Công tác hậu kiểm văn bản quy phạm pháp luật còn những khâu yếu

Tính từ năm 2016 đến nay, số văn bản quy phạm pháp luật cấp trung ương đã được rà soát là 20.322 văn bản, các cơ quan trung ương đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung thay thế, bãi bỏ 4.394 văn bản.
Công tác hậu kiểm văn bản quy phạm pháp luật còn những khâu yếu ảnh 1Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. (Nguồn: Văn phòng Chính phủ)

Chiều 22/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và việc bãi bỏ văn bản ban hành trái pháp luật của các bộ, cơ quan.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì buổi làm việc.

Khó xử lý trách nhiệm

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết từ năm 2017 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã 5 lần có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các văn bản có quy định chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong kiểm tra văn bản, có bốn loại sai thường thấy, là sai về thẩm quyền nội dung của các quy định, sai về căn cứ pháp lý, sai về thể thức kỹ thuật và sai về trình tự thủ tục, trong đó sai về thẩm quyền nội dung trong thời gian qua đã được đôn đốc xử lý tích cực.

Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp kiểm tra tại một số bộ, ngành và hơn 10 địa phương về việc xử lý các văn bản chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, tính từ năm 2016 đến nay, số văn bản quy phạm pháp luật cấp trung ương đã được rà soát là 20.322 văn bản, các cơ quan trung ương đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung thay thế, bãi bỏ 4.394 văn bản và đến nay đã xử lý xong 3.856 văn bản, đạt 87,8%.

Đối với văn bản cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số đã được rà soát là 144.281 văn bản, trong đó đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 26.112 văn bản, đến nay đã xử lý xong 22.322 văn bản, đạt 85,5%.

Hiện tổng số văn bản còn hiệu lực thuộc trách nhiệm Bộ Công an quản lý là 196 văn bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo 571 văn bản, Bộ Giao thông Vận tải 296 văn bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 217 văn bản, Bộ Nội vụ 585 văn bản, Bộ Tài chính 1.370 văn bản, Bộ Tư pháp 209 văn bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 366 văn bản, Bộ Quốc phòng 1.102 văn bản. Đây là số văn bản đang được áp dụng và phải theo sát sự di biến động của các văn bản, xem có lạc hậu hay không để xử lý kịp thời.

Công tác rà soát hệ thống hóa văn bản được thực hiện đối với tất cả văn bản quy phạm pháp luật, trừ Hiến pháp.

Về công tác kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật, ông Đồng Ngọc Ba cho biết đối tượng xem xét ở đây chỉ là văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Bộ trưởng đến cấp xã,chưa thực hiện cơ chế kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản cấp Thủ tướng trở lên vì các văn bản này thực hiện theo cơ chế giám sát của Quốc hội.

Từ năm 2016 đến nay, đã kiểm tra tính pháp lý liên quan đến thẩm quyền và nội dung đối với 86.920 văn bản quy phạm pháp luật từ thông tư của các bộ đến nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và quyết định của Ủy ban Nhân dân cấp xã, phát hiện và kiến nghị xử lý đối với 1.958 văn bản quy phạm pháp luật có sự không phù hợp về nội dung và thẩm quyền.

Cho rằng với số lượng văn bản ban hành hàng năm rất lớn, việc ban hành văn bản sai là khó tránh, ông Đồng Ngọc Ba đánh giá phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

Kết quả của công tác rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản tác động tích cực vào ý thức trách nhiệm của các cơ quan trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác kiểm tra góp phần phát hiện để ngăn chặn hậu quả của các quy định chưa phù hợp.

[Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi]

Thông tin hiện trong tổng số gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, từ luật đến thông tư đang còn hiệu lực, ông Đồng Ngọc Ba cho biết riêng thông tư đã có hơn 6.000 văn bản, luật chỉ hơn 200 và nghị định khoảng 2.000. Mỗi năm 22 đầu mối bộ lại ban hành mới 1.000 thông tư, điều đó làm thay đổi hệ thống thông tư đã ban hành, phải kiểm soát được thì mới minh bạch, công khai được các quy định pháp luật. Đến nay, việc kiểm soát di biến động này tương đối tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có văn bản chưa phù hợp, công tác hậu kiểm văn bản còn những khâu yếu. Đối với công tác kiểm tra xử lý văn bản, hiện cả nước có 23.000 cơ quan có trách nhiệm nhưng hoạt động của hệ thống chưa đều, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Việc phát hiện văn bản trái pháp luật chưa kịp thời, thậm chí có khi ban hành, gây tác hại rồi mới phát hiện và xử lý, có trường hợp phát hiện chậm, xử lý cũng chậm.

Đặc biệt, theo quy định của pháp luật, nếu văn bản ban hành trái pháp luật, gây hậu quả thì phải khắc phục hậu quả và những người liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật phải bị xem xét, xử lý trách nhiệm, nhưng hiện nay, việc xác định và khắc phục hậu quả là rất khó khăn, việc xử lý trách nhiệm mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, chưa thực hiện được việc kỷ luật công chức.

“Năm lần chỉ đạo vừa rồi của Chính phủ trong các công văn đều nhấn đến hai khía cạnh là hậu quả của văn bản và xử lý trách nhiệm như thế nào, các bộ, ngành địa phương phải báo cáo. Chúng tôi là đầu mối rất lúng túng chỗ này, rất khó, vì không có thông tin. Phần hậu quả và xử lý trách nhiệm rất khó khăn," vị Cục trưởng này cho hay.

Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật là các yêu cầu và nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Tùy thuộc vào từng khâu, đoạn khác nhau của quá trình này, các hoạt động kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản được thực hiện với thẩm quyền, phương thức, nội dung khác nhau.

Trong công tác xây dựng pháp luật, hoạt động thẩm định, thẩm tra văn bản với ý nghĩa là công cụ có tính chất “tiền kiểm,” nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản trước khi ban hành.

Cùng hướng đến mục đích tương tự, hoạt động rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử lý văn bản là công cụ có tính chất “hậu kiểm” để xem xét, đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản sau khi ban hành nhằm phát hiện văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Các công cụ quan trọng này có mối quan hệ tương hỗ với nhau và được đặt trong tổng thể chu trình từ xây dựng pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian qua, hoạt động rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng văn bản không hợp hiến, góp phần hạn chế văn bản không hợp pháp, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu công khai, minh bạch, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Nhất là từ năm 2017 đến nay, các lĩnh vực công tác “hậu kiểm” này đã có những chuyển biến tích cực với những kết quả cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận hệ thống pháp luật của chúng ta còn những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục dẫn đến thay vì tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện quyền hiến định thì lại làm chậm hoặc cản trở những nỗ lực tốt đẹp của cải cách.

Sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn là những vấn đề đã được nói tới nhiều trong thời gian qua, đem lại không gian rộng lớn cho công tác “hậu kiểm” khẳng định vị trí, vai trò của mình.

“Nếu chúng ta làm tốt, làm đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định pháp luật liên quan khác thì chắc bức tranh đã khác, doanh nghiệp và người dân không phải than phiền nhiều về pháp luật, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không phải có nhiều chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể để làm tốt hơn công tác hậu kiểm văn bản," Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ.

Tại buổi làm việc, các thành viên Tổ công tác đã kiểm điểm, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan về kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ theo các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ trong việc thực hiện chức trách của mình về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và việc xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; làm rõ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp khắc phục để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục