Ngày 23/10, công ty phần mềm Kaspersky Lab (Nga) đã khởi xướng sáng kiến về công khai tin học (Global Transparency Initiative), trong đó Kaspersky sẽ đi đầu và công khai mã nguồn các sản phẩm của mình, bao gồm cả công nghệ nhận biết các nguy cơ, để các chuyên gia độc lập có thể phân tích.
Theo thông báo của công ty, sáng kiến này nhằm thu hút các chuyên gia về an ninh mạng có thể kiểm tra độ tin cậy và nguyên vẹn của các sản phẩm, cũng như các giao dịch kinh doanh của công ty. Qua đó Kaspersky muốn “khẳng định tính minh bạch trong hoạt động, trước hết nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước bất kỳ đe dọa tin học nào dù có nguồn gốc ở đâu và mục đích gì.”
[Tình báo Israel: Nga sử dụng phần mềm Kaspersky tấn công mạng]
Theo đó, đến cuối quý 1/2018, công ty sẽ cho phép các chuyên gia độc lập phân tích mã nguồn của mình, sau đó đến phân tích các bản "cập nhật" và quy tắc nhận diện các nguy cơ, đánh giá độc lập các sáng chế và chiến lược giảm thiểu rủi ro trong chuỗi nhà cung cấp phần mềm, xây dựng các cơ chế kiểm tra bổ sung các quá trình xử lý dữ liệu.
Công ty cũng dự định mở 3 trung tâm về minh bạch trên toàn thế giới để giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong lĩnh vực an ninh tin học cho các khách hàng, đối tác và các cơ quan nhà nước.
Thời gian vừa qua một số báo chí Mỹ cáo buộc Kaspersky có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan tình báo của Nga, cũng như có giao dịch với Cơ quan An ninh nước này. Bộ An ninh Nội địa Mỹ còn kêu gọi các cơ quan nhà nước Mỹ từ chối dùng sản phẩm bảo vệ máy tính của Kaspersky Lab.
Sau đó ông chủ của Kaspersky Lab Evgheni Kaspersky đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho chính quyền Mỹ mã nguồn của các phần mềm để xua tan các nghi ngờ cũng như phủ nhận các cáo buộc trên./.