Ngày 9/11, đặc phái viên khí hậu của Mỹ, ông John Kerry, đã tuyên bố thiết lập một kế hoạch đền bù carbon để hỗ trợ các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch.
Ông Kerry công bố kế hoạch Tăng tốc chuyển đổi năng lượng (ETA) với dự định tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và tăng tốc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch tại các nước đang phát triển.
Chính phủ Mỹ sẽ phát triển chương trình cùng Quỹ Bezos Earth và Quỹ Rockefeller, với sự đóng góp từ các lĩnh vực công và tư, dự kiến được thực hiện đến hết năm 2030 và có khả năng gia hạn tới năm 2035.
[IMF khuyến nghị định giá carbon ít nhất 75 USD mỗi tấn vào năm 2030]
Ông Kerry cho biết Chile và Nigeria nằm trong số những quốc gia đang phát triển đã sớm quan tâm tới ETA.
Các ngân hàng, doanh nghiệp gồm Bank of America, Microsoft PepsiCo và Standard Chartered Bank cũng bày tỏ quan tâm tới thông tin về tình hình phát triển của ETA.
Theo đặc phái viên khí hậu Mỹ, mục đích của chương trình là vận hành thị trường carbon để triển khai vốn đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo.
Ông Kerry cho biết thêm các loại hình tín chỉ carbon (carbon credit) được sử dụng trong chương trình sẽ có chất lượng cao và có những hình thức bảo đảm chắc chắn.
Quan chức Mỹ khẳng định sáng kiến thị trường carbon do nước này khởi xướng đã nhận được sự ủng hộ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Auterres vì có những đảm bảo chắc chắn với các loại hình tín chỉ carbon.
Trước đó, ông Kerry đã gặp ông Guterres tại phiên họp của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.
Tuy nhiên, một số nhóm vận động vì môi trường đã lên tiếng phản đối sáng kiến vì cho rằng việc sử dụng tín chỉ carbon có thể cản trở những nỗ lực thực tế nhằm giảm khí thải./.