ văn hóa còn thấp; hạ tầng miền núi còn nhiều khó khăn; mức độ hưởng thụ y tế của đồng bào chưa cao...

Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém này là nhận thức về vai trò chiến lược của công tác dân tộc tuy có được nâng lên, song còn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiệu quả còn chưa cao; nguồn lực cho công tác dân tộc còn hạn chế; nhiều chính sách còn tạo ra sự trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận đồng bào...

Từ phân tích trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ Ủy ban Dân tộc, các cơ quan, cán bộ làm công tác dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc trong thời gian tới.

Đồng thời, tìm mọi cách tăng thêm nguồn lực đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn các chính sách đã ban hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để giảm nghèo nhanh và bền vững hơn, cải thiện tốt hơn đời sống cho đồng bào dân tộc.

Trong đó, cần hết sức quan tâm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm... đi liền với hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó là hỗ trợ đồng bào về nhà ở, điện, nước sạch; quan tâm chăm lo phát triển y tế, giáo dục đối với đồng bào; thúc đẩy đầu tư hạ tầng về giao thông vận tải, thủy lợi; đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án, chính sách ở vùng dân tộc và miền núi... Rà soát, xây dựng các chính sách đặc thù đối với các dân tộc có khó khăn đặc biệt; thực hiện hiệu quả, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần hết sức chú trọng đến công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở vùng đồng bào; thực hiện tốt chủ trương đoàn kết dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; không để xảy ra các vụ việc gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc và miền núi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục