Việc phát triển thành công vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang giúp nhiều nước trên thế giới tích cực triển khai chương trình tiêm chủng cho người dân.
Thế nhưng, càng có nhiều người được tiêm phòng COVID-19, mỗi ngày, hàng triệu ống tiêm, kim tiêm và những lọ nhỏ đựng vaccine bị thải loại trên khắp thế giới. Đơn cử như ở Mỹ, việc tiêm phòng cho toàn bộ người dân nước này sẽ khiến lượng kim tiêm loại ra môi trường cao gấp 1,8 lần.
Do đó, giới chuyên gia cảnh báo các công ty xử lý rác y tế có nguy cơ bị quá tải, trong khi nhiều nhà môi trường đề nghị các nước có giải pháp bền vững hơn khi tăng tốc chương trình tiêm ngừa COVID-19 cho người dân.
Trong khu nhà xử lý rác thải nóng "như thiêu như đốt" do nhiệt lượng tỏa ra từ lò đốt ở miền Trung Bồ Đào Nha, các công nhân vệ sinh môi trường tiến hành phân loại các thùng được đánh dấu "rác nguy hại" được các xe tải đưa đến từ các cơ sở tiêm chủng.
Công ty xử lý rác Ambimpombal - đơn vị vận hành nhà xử lý rác này, cho biết số người được tiêm phòng tăng cũng đồng nghĩa với việc các công nhân của công ty phải hoạt động tăng thêm bởi đây là 1 trong 2 lò đốt rác thải y tế ở Bồ Đào Nha.
[Hàn Quốc hỗ trợ vật tư phòng dịch trị giá hàng triệu USD cho Ấn Độ]
Ông Carlos Filho, người đứng đầu Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế (ISWA), có trụ sở tại Rotterdam (Hà Lan) nêu rõ dù Bồ Đào Nha vẫn đang nỗ lực xử lý rác thải từ chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, song hạn chế về năng lực xử lý chất thải y tế đang trở thành một vấn đề mang tính cấu trúc ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Đại dịch ập đến bất ngờ đã làm bộc lộ việc thế giới thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để đối phó với lượng rác thải tăng lên. Năm ngoái, các công ty phế liệu đã phải xử lý một lượng rác khổng lồ từ khẩu trang y tế đến hộp giao thức ăn.
Suez - một trong những hãng xử lý chất thải lớn nhất thế giới, cho biết khối lượng rác thải y tế mà họ xử lý tại nhà máy ở Hà Lan trong năm 2020 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Đáng lo ngại, rác thải y tế hiện đang có mặt tại những nơi không hoạt động y tế - nơi các trung tâm tiêm chủng được dựng lên như sân vận động, bãi đậu xe và phòng hòa nhạc.
Trong khi đó, việc xử lý rác thải y tế giữa các nước cũng không giống nhau. Ở một số nước, các rác thải này được gom, khử trùng và đưa đến các bãi chôn lấp vệ sinh.
Hoặc như Bồ Đào Nha lại chọn phương pháp thiêu hủy. Lượng rác thải y tế phải xử lý ngày một tăng đã trở thành ý tưởng giúp nhiều công ty đổi mới, sáng tạo.
Công ty Công nghệ rác thải OnSite của Mỹ đã thiết kế một thiết bị có kích cỡ bằng chiếc máy tính để bàn có thể nấu chảy ống tiêm, kim tiêm và biến chúng thành một viên rác nhỏ không lây nhiễm.
Tuy nhiên, ở các nước có thu nhập thấp, nơi thu gom rác thải ít được quản lý hơn, chất thải y tế thường được đổ rao các bãi rác lộ thiên hoặc các hố đốt rác không được kiểm soát, gây nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Đáng lo ngại, ở một số nước còn có hiện tượng những người nhặt rác đi bới kim tiêm và ống tiêm từ những bãi rác lộ thiên và đem bán lại trên thị trường chợ đen. Giới chuyên gia coi đây là "một quả bom hẹn giờ" có tác động khủng khiếp đến sức khỏe của công chúng.
Lo ngại về điểm đến cuối cùng của rác thải y tế cũng đã nổi lên ở châu Âu. Tháng 11/2020, Cơ quan cảnh sát châu Âu (EU) cũng đã điều tra một số công ty xử lý kém chất thải từ COVID-19.
Cảnh sát Tây Ban Nha cho biết 1 công ty hoạt động ở nước này và Bồ Đào Nha đã để chất thải lây nhiễm trong các hộp giấy, làm rơi vãi trên các tuyến đường công cộng.
Dẫu vậy, vẫn còn một số công ty coi đại dịch là cơ hội để xử lý rác thải tốt hơn và xanh hơn. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Journal of Climate Change and Health tháng trước cho thấy vaccine có thể "thân thiện hơn với môi trường" nếu các ống tiêm được làm từ những chất liệu dễ tái chế hơn./.