Công ty năng lượng Italy chấm dứt quan hệ đối tác với phía Nga

Công ty năng lượng quốc doanh Eni của Italy thông báo kế hoạch bán 50% cổ phần trong dự án đường ống Dòng chảy Xanh; tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sở hữu số cổ phần còn lại trong dự án này.
Công ty năng lượng Italy chấm dứt quan hệ đối tác với phía Nga ảnh 1Eni ngày 2/3 thông báo kế hoạch rút cổ phần trong dự án đường ống Dòng chảy Xanh - dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Ngày 2/3, công ty năng lượng quốc doanh Eni của Italy thông báo kế hoạch bán 50% cổ phần trong dự án đường ống Dòng chảy Xanh, dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen, khi cùng các công ty châu Âu khác chấm dứt quan hệ đối tác với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.

Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga sở hữu số cổ phần còn lại trong dự án trên.

Phát biểu với báo giới, một người phát ngôn của Eni cho biết sự hiện diện hiện tại của Eni ở Nga là không đáng kể.

Các liên doanh hiện có với Rosneft do Nga sở hữu, có liên quan đến giấy phép thăm dò ở Bắc Cực, đã bị đóng băng trong nhiều năm, cũng do các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt từ năm 2014.

Eni hiện đang nỗ lực để tăng các nguồn năng lượng tái tạo trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon ở châu Âu. Gần đây, Eni đã khánh thành trang trại điện gió thứ hai ở Kazakhstan trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của Italy vào khí đốt tự nhiên.

Các công ty khí đốt khổng lồ khác của châu Âu cũng đang nhanh chóng dừng hợp tác với các đối tác của Nga. Ngày 27/2, tập đoàn BP của Anh thông báo sẽ bán 19,75% cổ phần trong Rosneft.

[Netflix, H&M, Oracle và nhiều công ty khác ngừng hoạt động tại Nga]

Shell, một công ty khác của Anh, có ý định chấm dứt tất cả các liên doanh với Gazprom, ngoài việc rút khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Căng thẳng ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng năng lượng hiện nay của Italy, đang tác động nhanh chóng đến nền kinh tế. Là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn thứ ba ở châu Âu, Italy phải nhập khẩu khoảng 93% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu, lạm phát của Italy ở mức 5,1% trong tháng 1/2022, do giá năng lượng tăng. Cơ quan thống kê quốc gia Italy ước tính giá tiêu dùng trong tháng 2/2022 đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Eni không phải là công ty năng lượng duy nhất của Italy thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm giảm lượng khí thải carbon như một cách để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ngày 25/2, công ty Enel thông báo rằng đang tạm dừng kế hoạch chuyển đổi hai nhà máy điện đốt than lớn nhất ở Italy sang dùng khí đốt do rủi ro về nguồn cung khí đốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục