COP27: Tài chính công bằng là chìa khóa để thúc đẩy hành động khí hậu

Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry đã hối thúc các đối tác quốc tế nâng mức đóng góp tài chính để cung cấp hỗ trợ tài chính khí hậu cần thiết.
COP27: Tài chính công bằng là chìa khóa để thúc đẩy hành động khí hậu ảnh 1Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry. (Nguồn: cairoscene)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập đồng thời là Ðặc phái viên của Liên hợp quốc về cung cấp tài chính cho phát triển bền vững 2030, ông Mahmoud Mohieldin, ngày 9/11 nhấn mạnh rằng việc cung cấp tài chính hiệu quả và công bằng là chìa khóa để thực hiện trên thực tế các hành động khí hậu, theo lời kêu gọi của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.

Phát biểu tại phiên họp "Ngày tài chính" thuộc khuôn khổ COP27 diễn ra cùng ngày, ông Mohieldin cho rằng việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho phát triển và hành động khí hậu ở các nước đang phát triển và mới nổi đòi hòi một nguồn kinh phí rất lớn, ước lên tới 1.300 tỷ USD đến năm 2025 và con số này có thể tăng lên 2.400 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Mohieldin nêu rõ cam kết tài trợ cho hành động khí hậu đã trở thành yếu tố cần thiết. Ông chỉ ra rằng tại COP15 diễn ra ở Copenhagen năm 2009, các nước phát triển đã cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển, song cho đến nay chỉ một số quốc gia phát triển thực hiện cam kết này.

[COP27: Châu Phi có nguy cơ thiệt hại hàng năm 415 tỷ USD do thiên tai]

Theo ông, việc thực hiện cam kết đó sẽ mở đường cho nhiều cam kết được thực hiện, cho dù số tiền 100 tỷ USD/năm chỉ đáp ứng hơn 3% nhu cầu cần thiết.

Nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc cho hay ngân sách công của các nước đang phát triển đang gánh 80% nguồn tài chính cho phát triển và hành động khí hậu, với 60% nguồn tài chính khí hậu là thông qua nợ.

Ông Mohieldin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân và các ngân hàng phát triển quốc gia trong việc tài trợ cho hành động khí hậu, cũng như việc áp dụng các tiêu chuẩn IDA về cung cấp tài trợ và các khoản vay mềm dài hạn với lãi suất thấp.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry đã hối thúc các đối tác quốc tế nâng mức đóng góp tài chính để cung cấp hỗ trợ tài chính khí hậu cần thiết nhằm giúp tăng cường thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết "tổn thất và thiện hại."

Ông Shoukry cho rằng cần phải xây dựng lòng tin giữa các bên tham gia hội nghị COP27 để họ có thể thống nhất về tất cả các chủ đề liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục